Sợ chó (cynophobia) được miêu tả như những cảm xúc mãnh liệt quá mức, phi lý trí khi tiếp xúc chó, dù trực tiếp hay gián tiếp (thông qua hình ảnh, ngửi mùi, nghe tiếng kêu). Bắt gặp chó, người mắc chứng cynophobia có thể bị đánh trống ngực, đổ mồ hôi, run rẩy, khó thở, thậm chí chóng mặt, ngất xỉu, nôn mửa. Hành vi né tránh như hạn chế đến công viên hoặc nhà ai đó nuôi chó cũng rất phổ biến.
Theo tác giả Bruce J Timothy và Sanderson W.C trong cuốn Những nỗi sợ điển hình, ứng dụng lâm sàng thực chứng trong những ca can thiệp tâm lý trị liệu, nỗi sợ chó thường khởi phát năm năm tuổi và kết thúc năm 13 tuổi. Phần lớn người sợ chó là nữ giới.
Ảnh: BD. |
Về mặt biểu tượng, chó được coi là con vật khôn ngoan, gần gũi, bảo vệ con người. Thế nhưng, khi một đứa trẻ bị chó cắn, tính chất của biểu tượng này bị phá hủy hoàn toàn. Từ con vật bảo vệ, chó trở thành mối nguy hiểm đe dọa mạng sống, tước đi tất cả những gì quý giá nhất với đứa trẻ là sự an toàn, chở che. Hàm răng, tiếng gầm gừ, mùi cơ thể của chó khiến trẻ nhận ra mình không được bao bọc như vẫn tưởng.
Không chỉ do chó, nỗi sợ của đứa trẻ còn mang tính chất cộng hưởng. Nhìn thấy gia đình lo lắng, trẻ hiểu rằng bản thân đang rơi vào tình trạng nghiêm trọng đến mức những người hay chơi đùa với chúng không thể tiếp tục vui vẻ. Một cách vô thức, trẻ hấp thụ toàn bộ sự căng thẳng xung quanh, từ đó gia tăng nỗi sợ gắn với hình ảnh con chó. Ngoài ra, sự cộng hưởng cũng đến từ mũi tiêm phòng dại, bệnh viện, màu áo trắng của bác sĩ.
Bị chó cắn được xếp vào một dạng sang chấn. Nếu được can thiệp kịp thời, đứa trẻ sẽ nhanh chóng vượt qua. Ngược lại, nếu không thể giải quyết, nỗi sợ sẽ kéo dài tới tận tuổi trưởng thành. Hiện nay, có nhiều phương pháp trị liệu nỗi sợ chó như uống thuốc giảm căng thẳng, vẽ tranh (vẽ một con chó), nặn tượng hoặc đóng vai, kể chuyện.
Thạc sĩ tâm lý lâm sàng Nguyễn Xuân Phong - Giảng viên khoa Khoa học Hành vi và Giáo dục Sức khỏe, Đại học Y tế Công cộng
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.