Một giấc ngủ ngắn có thể cho giúp cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ, xua tan mệt mỏi và tăng cường năng lượng (Ảnh: fotolia) |
Không ít người cho rằng buổi chiều có cảm giác buồn ngủ là bởi sau bữa trưa, khi thức ăn còn trong dạ dày chưa tiêu hóa, dây thần kinh phế vị truyền tín hiệu đến não và gây buồn ngủ. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có bằng chứng y khoa trực tiếp hỗ trợ lập luận này. Còn theo bác sĩ thần kinh thuộc Đại học Adelaide (Úc) Fiona Kerr giải thích trên tờ Sydney Morning Herald, con người được cấu tạo để ngủ 2 giấc mỗi ngày. Ông nhấn mạnh rằng: “Một giấc ngủ 15-20 phút sẽ giúp não bộ được nghỉ ngơi và tăng hiệu quả hoạt động cho cơ thể. Một giấc ngủ ngắn khoảng 20 phút buổi trưa có lợi hơn rất nhiều so với cố ngủ thêm 20 phút vào buổi sáng.”
Trong những năm gần đây, những lợi ích của giấc ngủ trưa đã được ngày càng nhiều nghiên cứu khoa học xác nhận. Một nghiên cứu năm 2014 đăng trên trang web Thư viện Khoa học Quốc gia Mỹ cho thấy giấc ngủ trưa có tác dụng lớn trong việc củng cố trí nhớ, và cho dù ngủ bù vào ban đêm thì cũng không thể thay thế được.
Thêm nữa, ngủ trưa cũng là quá trình cơ mắt được nghỉ ngơi sau một buổi sáng căng thẳng làm việc, và điều đó sẽ làm chậm quá trình suy giảm thị lực cũng như những tổn hại mà mắt phải gánh chịu.
Từ những năm 1990, các nghiên cứu của Nhật Bản cũng khẳng định giấc ngủ trưa từ 15-20 phút sẽ giúp người ta trở nên tỉnh táo và hoàn thành tốt công việc trong ngày hơn. Theo thông tin trên Washington Post, Nhật Bản hiện nay đang tiến hành “cuộc cách mạng ngủ trưa”. Các trường học khuyến khích sinh viên ngủ trưa khoảng 15 phút mỗi ngày. Ngay cả nhiều người giữ chức vụ bận rộn như các giám đốc ngân hàng hay quan chức chính phủ cũng cố gắng có một giấc ngủ ngắn trong giờ nghỉ trưa, hy vọng tận dụng cơ hội này để tăng hiệu suất cho công việc của buổi chiều.
Còn trong Hội thảo Tim mạch châu Âu diễn ra ở London, Anh, bác sĩ Manolis Kallistratos đã trình bày kết quả nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân ngủ trưa thường xuyên trong khoảng 30 phút sẽ giảm trung bình 2 mmHg huyết áp tâm thu đo trong 24 giờ.
Thậm chí, các nhà khoa học còn phân loại hiệu quả của giấc ngủ trưa theo thời gian như sau:
- Giấc ngủ 20 phút: Giúp tăng trí nhớ và sự tỉnh táo để có thể giải quyết tốt các kỹ năng công việc hay học tập.
- Giấc ngủ 20 – 30 phút: Giúp tăng cường tính sáng tạo và tăng trí nhớ hiệu quả.
- Giấc ngủ 30 – 60 phút: Tác động lớn đến khả năng ra quyết định chính xác, đồng thời cải thiện khả năng ghi nhớ thông tin của não bộ
Tuy nhiên, nếu giấc ngủ dài hơn 90 phút thì có thể dễ gây khó ngủ vào ban đêm, đồng thời kéo theo các triệu chứng như chóng mặt, đau đầu, khó tập trung… làm mất hoàn toàn những lợi ích của giấc ngủ ngắn buổi trưa. Vậy thì khi ngủ trưa chúng ta cần lưu ý những điều gì để đạt hiệu quả tốt nhất?
Thứ nhất, không nên ngủ ngay sau bữa trưa. Ngay sau khi ăn mà chúng ta lập tức đi ngủ có thể tăng áp lực cho hệ tiêu hóa, còn gây trào ngược dạ dày thực quản khiến cơ thể khó chịu. Vì vậy, tốt nhất là nghỉ ngơi khoảng 20 phút sau bữa trưa rồi mới đi ngủ.
Thứ hai, thời gian ngủ trưa không nên quá dài. Thời gian ngủ tùy thuộc vào quỹ thời gian bạn có, nhưng tốt nhất chỉ nên ngủ trưa trong vòng khoảng 30 phút.
Thứ ba, nên chú ý tư thế khi ngủ. Trong trường hợp không có giường hay trường kỷ, bạn có thể dựa lưng hay ngả đầu ra phía sau để chợp mắt. Cố gắng thả lỏng cơ thể, không bắt chéo chân gây căng cơ, không gối đầu vào khuỷu tay để tránh đè vào con ngươi gây ảnh hưởng đến mắt, cũng không nên gục mặt xuống bàn gây đè nén lồng ngực làm ảnh hưởng đến hô hấp và tuần hoàn máu. Nếu ngủ không đúng tư thế, chúng ta còn có nguy cơ bị thoái hóa đốt sống cổ và không dễ để chữa trị.
Cuối cùng, sau một giấc ngủ ngắn, có thể dùng nước lạnh rửa mặt để đánh thức cơ thể trở về trạng thái hoạt động bình thường. Có thể làm những việc nhẹ nhàng ít căng thẳng trước vì não bộ cũng cần một thời gian để hồi phục nhất định. Ngoài ra, với những ai vốn không có thói quen ngủ trưa, bạn cũng không cần phải cố ép bản thân phải ngủ một lát, bởi như vậy sẽ làm nhiễu đồng hồ sinh học và có thể gây cảm giác mệt mỏi. Hãy thuận theo trạng thái tự nhiên nhất của cơ thể, có như vậy mới luôn cảm thấy sảng khoái và thư giãn.
Theo Tri Thức VN
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.