Xin được trích đăng lại ghi chép của chị, để “lỡ chẳng may có mẹ nào có con bị sốt xuất huyết cũng nhìn thấy tiến triển hằng ngày của bệnh để khỏi hoang mang” như chị.
4h sáng ngày 19/7
Nhiệt độ 39,1 độ C, uống paracetamol 500mg và chườm mát kéo dài được 5 tiếng đồng hồ.
⁃ Tiếp tục uống paracetamol 500mg
⁃ Chườm mát và uống Oresol
⁃ 19h ngày 19/7 phát hiện có một số nốt ban đỏ hiện trên cánh tay
⁃ Đưa vào viện các bệnh nhiệt đới xét nghiệm Công thức Máu và test Dengue.
10h sáng ngày 20/7 lấy kết quả xét nghiệm máu : Tiểu cầu 209.
⁃ Test Dengue: Dương tính. Mẹ cầm kết quả và đơn thuốc không có thuốc đặc trị kèm theo những lời dặn dò kỹ lưỡng của bác sĩ cũng là lúc mắt bắt đầu cay cay.
⁃ Nguyên ngày hôm đó con sốt liên tục, gần tối nhờ cô y tá xuống nhà truyền một chai Ringer lactate 500ml. Uống hạ sốt Paracetamol 500mg và chườm mát mà chưa nổi 4 giờ đồng hồ nhiệt độ lại lên trên 39.
6h30 sáng 21/7/2007: cô y tá đã có mặt tại nhà canh chừng cho con hai chai Ringer và lấy máu làm xét nghiệm. 12h30 có kết quả máu của con: tiểu cầu đã hạ xuống 91.
⁃ Mẹ bắt đầu khóc với người luôn yêu thương lo lắng cho mẹ, thút thít một hồi để xốc lại tinh thần và quyết định đưa con vào bệnh viện.
⁃ Lúc này 15h30, nhiệt độ của con 39,2 độ C . Mẹ thông báo với bác sĩ con không thể uống viên sủi hạ sốt và hiện tại bắt đầu của dấu hiệu nôn nhiều. Bác sĩ kiểm tra mạch và huyết áp rồi cho con uống 1 viên panacemol 500mg dạng viên nén. Chườm mát đến cả chục cái khăn, nào đầu, nào nách, nào bẹn. Các cô càng chườm thì cháu càng run cho tới khi không thể hạ đành dùng thêm 1 viên nhét hậu môn 300mg.
⁃ Thời gian chờ để môi con hồng lên và không run lập cập đối với mẹ là quãng thời gian nghẹt thở. Cái cảm giác lo sợ chập chờn đến mức ức chế cả hệ bài tiết khiến mẹ không thể đi được dù cái bụng căng sắp vỡ vì nước tiểu. Lay trời phật sau 1 giờ đồng hồ con cũng hạ xuống 38,4.
⁃ 16h30 có phòng điều trị và con được đưa lên tầng 5 khoa nhi 2.
⁃ Đêm đó bác sĩ đã phải dùng hạ sốt đường tiêm tĩnh mạch. Thuốc cũng chỉ cầm cự xấp xỉ 4 giờ, cứ nhìn hai cái vành tai của con đỏ ửng, cơ thể bắt đầu lạnh là lúc nhiệt độ tăng cao.
⁃ Thêm một đêm trắng của mẹ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Sáng 22/7
⁃ Bác sĩ khám chỉ định lấy máu xét nghiệm. Ven trên tay, chân con vỡ gần hết. Nhìn những mảng tím trên tay chân con, nhìn mắt con lờ đờ, môi con tái dại mà lòng mẹ như ngàn mũi kim châm. Con ăn gì nôn đấy, uống gì cũng nôn. Dỗ nhẹ nhàng mãi chẳng được, mẹ khóc con khóc đánh vật nhau được vài thìa nước mía nấu hạt sen và bí đỏ. Khóc chưa kịp khô nước nước mắt là con đã nôn ra bằng hết. Mẹ mệt mỏi lo lắng chờ kết quả xét nghiệm.
⁃ Tai mẹ ù đi khi nghe bác sĩ giải thích tiểu cầu chỉ còn 61.
⁃ Phác đồ điều trị vẫn chỉ có Vitamin C 500mg- 1 viên
⁃ Truyền Ringer (hạn chế vì sợ tràn dịch màng phổi, màng tim và ổ bụng).
⁃ Cơn sốt vẫn không chịu lùi bước khiến con một ngày chỉ lo nôn ra giường mà đành ôm cái chậu liên tục chờ chực sẵn con buồn nôn.
⁃ Ăn uống không được, Oserol con không uống đc. Nhiệt độ thì chẳng chuyển biến, phác đồ điều trị không có gì thay đổi. Có chăng có sự thay đổi ở đây là các cô điều dưỡng duyệt binh vào thăm con liên tục.
⁃ Một ngày một đêm con lả dần trên giường cũng là một ngày mẹ chạy ra nhà vệ sinh cắn răng khóc để con không nghe thấy tiếng khóc của mẹ.
