Những thí sinh đặc biệt của kì thi THPT quốc gia 2018 và những câu chuyện đặc biệt phía sau

(lamchame.vn) - Kì thi THPT quốc gia 2018 vừa đi qua với nhiều căng thẳng nhưng để lại nhiều câu chuyện đẹp.

Mỗi một kì thi đi qua, chúng ta lại có nhiều câu chuyện để nhắc nhớ. Đó là những khoảnh khắc đẹp, những hình ảnh ý nghĩa ở trường thi. Kì thi THPT quốc gia năm nay gây ấn tượng với những câu chuyện đầy xúc động của những sĩ tử ở khắp mọi miền đất nước.

Thí sinh cao 1m từ chối đặc cách tốt nghiệp THPT

Nữ sinh Phạm Thị Hoài Thương (23 tuổi, học sinh lớp 12A7, trường THPT Hòn Gai, Quảng Ninh) ngay từ lúc sinh ra đã mang dị tật khiến hình hài không được trọn vẹn vì nhiễm chất độc da cam từ ông nội.

Thương cao chưa đầy 1m, hai chân yếu không thể tự đi lại, mọi sinh hoạt đều phải nhờ đến mẹ. Nhà không có điều kiện, trụ cột kinh tế chính là bố, tuy nhiên năm Thương 11 tuổi, bố đã mất vì bạo bệnh.

Nhiễm chất độc da cam từ ông nội nên Thương cao chưa đầy 1m, hai chân yếu không thể tự đi được.

Thương tâm sự về dự định trong tương lai với ánh mắt long lanh: “Em muốn trở thành nữ kế toán, đi làm có lương sẽ mua một cái xe lăn điều khiển tự chạy để tự mình phục vụ nhu cầu cá nhân, mẹ đã vất vả về em nhiều rồi”.

Cũng theo Thương, em được đặc cách không phải thi các môn để xét tốt nghiệp nhưng vẫn muốn đi thi để thử sức. Trước tinh thần vượt qua số phận của cô học trò nghèo khuyết tật, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đã chỉ đạo Sở GD-ĐT Quảng Ninh đưa đón Thương đi thi bằng xe ô tô từ nhà (phường Cao Xanh, TP Hạ Long) đến điểm thi là trường THPT Hòn Gai.

Nam sinh Sài Gòn trong hình hài trẻ lên 7

Tại điểm thi trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10, TP.HCM) có một thí sinh 18 tuổi trong hình hài của đứa trẻ lên 7 tuổi tự tin đến trường thi với một ý chí rất mạnh mẽ đã gây chú ý.

Cậu học sinh 18 tuổi trong thân hình  đứa trẻ lên 7 gây chú ý ở điểm thi trường THPT Nguyễn Khuyến.

Đó là trường hợp của em Trần Ngọc Pháp (18 tuổi, học sinh trường THPT Diêm Hồng (Q.10). Pháp bị tật bẩm sinh và được Hội đồng thi đặc cách để bố đưa đón vào tận phòng và khi vào phòng thi không phải làm thủ tục xếp hàng, điểm danh...

Bác Trần Ngọc Anh, bố Pháp chia sẻ: “Pháp đôi lúc cũng mặc cảm với bạn bè, tuy nhiên được ba mẹ và chị gái động viên, tiếp sức nên em đã mạnh dạn hơn nhiều. Kỳ thi năm nay em hứa sẽ hoàn thành bài tốt để thi đậu vào một trường đại học để sau này có công việc ổn định giúp gia đình và có ích cho xã hội”.

Nữ sinh 1999 bế theo con nhỏ 3 tháng tuổi dự thi THPT Quốc gia

Tại điểm thi trường THCS Hoàng Hoa Thám (TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, thí sinh H’Đanila (SN 1999 ở làng Plei Kia, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) đã gây được rất nhiều sự chú ý khi địu trên vai con trai 3 tháng tuổi tên là Siu Philip để tham gia dự thi.

H’Đanila địu con 3 tháng tuổi dự thi tại điểm thi trường THCS Hoàng Hoa Thám (TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai).

H’Đnila phải bế con theo dự thi vì cháu còn nhỏ, lúc H’Đanila vào phòng thi, bé Siu Philip được bà bế chăm sóc nhưng lúc thiếu sữa mẹ, bé lại khóc.

Cô bạn cho biết mình đã gặp nhiều khó khăn khi vừa phải nuôi con nhỏ vừa phải ôn bài. Tuy nhiên được chồng ủng hộ nên em cũng có động lực để cố gắng.

Ước mơ của H’Đanila là trở thành giáo viên sau này để về xây dựng, truyền kiến thức cho các trẻ trong buôn làng.

Thí sinh đi bằng đầu gối đến trường thi THPT Quốc gia

Điểm thi Trường THCS Colette, Q.3 (TP.HCM) có sự xuất hiện của nữ sinh Phạm Thị Thu Thủy (sinh năm 1997) bị dị tật chân từ nhỏ. Việc đi lại của Thủy gặp không ít khó khăn.

Được biết, Thủy vốn là trẻ mồ côi, hiện đang theo học tại Trung tâm bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TP.HCM.

Nữ sinh đi bằng đầu gối đến dự thi.

Kể về hoàn cảnh của mình, Thủy nói 8 tuổi mới được học lớp 1. Từ đó đến năm lớp 3 thì được học ở trung tâm giáo dục dành cho người bình thường. Sau đó không có trường nào nhận nữa, đến năm 12 tuổi, Thủy chuyển sang một trung tâm bảo trợ và dạy nghề dành riêng cho người khuyết tật.

Thủy chia sẻ nguyện vọng của cô năm nay là đăng ký thi vào ngành Giáo dục đặc biệt, trường ĐHSP TP.HCM để sau này có thể trở thành cô giáo dạy cho trẻ khiếm thính và câm điếc.

Y sĩ 50 tuổi dự thi THPT quốc gia để xét tuyển đại học

Tại điểm thi trường Lê Viết Thuật (50 tuổi, TP Vinh, Nghệ An), bà Nguyễn Thị Thanh Vân là thí sinh nhiều tuổi nhất.

Tham dự kì thi THPT quốc gia năm nay khi đã 50 tuổi, nữ thí sinh khiến nhiều người lầm tưởng là giám thị.

Bà Vân hiện là y sĩ khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An. Bà đã có bằng trung cấp y và luôn khao khát có bằng đại học. Dù còn 5 năm nữa là nghỉ hưu, nhưng bà vẫn quyết tâm thi.

Xa đèn sách đã hàng chục năm, bà Vân gặp khá nhiều khó khăn khi ôn tập các môn khối B để xét tuyển đại học y - ngành có tỷ lệ cạnh tranh cao nhất. “Hàng ngày phải hoàn thành công việc ở bệnh viện, những lúc rảnh rỗi tôi mới tranh thủ học”, bà tâm sự.

Trong lúc bà Vân bước vào kỳ thi THPT quốc gia thì con trai đầu, giảng viên một trường đại học ở Hà Nội, đang hoàn tất chương trình nghiên cứu luận án tiến sĩ. Người con thứ hai đang là nghiên cứu sinh tại nước ngoài.

Theo Sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang