Nỗ lực tìm nguồn cung ứng thuốc điều trị cúm

Trong khi dịch sốt xuất huyết, Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp thì hiện nay tình hình bệnh cúm mùa tại Hà Nội đang có xu hướng gia tăng.

Hiện ngành y tế và nhiều bệnh viện (BV) đang nỗ lực tìm giải pháp cũng như nguồn cung ứng thuốc trước tình trạng thiếu thuốc điều trị cúm Tamiflu.

Huy động, tìm nguồn cung ứng

Trái với quy luật, Hà Nội đang đối diện với nguy cơ bùng phát dịch cúm A - căn bệnh thường xuất hiện vào mùa Đông Xuân. Tại các BV lớn, bệnh nhân từ trẻ em hơn 1 tháng tuổi đến người già 70 - 80 tuổi nhập viện trong tình trạng sốt cao, viêm phổi, cá biệt có bệnh nhi phải thở máy, chạy ECMO (hệ thông tim phổi nhân tạo).

Nỗ lực tìm nguồn cung ứng thuốc điều trị cúm - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn thăm khám cho bệnh nhân mắc cúm A. Ảnh: Huy Hoàng

Đơn cử tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, đơn vị đầu ngành về bệnh truyền nhiễm ghi nhận số người đến khám do mắc cúm tăng. Hai tuần gần đây, gần 100 bệnh nhân tới đơn vị này thăm khám do xuất hiện triệu chứng cúm A. Hiện, BV điều trị 252 trường hợp, chủ yếu là nhóm trẻ dưới 5 tuổi (chiếm 44,1%), tiếp theo là nhóm tuổi 18 - 49 (chiếm 40%). Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, điều trị ngoại trú. 71 trường hợp có chỉ định nhập viện là trẻ em, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, điều trị khỏi sau 3 - 4 ngày.

Đề cập đến tình trạng thiếu thuốc Tamiflu điều trị cúm tại các BV, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cho hay, hiện nay, tại BV vẫn còn thuốc Tamiflu nhưng số lượng không nhiều. Các đơn vị cung ứng và Khoa Dược của BV đang cố gắng huy động, tìm nguồn để đảm bảo cung ứng tốt nhất cho công tác điều trị.

“Đối với bệnh cúm, không chỉ có Tamiflu mà còn nhiều loại thuốc khác có thể hỗ trợ, điều trị bệnh. Vì vậy, chúng ta không nhất thiết phải dùng thuốc Tamiflu để điều trị cúm” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nhấn mạnh.

Tương tự, trước tình trạng gia tăng bệnh nhi mắc cúm, PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc BV Nhi T.Ư thừa nhận, hiện BV đang trong tình trạng thiếu thuốc Tamiflu điều trị cúm và BV cũng đang cố gắng huy động tìm các nguồn thuốc cung ứng.

Những ngày qua, BV Nhi T.Ư đã điều trị cho hàng trăm ca mắc cúm, tăng nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Các giường bệnh luôn trong tình trạng kín bệnh nhân, có thời điểm phải kê cả giường bệnh ra hành lang để điều trị cho trẻ.

Mỗi ngày, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em của BV tiếp nhận 15 - 25 bệnh nhi nhập viện với các triệu chứng nặng như sốt cao trên 39 độ C không hạ, suy hô hấp, viêm phổi, cúm, sốt cao co giật, suy chức năng cơ quan, tổn thương thần kinh...

Thậm chí có ngày, Trung tâm đã điều trị cho 45 trẻ mắc cúm A. Đáng lưu ý, nhiều trẻ bị viêm phổi, suy hô hấp, 45% trẻ mắc cúm A vào viện có hiện tượng co giật, 6% biểu hiện viêm não. Ngoài ra còn số lượng lớn gấp nhiều lần trẻ mắc cúm A nhưng mức độ nhẹ đến khám nhưng được bác sĩ kê đơn thuốc cho điều trị tại nhà.

Theo thống kê tại BV Thanh Nhàn, từ đầu mùa Hè đến nay có khoảng 100 bệnh nhân mắc cúm A phải nhập viện. Ngày cao điểm có 30 - 40 bệnh nhân đến khám, đáng lưu ý, có nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, bị viêm phổi, suy hô hấp, tổn thương phổi phải điều trị dài ngày.

Liên quan đến thuốc điều trị cúm Tamiflu, Phó Giám đốc BV Thanh Nhàn Nguyễn Thị Lan Hương cho hay, vì số lượng ít và giá kế hoạch thấp nên BV không trúng thầu. BV tiếp tục đấu thầu đợt tới. Trong lúc chờ kết quả thầu, nhà thuốc BV đã dự trù cơ số thuốc điều trị bệnh cúm phục vụ đến khi có kết quả đấu thầu.

Không nhất thiết dùng thuốc Tamiflu điều trị cúm

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm đến giữa tháng 7, TP ghi nhận 2.605 trường hợp mắc cúm. Số ca mắc cúm có xu hướng gia tăng trong 2 tháng gần đây. Đặc biệt, giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4, số ca mắc dưới 400 trường hợp/tháng. Tuy nhiên, từ tháng 5 số mắc tăng cao, đặc biệt trong tháng 6 ghi nhận 887 trường hợp mắc, tăng 60% so với tháng 5 (556 ca).

Bác sĩ Phạm Thị Kiều Loan - Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Hà Nội cho rằng, để chủ động phòng bệnh cúm mùa, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp như đảm bảo vệ sinh cá nhân, ăn uống đủ chất, tiêm vaccine cúm mùa và hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm.

“Đặc biệt, người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời” - bác sĩ Loan khuyến cáo.

Theo các chuyên gia y tế, các triệu chứng cúm A nhẹ có thể tự khỏi khi được nghỉ ngơi nhiều và uống đủ nước. Đối với nhiễm cúm nặng hơn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus để chống lại nhiễm trùng. Các thuốc kháng virus phổ biến bao gồm: Zanamivir (Relenza), oseltamivir (Tamiflu)…

Những loại thuốc này, được gọi là chất ức chế neuraminidase, làm giảm khả năng lây lan của virus cúm từ tế bào này sang tế bào khác, làm chậm quá trình lây nhiễm. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, điều trị cúm A là điều trị triệu chứng, trong đó các thuốc kháng virus chỉ nên dùng khi có chỉ định của bác sĩ, chứ không dùng đại trà những thuốc này…

Liên quan đến vấn đề này, Sở Y tế Hà Nội nhận định, tình hình bệnh cúm hiện nay đang có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, nhất là trong nửa đầu tháng 7. Hầu hết các trường hợp mắc có biểu hiện nhẹ, điều trị ngoại trú, các trường hợp nhập viện là trẻ em có test nhanh cúm A/B dương tính kèm theo bệnh lý nền như viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản, nhiễm trùng bội nhiễm kèm theo.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội, đã có văn bản chỉ đạo các Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã, trạm y tế địa phương tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp sốt, nghi nhiễm cúm trên địa bàn. Đồng thời giám sát chặt chẽ các trường hợp viêm phổi nặng do virus tại cộng đồng và cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, kịp thời cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong.

Đề cập đến công tác điều trị cúm, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, bệnh cúm A là bệnh cúm mùa lưu hành hàng năm, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp. Các triệu chứng chủ yếu của bệnh là sốt, ho, đau họng, sổ mũi, hắt hơi… Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều diễn biến nhẹ và tự khỏi, chỉ cần dùng các thuốc điều trị triệu chứng thông thường (giảm ho, hạ sốt…).

Những trường hợp có nguy cơ có biến chứng tăng nặng như người trên 65 tuổi, người béo phì, phụ nữ có thai, người có bệnh nền như bệnh phổi mạn tính (COPD), bệnh gan, bệnh thận mạn tính, người mắc ung thư, suy giảm miễn dịch, trẻ em dưới 2 tuổi… Đối với người có cơ địa đặc biệt như trên sẽ cân nhắc việc nhập viện để có thể có chỉ định dùng thuốc kháng virus Tamiflu (thuốc này chỉ chỉ định điều trị nội trú).

“Các cơ sở lưu ý không dùng chỉ định đại trà Tamiflu cho những trường hợp nhiễm cúm A vì không những không mang lại lợi ích mà còn có nguy cơ gây cho virus kháng thuốc… Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị đảm bảo không để thiếu thuốc trong khám và điều trị cho người bệnh” - TS Vũ Cao Cương nhấn mạnh.

Theo khuyến cáo của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, trong điều trị cúm, Tamiflu (chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75mg) là thuốc không được sử dụng tùy tiện, không nên tự ý mua thuốc về chữa cúm. Thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc. Nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn, có thể dẫn đến nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe.

Link gốc: https://kinhtedothi.vn/no-luc-tim-nguon-cung-ung-thuoc-dieu-tri-cum.html

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang