Sau nhiều ngày ra khơi, tàu BTH 97478 TS của ông Bùi Văn Toàn mất liên lạc vào ngày 10/7, nhận thấy tàu chìm dần, ông Toàn cùng 14 thuyền viên còn lại chia nhau xuống 2 thúng chai, một thúng 7 người, một thúng 8 người, rồi thả trôi giữa biển khơi.
Sau 9 ngày lênh đênh trên biển, thúng 7 người được một tàu Bình Định tiếp cận và cứu, lúc này trên thúng chỉ 4 người còn sống. Riêng thúng 8 người vẫn bị trôi dạt sau hơn 12 ngày mới được một chiếc tàu vận tải nước ngoài phát hiện và đưa lên tàu cấp cứu. Lúc này trên thúng cũng chỉ còn 5 người sống, tử nạn 3 người. Các thuyền viên may mắn thoát chết đã được Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa bàn giao (2 lần) cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận để đưa về thành phố Phan Thiết đoàn tụ với gia đình.
"Ông trời thương ba, thương các con, còn ba thì còn học hành, ba lo"
Không khí buồn vui lẫn lộn bao trùm căn nhà của anh Nguyễn Thành La (1982, ngụ KP4, phường Phú Tài, Phan Thiết), nhà anh La có tổng cộng 4 người tham gia vào chuyến đánh bắt lần này nhưng chỉ có anh La và em út tên Nguyễn Thành Luyến (1986, cùng ngụ KP4) trở về.
Chúng tôi không khỏi xúc động khi chứng kiến cảnh tượng anh La ôm con gái bật khóc: "Ba tưởng ba mất con và mẹ rồi, ông trời thương ba, thương các con, thương con, còn ba thì còn học hành, ba lo cho con".
Theo quan sát của chúng tôi, anh La là người ổn định trong số 9 người (8 thuyền viên, 1 thuyền trưởng) còn sống sót trở về sau cơn đại nạn lần này. Vợ anh La xúc động không nói nên lời, nhiều ngày liền ngóng tin chồng đến nay, người phụ nữ này vẫn chưa qua khỏi cơn thất thần.
Bà con đến động viên, thăm hỏi gia đình anh Nguyễn Thành La
Cái nắng biển gay gắt dội xuống mặt đất phừng phừng, nhưng cũng không ngăn được sự nôn nao của người dân làng Phú Tài đến động viên, hỏi thăm anh La và chia buồn cùng gia đình có 2 người tử nạn cùng một lúc.
- "Trời ơi, thằng La như được đẻ ra lần thứ 2 vậy, tội nghiệp vợ nó mấy ngày nay ngày nào cũng ngóng, ăn uống có được đâu", một người bà con của anh La nói.
- "Tội nghiệp thằng Lương, nó chưa có vợ con gì hết", một người thở dài khi nhìn lên bàn thờ nghi ngút khói của anh Lương (anh 2 của anh La và anh Luyến).
Mặc dù trở về trước anh trai, nhưng anh Nguyễn Thành Luyến (em trai út của anh La) vẫn chưa ổn định về mặt tâm lý. Theo người nhà từ thời điểm trở về, anh Luyến ít nói và trầm tính hơn, không được hoạt bát như anh La.
Điều này cũng dễ hiểu vì anh Luyến là người chính tay thả xác 2 người thân (một người chú và một người anh trai) trên thúng chai xuống biển.
"20 trái táo, chai nhựa, rong rêu trên biển đã cứu sống chúng tôi"
Tạm rời nhà ông Nguyễn Thành La, chúng tôi tìm đến nhà của ông Bùi Văn Toàn (cùng ngụ phường Phú Tài, TP.Phan Thiết), ông Toàn là thuyền trưởng chiếc tàu BTH 97478 TS, chiếc tàu bị chìm khiến 15 ngư dân gặp nạn.
Ông Toàn đâu đó được gọi là "sói biển" với hơn 20 năm theo nghề đánh bắt xa bờ, kinh qua nhiều năm đối mặt với cơn giận giữ của biển cả, số lần "chết hụt" cũng không thể đếm nổi qua đầu ngón tay. Trong lần trở về gây "kinh thiêng động địa" này, ông Toàn không khóc, không cười, im lặng. Những vết lở loét và bong tróc trên tay chân ông Toàn dù sao cũng đã "nói thay" lời về những ngày lênh đênh trên biển.
"Tàu Ấn Độ họ cấp cứu, đo huyết áp, truyền nước bài bản, chuyên nghiệp lắm. Bác sĩ của họ chỉ cái đồng hồ tôi đang đeo trên tay cùng với chiếc nhẫn, họ khen nó đẹp. Tiếc là khi ấy sức tôi không tháo ra nổi, chứ không tôi cũng đã tặng họ làm quà, tiếc gì, mình còn người thì còn của", ông Toàn kể.
Được đoàn tụ với người thân nhưng ông Toàn vẫn còn kiệt sức, lời ông nói có phần đứt quãng chúng tôi phải nhờ người nhà truyền đạt lại.
"Vớt rong mà ăn, hên sao vớt được 20 trái táo, có mấy cái chai nhựa trôi ngoài biển mình lụm lên có nước suối ở trong, chia mỗi người một nắp", ông Toàn kể.
"Đó là lộc trời cho ông đó, chứ tự dưng khi không ở đâu mà có táo giữa biển", một người thân của ông Toàn nói chen vào.
Mặc dù mắt không thấy nhưng khi chính tai nghe được lời ông Toàn kể, chúng tôi có phần sởn gai óc vì sự may mắn của ông và các thuyền viên. Nhặt được "rác" vào thời điểm này giống như "nhặt được vàng".
"Có bao nhiêu tôi cũng gom góp, mượn nợ để đóng chiếc tàu cả tỷ đồng, giờ nó chìm rồi"
Cơ thể ông Toàn loang lổ những vết lở loét, nhiều nhất tập trung ở tay chân và vùng bụng, bàn chân có ngón bị loét rướm máu, có ngón mưng mủ. Những vết thương này vốn chẳng là gì đối với người có thâm niên hơn 20 năm đánh bắt xa bờ lại còn là một chủ tàu như ông Toàn.
Ông Toàn là người gốc Cà Mau, rời quê lên TP.Phan Thiết lập nghiệp. Người dân Phú Tài hầu như đều biết tên ông hay gọi với cái tên là "Toàn chủ ghe". Khi hay tin ông Toàn về, bà con hàng xóm cũng có mặt thăm hỏi và động viên.
Thất thần ngồi bên cạnh dượng, cháu ông Toàn phân trần khi chúng tôi hỏi về ý định "có mong muốn tiếp tục làm nghề hay không?": "Dượng là trụ cột, kinh tế chính của gia đình, nuôi dì và anh chị từ xưa đến nay bám biển hơn 20 năm, đâu thể nói bỏ nghề là bỏ được, cái này phải nói thật".
"Để khỏe khỏe anh em chúng tôi lại gặp nhau rồi đi chứ", ông Toàn nói trong luồng câu chuyện.
Gia đình ông Toàn là gia đình khá giả nhất trong số 15 thuyền viên. Sắp tới đây ông chủ tàu còn phải đối diện với việc bồi thường cho gia đình các ngư dân kém may mắn.
"Bao nhiêu tài sản, mượn nợ gom góp đổ vào chiếc tàu đó cả, nó chìm mình cũng bỏ luôn chứ còn nghĩ được gì đâu", ông Toàn nói về "cơ ngơi".
"Còn người còn của, mình làm lại mấy hồi, quan trọng vẫn là tính mạng của mình", con gái ông Toàn nói chêm vào. Giọng nói đứt hơi của ông Toàn cũng như một tín hiệu cho chúng tôi tạm thời dừng câu chuyện tại đây.
Theo một nhân viên y tế nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của các thuyên viên trở về cho hay: "Huyết áp của họ vẫn còn cao, chưa cho truyền nước ngay được nên tạm thời mai tôi sẽ quay lại xem tình hình, tạm thời mình vẫn chích thuốc và dặn dò gia đình chăm sóc sức khoẻ, lau vết thương cho họ".
Ở một góc khác, không khí tang thương bao trùm lên gia đình của các thuyền viên xấu số, bỏ xác giữa biển khơi. Những ánh mặt vô định, thất thần của vợ, con những thuyền viên ấy khiến người chứng kiến không khỏi xót xa.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về câu chuyện...
Danh tính 5 ngư dân được cứu sống trên thúng 8 người:
1. Bùi Văn Toàn (SN 1972, trú khu phố 3, Phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
2. Nguyễn Văn Mỹ (SN 1964, trú thôn Tiến Thạnh, xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết).
3. Bùi Văn Vinh (SN 1980, huyện Cái Nước, Cà Mau).
4. Lê Văn Dũng (SN 1986, trú khu phố 8, phường Đức Nghĩa, TP Phan Thiết).
5. Nguyễn Thành La (SN 1982, trú khu phố 4, phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
Danh tính 4 ngư dân được cứu trên thúng 7 người:
1. Nguyễn Thành Luyến (SN 1986, trú khu phố 4, phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
2. Hà Văn Tấn (SN 1977, trú khu phố 3, phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
3. Trần Theo (SN 1967, trú khu phố 6, phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
4. Trần Thuận Thanh (SN 1968, trú khu phố 8, phường Đức Nghĩa, TP Phan Thiết).
Danh tính 6 người tử nạn trên cả 2 thúng:
1. Nguyễn Thành Lương (SN 1976, trú khu phố 4, phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
2. Nguyễn Thành Lãng (SN 1976, trú khu phố 4, phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
3. Nguyễn Văn Hạ (SN 1968, trú khu phố 6, phường Phú Tài, TP Phan Thiết)
4. Lê Văn Mót (SN 1986, trú khu phố 6, phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
5. Lê Văn Thanh (SN 1984, trú khu phố 3, phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
6. Phan Văn Tám (SN 1970, trú khu phố 3, phường Phú Tài, TP Phan Thiết).
Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/thuyen-vien-song-sot-ky-dieu-sau-12-ngay-len-denh-tren-bien-tro-ve-trong-vong-tay-gia-dinh-20-trai-tao-vot-duoc-da-cuu-song-chung-toi-222022247205044960.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.