Sáng 23/7
⁃ Tiểu cầu lao dốc xuống 23. Men gan tăng 604. Thôi xong, mẹ bật khóc không cần ý tứ, hoang mang cùng cực. Không ai cho mẹ một chút niềm tin ngoài một người đang chịu trận cầm điên thoại nghe mẹ khóc để dỗ dành mẹ bình tĩnh còn lo cho con, mẹ cáu nói bình tĩnh sao được khi con như thế, nếu bình tĩnh được thì mẹ đã phải là một bác sĩ chuyên khoa nhi giỏi chuyên môn và va chạm nhiều với bệnh sốt xuất huyết rồi. (hic...).
⁃ Mẹ là người luôn tôn trọng bác sĩ nhưng tới lúc này mẹ không còn đủ niềm tin nữa, mẹ hoang mang có nên chuyển viện? Hoang mang có nên truyền máu cho con hay chờ chỉ định của bác sĩ? Mẹ không thể để con mẹ gặp nan nguy mà mẹ ngồi đó như một cục đất.
⁃ Mẹ bắt đầu ý kiến! Mẹ bắt đầu đòi hỏi. Bác sĩ giải thích hoài không được đành cho xét nghiệm tiếp lần 2 trong ngày. Tiểu cầu lần này chỉ còn 22 trong khi con vẫn sốt chưa ngắt cơn.
⁃ Mẹ chuẩn bị tâm thế đối diện với truyền máu. Hic.. khóc không ra tiếng khiến cho cô y tá và chú bác sĩ cũng phải giơ tay lau nước mắt.
⁃ Mẹ đanh đá là vậy, ngang ngược là vậy nhưng chỉ chạm vào tình yêu thương là mẹ nhũn như chi chi, nhược điểm này quật ngã mẹ mỗi khi các con đau ốm.
⁃ Mẹ, con, chú bác sĩ và cô y tá như lao vào trận chiến của nước mắt, thuốc và máy móc. Ôi trời ơi bệnh gì quái ác vậy hả trời ơi. Phòng bên cạnh cha mẹ bệnh nhân nhi 7 tuổi khóc như xé lòng xé dạ khi con họ nói trước mắt con sao nhiều ruồi thế (hic.. biến chứng lên mắt nhìn toàn thấy ruồi), vô tuyến đưa tin 17 người chết do sốt xuất huyết. Lúc này máu con đặc đến mức lấy ít máu xét nghiệm còn khó vậy mà mẹ còn cảm thấy máu mẹ đông đặc hơn. Lạy trời phật gia hộ cuối cùng trời cũng sáng và con ngủ thiếp đi nhờ 10ml thuốc dị ứng trong đó có thành phần thuốc an thần.
⁃ Mẹ mệt lắm, mắt không gượng được nhưng không dám nằm, chỉ ngồi để tránh ngủ say không trông được con. Nhìn con ngủ, nhìn sắc mặt của con, từng cái cựa người rên khe khẽ của con cũng làm mẹ giật mình thon thót.
13h ngày 24/7
⁃ Con chưa sốt lại, vẫn ngủ li bì , trộm vía nguyên ngày không phải dùng hạ sốt. Hy vọng men gan hạ.
Sáng 25/7 tiểu cầu lên 25 men gan 291, con không sốt nhưng vẫn nôn và không ăn được gì.
Ngày 26/7 con bắt đầu biết đòi ăn. Tiểu cầu 33. Tạm ổn rồi.
Thôi thì con tạm ổn mẹ cũng cố chép lại một cách lủng củng để lỡ chẳng may có mẹ nào có con bị sốt xuất huyết cũng nhìn thấy tiến triển hằng ngày của bệnh để khỏi hoang mang và khóc giống mẹ con nhé. Cố gắng lớn rồi không khóc nữa đâu...
Bên cạnh đó, người mẹ cũng chia sẻ trên FB một loại nước uống được cho là có hiệu quả bù nước. Tuy nhiên, đây chỉ là kinh nghiệm của một bà mẹ chia sẻ, chị em có thể tham khảo nếu thấy cần thiết nhé!
- Mía - 1 cây chặt khúc khoảng 15cm chẻ làm tư
- Hạt sen tươi ( không có tươi thì đành dùng khô ) 300g
- Bí đỏ 300g
- 3l nước
Đun sôi nhỏ lửa thật kỹ rồi cho vài hạt muối. Đun tới khi còn khoảng 2l nước thì bỏ ra lọc lấy nước cho bệnh nhân uống từng ngụm nhỏ. Một ngày cố gắng 2l để bù nước.
Các mẹ nhớ phải kiên trì nôn xong lại ăn, lại uống nhé. Một thìa nước cháo, một thìa nước mía lúc này chui vài bụng con cũng quý ngang bằng bào ngư vây cá. Nôn xong lại bù- bù xong lại nôn.
Và NHỚ: Tuyệt đối không cho ăn đồ nóng. Đồ ăn để nguội hãy cho con ăn vì tránh xuất huyết bên trong nhé.
Nguồn: FB Tri Duc Pham
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.