Những quốc gia châu Á rủi ro nhất trước làn sóng COVID-19 thứ hai

Ổ dịch virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) tại Bắc Kinh, Trung Quốc khiến nhiều nước châu Á khác lo lắng về viễn cảnh làn sóng dịch COVID-19 thứ hai.

Những quốc gia châu Á rủi ro nhất trước làn sóng COVID-19 thứ hai - Ảnh 1.

Người dân Mumbai (Ấn Độ) đeo khẩu trang trên xe buýt. Ảnh: EPA-EFE

Một số quốc gia châu Á đã nới lỏng hạn chế và nối lại các hoạt động kinh tế sau thời gian phong tỏa tránh lây lan dịch COVID-19 bao gồm Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc trong tháng trước đã ghi nhận nhiều ca lây nhiễm SARS-CoV-2 mới.

Các thành phố thủ đô đang là nơi có số ca nhiễm mới nhiều nhất, bắt nguồn từ tình trạng mật độ dân số cao. Làn sóng dịch COVID-19 thứ hai của Trung Quốc tập trung ở Bắc Kinh. Chính quyền Bắc Kinh đã hủy nhiều chuyến bay nội địa, ngưng du lịch ra bên ngoài và áp dụng phong tỏa một phần.

Các chuyên gia nhận định rằng chính quyền các nước châu Á đã chuẩn bị sẵn sàng để xử lý với dịch COVID-19 lần thứ hai do có kinh nghiệm từ trước đó, tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều thách thức, đặc biệt là việc xử lý ổ dịch tránh lây lan dẫn đến mất kiểm soát.

Chủ tịch Hiệp hội vi sinh vật và truyền nhiễm châu Á- Thái Bình Dương Paul Ananth Tambyah đánh giá những quốc gia gặp nhiều rủi ro nhất với làn sóng dịch COVID-19 thứ hai là nơi vẫn ghi nhận trường hợp lây nhiễm bệnh trong cộng đồng với con số hàng ngày từ vài trăm đến hàng nghìn người.

Trong đó có Ấn Độ khi riêng ngày 19/6 ghi nhận mức tăng 12.586 trường hợp. Quốc gia láng giềng Ấn Độ là Pakistan trong ngày 19/6 cũng ghi nhận có 136 ca nhiễm mới. Indonesia ngày 18/6 xác nhận 1.331 trường hợp mắc COVID-19 mới.

Đây là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy dịch COVID-19 vẫn “lảng vảng” tại nhiều quốc gia. Do vậy, các quốc gia cần chuẩn bị sẵn sàng xử lý tình trạng khẩn cấp của làn sóng dịch COVID-19 thứ hai.

Giáo sư Lee Hoan-jong tại Bệnh viện Nhi thuộc Đại học Quốc gia Seoul nhận định việc virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) lây lan nhanh và rộng hơn là điều không tránh khỏi sau khi nước này nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội một tháng trước đó.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin vào ngày 22/6, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) nói rằng nước này đang ở trong “làn sóng dịch COVID-19 thứ hai” quanh Seoul.

Những quốc gia châu Á rủi ro nhất trước làn sóng COVID-19 thứ hai - Ảnh 2.

Một phụ nữ đeo khẩu trang tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Tình trạng lo ngại tương tự cũng diễn ra ở Nhật Bản bởi các chuyên gia nước này cho biết có khả năng cao làn sóng COVID-19 thứ hai sẽ xảy ra.

Chủ tịch Hiệp Hội bệnh truyền nhiễm Nhật Bản (JAID) - Kazuhiro Tateda cho biết nhiều trường hợp mắc COVID-19 mới tại nước này đều bắt nguồn từ các khu vực giải trí ban đêm.

Ông Tateda nói: “Chúng ta biết rằng tình trạng lây nhiễm sẽ giảm trong những tháng mùa hè do vậy có khả năng làn sóng COVID-19 thứ hai sẽ diễn ra từ tháng 11”.

Giáo sư Yoko Tsukamoto tại Đại học Khoa học Y khoa ở Hokkaido nhận định rằng giới chức trách Nhật Bản có khả năng buộc phải áp đặt lại tình trạng khẩn cấp ở Tokyo nếu số ca nhiễm mới mỗi ngày là hơn 100 trường hợp.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn chưa chắc chắn về việc làn sóng COVID-19 thứ hai sẽ diễn ra như thế nào. Giáo sư Michael Baker tại Đại học Otago (Australia) cho biết cụm từ “làn sóng dịch thứ hai” có từ dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Thời kỳ đó dịch cúm Tây Ban Nha gây ra 3 làn sóng với làn sóng thứ hai được ghi nhận là nghiêm trọng nhất.

Ông Baker nhận định rằng mức nghiêm trọng của làn sóng dịch COVID-19 thứ hai phụ thuộc vào chiến thuật của mỗi quốc gia. Theo ông Baker, bài học châu Á có được từ xử lý dịch COVID-19 trong thời gian qua là tầm quan trọng của khẩu trang trong giảm thiểu lây nhiễm và hệ thống theo dõi sát sao người tiếp xúc với bệnh nhân.

Bên cạnh đó, ông Baker cũng cho biết yếu tố quan trọng không kém khác là “khoa học tiên tiến, chỉ đạo tốt, phản ứng nhanh” với dịch bệnh. Ông Baker nhấn mạnh rằng các biện pháp khống chế dịch SARS trước đây nay cũng hiểu quả trong xử lý COVID-19.

Giáo sư Wu Zhiwei tại Trường Y Đại học Nam Kinh đánh giá: “Khi cuộc sống trở lại thường nhật ở một số thành phố, tiếp xúc giữa người với người gia tăng, có nhiều khả năng xảy ra ổ dịch quy mô nhỏ. Nếu không được phát hiện nhanh chóng, chúng có thể trở thành ổ dịch lớn và lây nhiễm cả khu vực”.

Bên cạnh đó, ông Paul Ananth Tambyah nhận định: “Chúng ta đã biết nhiều hơn về virus SARS-CoV-2 do vậy tôi cho rằng làn sóng thứ hai có thể kiểm soát được”.

 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang