Tổn thương não
Theo nghiên cứu của các chuyên gia của Center for Disease Control and Prevention (Hoa Kỳ), số ca tử vong do hội chứng trẻ bị rung lắc lên đến khoảng 2.000 trẻ mỗi năm ở Mỹ. Khi bị rung lắc mạnh, nhất là ở động tác tung hứng hay quay vòng tròn quá mạnh, khối não sẽ di chuyển theo quán tính vật lý và có thể va đập vào hộp sọ làm não bị sung phù. Áp lực nội sọ tăng lên và tổn thương các mạch máu trong não.
Tung hứng gây ảnh hưởng não của trẻ nhỏ |
Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, nhiều nhất là từ giai đoạn sơ sinh đến 8 tháng do đặc điểm cơ thể của trẻ ở độ tuổi này. Não bé phát triển nhanh nhưng bộ xương, đặc biệt là xương sọ chưa phát triển hết nên rất dễ bị tổn thương, nếu chúng ta rung lắc rất dễ dẫn đến tình trạng chệch, gãy xương thậm chí ảnh hưởng đến các dây thần kinh để lại di chứng rất đáng tiếc về sau.Trong khoảng thời gian này, đầu trẻ chiếm tỷ trọng khoảng 1/4 cơ thể, não bộ chưa phát triển nhiều, lại nằm trôi nổi trong môi trường dịch não tủy bao bọc xung quanh.
Các tổn thương não sẽ để lại nhiều di chứng thần kinh lâu dài cho trẻ. Tổn thương nhẹ có thể làm cho trẻ chậm phát triển tinh thần, mất khả năng nói năng lưu loát, học tập không tiếp thu được bài vở. Tổn thương nặng có thể gây xuất huyết võng mạc mắt, giảm thị lực hoặc mù điếc, liệt thần kinh, co giật, rối loạn hành vi nói và nghe, giảm khả năng nhận thức, thậm chí gây tử vong. Nhiều tổn thương kéo dài chỉ phát hiện được khi trẻ đã lớn. Trẻ trên 6 tuổi phải điều trị chuyên sâu, lâu dài, rất tốn kém.
Tuy nhiên, điều đáng lo nhất là bố mẹ thường không biết trẻ bị tổn thương vì rung lắc mạnh do người lớn gây nên. Vì vậy, nhiều trường hợp trẻ đã bị tổn thương nhưng vẫn tiếp tục bị “tra tấn” bởi các lần rung lắc mạnh tiếp theo khiến trẻ bị tổn thương ngày càng nặng.
Tổn thương thần kinh và mạch máu do rung lắc thường khó phát hiện ngay, có khi trẻ không có biểu hiện gì. Do đó, bạn cần hiểu biết những dấu hiệu báo động sau đây để kịp thời cứu trẻ.
Một nạn nhân nhí bị tổn thương não nghiêm trọng do bị rung lắc |
Tùy theo mức độ tổn thương nặng hay nhẹ sẽ có những triệu chứng xuất hiện như: nhẹ thì thấy trẻ giảm linh hoạt, lờ đờ, ngủ gà ngủ gật, không hoặc ít khi mỉm cười. Nặng hơn, trẻ sẽ không nhìn được, dễ co giật, nôn mửa. Trường hợp trầm trọng, trẻ có các biểu hiện ngừng thở, tím tái, hôn mê... khi đó, nếu không cấp cứu kịp, trẻ có thể tử vong.
Xử lý ban đầu khi trẻ bị chấn thương
- Gọi xe cấp cứu, không nên vận chuyển bằng xe thông thường.
- Không bế xốc trẻ lên, đừng cố lắc để làm cho trẻ tỉnh lại.
- Không cho trẻ ăn, bú.
- Nếu trẻ ngừng thở, phải tiến hành hô hấp nhân tạo.
- Nếu chấn thương cổ nên tránh xoay trẻ, cố định cổ.
- Nếu trẻ nôn và không có chấn thương cổ, cần xoay nhẹ đầu trẻ về một bên để tránh sặc và ngừng thở.
Khi trẻ có di chứng, cần tiến hành tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, dùng liệu pháp tâm lý liệu pháp, liệu pháp ngôn ngữ theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Biểu hiện quấy khóc |
Biện pháp phòng tránh
Khi di chuyển trẻ, hãy giữ cổ ở tư thế tương đối cố định. Không ôm giữ trẻ khi cãi cọ. Càng không nên vì quá yêu trẻ mà rung lắc khi trẻ khóc nhiều. Cha mẹ và người thân cần tránh những động tác xoay chuyển đầu trẻ một cách đột ngột như: rung lắc nôi đối với trẻ nhỏ; không bế thốc ngược; không xốc vác trẻ gấp gáp; không tung hứng trẻ khi nô đùa với con; không tát, đánh vào tai, vào đầu, vào mặt trẻ. Những lúc bạn quá vui, quá giận, mất bình tĩnh dễ gây những động tác xốc lắc mạnh tay. Vì thế, bạn cần lưu ý kiềm chế và không nên để người đang tức giận bế ẵm trẻ.
Giữ gìn bộ não cho con và phòng tránh cho con khỏi bị rung lắc |
Nếu muốn đánh thức bé dậy, cũng đừng lay người bé. Khi chơi với bé mẹ cũng tránh lắc người bé mạnh quá hay tung bé lên và đón bắt. Việc lay hoặc lắc bé sơ sinh quá mạnh với bất kỳ mục đích nào cũng đều không tốt và có thể gây nguy hiểm cho bé.
Giáo dục kỹ lưỡng người giúp việc hay người chăm sóc trẻ, đừng bao giờ giả định rằng họ hiểu hết và biết cách xử thế khi trẻ khóc không thể dỗ được. Hãy cho phép họ được thông báo với bạn khi trẻ khóc, cũng đừng bắt buộc họ phải luôn luôn làm mọi cách để đứa trẻ ngừng khóc. Hãy chia sẻ những điều này cả với những người khác trong gia đình hay thường xuyên chăm sóc trẻ.
Theo sohuutritue.net.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.