Con vào lớp 1 – cần chuẩn bị tâm lý cho con nhưng quan trọng hơn là tâm lý của... bố mẹ

Lo lắng không biết con có thể thích nghi với môi trường học tập mới. Hoang mang trước sự thay đổi tâm lý của con. Cáu giận khi con đạt thành tích không tốt… Những cảm xúc trên của bố mẹ sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến các bé khi vào lớp 1.

Trẻ bước từ mầm non vào lớp 1 là bước chuyển rất lớn cả về mặt nhận thức lẫn tâm lý. Ở một môi trường hoàn toàn khác biết trẻ sẽ phải học, tư duy, quan sát, ghi nhớ và cả ghi chép nhiều hơn. Trẻ cũng không còn được thỏa sức vui chơi, chạy nhảy mà phải gò mình vào khuôn khổ và nhận được ít sự quan tâm, chăm sóc của giáo viên. Những điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy bỡ ngỡ, khó chịu cũng như lo âu và hoảng sợ.

Lo lắng, sợ hãi là điều mà tất cả các trẻ lớp 1 sẽ gặp phải

Vì thế, các bậc cha mẹ luôn tìm mọi cách để chuẩn bị tâm lý cho con như: cho trẻ đi học hè, dạy chữ trước, hướng dẫn bé giải quyết những tình huống phát sinh… Nhưng có một vấn đề cũng rất quan trọng mà bố mẹ thường bỏ qua đó là: chuẩn bị tâm lý cho chính mình. Sự lo lắng thái quá, không nắm được sự thay đổi tâm sinh lý của bé, đặt nặng vấn đề thành tích… sẽ khiến chính các bậc phụ huynh bị áp lực, stress gây ảnh hưởng tiêu cực đến không khí gia đình và tâm lý của trẻ. Vậy nên, ngay chính bản thân bố mẹ cũng nên chuẩn bị tâm lý cho mình.

Bố mẹ cũng phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng khi trẻ vào lớp 1

1. Không tạo áp lực về thành tích cho con

Thành tích là một trong những căn bệnh chung rất nặng của hệ thống giáo dục tại Việt Nam. Vậy nên tâm lý chung của nhiều phu huynh là luôn kỳ vọng rằng con sẽ được danh hiệu học sinh giỏi, được tuyên dương khen thưởng... Từ đó, luôn áp đặt bé phải học và hoàn thành bài tập ở tất cả các môn, thậm chí học thêm ở ngoài, học năng khiếu, học nghệ thuật dù bé không hề thấy thích thú.

Chính điều này sẽ gây tâm lý chán nản và phản kháng của bé đối với việc học. Vì thế, bản thân bố mẹ hãy xác định rằng sự tiến bộ của bé quan trọng hơn điểm số hay những tờ giấy khen. Hãy hướng cho trẻ tập trung với những môn mà bé yêu thích trước, cùng bé học tập và vui chơi. Quan trọng nhất là không được tỏ thái độ mất kiên nhẫn, thất vọng khi trẻ bị cô giáo phê bình, chưa theo kịp bạn bè…

Hãy tạo cho trẻ hứng thú trong việc học bằng cách bắt đầu với môn học mà bé thích nhất

2. Chuẩn bị để đối phó với những hành vi sai lệch của trẻ

Sự thay đổi về môi trường sẽ khiến các bé có các hành vi như: kém tập trung, nhút nhát, lười học, mải chơi, hay nổi cáu, không nghe lời… Đây chính là biểu hiện sự phản kháng của bé trước những áp lực mà mình phải chịu đựng. Tất cả hành vi trên thực chất đều có ở người lớn. Nó không thể hiện nhân cách của trẻ, không là thước đo trẻ ngoan hay trẻ hư.

Điều cần làm của ba mẹ là hãy chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận sự thay đổi trong hành vi và tính cách của bé. Đừng trách mắng, lớn tiếng mà hãy kiên nhẫn uốn nắn bé từ từ một cách nhẹ nhàng. Hướng dẫn bé tự tạo thời gian biểu học tập, vui chơi thư giãn và thực hiện nó một cách nghiêm túc để bé dần dần thích nghi với môi trường lớp 1. Khi bé đã thích nghi tốt thì những hành vi trên sẽ tự động thay đổi.

3. Tránh lo lắng, bao bọc trẻ thái quá

Rất nhiều các bậc làm cha, làm mẹ hiện nay thường bao bọc và lo lắng cho trẻ từ A – Z. Từ những việc đơn giản như vệ sinh cá nhân hàng ngày, ăn uống, chuẩn bị quần áo, cặp sách đến việc đứng ra giúp con giải quyết các vấn đề phát sinh với bạn bè, thầy cô ở lớp. Chính điều này khiến trẻ có tâm lý ỷ lại, phụ thuộc, thậm chí cảm thấy kém cỏi, khó hòa nhập. Đặc biệt là trẻ sẽ có những cảm xúc tiêu cực như khó chịu, nổi nóng, bức xúc khi không nhận được nhiều sự quan tâm ở trường.

Vì thế, bố mẹ hãy tập cho bé tự lập dần dần, hướng dẫn bé tự vệ sinh cá nhân, chuẩn bị cặp sách, đồng phục… Cách lắng nghe, mạnh dạn phát biểu ý kiến với thầy cô và đặc biệt là tự mình xử lý các xung đột với bạn bè trong lớp… Bố mẹ hãy chỉ tâm sự, trò chuyện và hướng dẫn bé chứ không nên chuyện gì ở trường, ở lớp cũng can thiệp và giải quyết hộ bé.

Hãy để bé tự giải quyết những mâu thuẫn nhỏ với bạn bè ở trường

4. Đừng đẩy hết trách nhiệm cho thầy cô

Hiện nay, rất nhiều bậc làm cha làm mẹ còn có tâm lý ỷ lại, cho rằng việc dạy dỗ con trẻ là trách nhiệm của riêng thầy cô giáo, nhà trường. Trẻ hư, học kém là do giáo viên không tốt, phương pháp dạy không đúng… Nhưng việc học tập và tiến bộ của trẻ còn là kết quả của sự hướng dẫn, dạy dỗ của cha mẹ ở nhà. Vì thế, bố mẹ phải có sự trao đổi, liên kết chặt chẽ với nhà trường,thầy cô để giúp bé thích nghi với môi trường, đạt được kết quả tốt nhất trong việc giáo dục tri thức và lối sống cho trẻ.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang