“Nhà nó đi hướng kia kìa, thương quá con ơi! Mới năm trước lợn mất giá, năm nay tổ chức cưới, chuẩn bị cả trăm mâm cỗ thì lũ về, mất tất. Khổ thân thằng bé quá, vì nước lớn nên chưa qua hỏi thăm nó được”, lau nước mắt, người phụ nữ bất lực nhìn về phía dòng nước cuồn cuộn, nơi tấm ảnh cưới của đôi vợ chồng trẻ trôi về nơi nào tìm chưa thấy.
Chú rể ngày lũ
Mưa lũ khiến nhiều xã thuộc huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) bị chia cắt, rơi vào tình thế cô lập. Ảnh: Hà Phương.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ tối 20 đến 21.7, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã có mưa to gây ngập úng. Tại thị trấn Thanh Sơn và xã Sơn Hùng (Thanh Sơn – Phú Thọ) đã có 3.700 hộ dân bị ngập do nước lũ, trong đó có trên 2.500 hộ phải di dời; 550 ha lúa và 100 ha ngô bị thiệt hại.
3h sáng ngày 21.7, lũ đổ về thị trấn Thanh Sơn (Phú Thọ). Khác những lần trước, lũ lần này bất ngờ và khốc liệt. Người già, trẻ nhỏ và ngay cả những thanh niên trai tráng cũng bất lực “bỏ của chạy lấy người”.
3.700 hộ dân ngập sâu trong nước, nhưng khi hỏi về tổn thất thì ai cũng chỉ nói về gia đình ông Nguyễn Đăng Thành (63 tuổi, khu Tân Tiến, thị trấn Thanh Sơn, Phú Thọ) - bà Phan Thanh Minh (54 tuổi, vợ ông Thành), người tổ chức đám cưới cho con trai đúng ngày lũ qua.
“Chiều hôm trước có mưa nhưng không lớn, có lúc trời còn hửng nắng. Tôi với mấy bà bán nước còn bảo nhau gia đình Minh - Thành cưới may quá, thời tiết mát mẻ.
Vậy mà chỉ một đêm, cả trăm mâm cỗ chưa kịp ăn, trại lợn nghìn con trôi sạch. Anh em họ hàng đến ăn cưới, vào không được, ra không xong”, bà Hằng bán tạp hóa ở đầu phố Tân Tiến nói.
Ven theo con đường ngập đầy bùn đất, nước hai bên bờ vẫn ngồn ngộn bủa vây, chúng tôi tìm đến nhà chú rể Nguyễn Đăng Đạo (29 tuổi). Đi được một đoạn lại có người gọi với theo: “Quay lại đi, ngập sâu lắm”. Đầu ngõ, mấy bó hoa tươi nhuốm bùn, nằm lăn lóc.
Anh Đạo đang dọn dẹp đống hoang tàn. Ảnh: Hà Phương
Chú rể ngày hôm nay không tươm tất áo quần, không xe hoa đón dâu, khuôn mặt hốc hác, xanh xao sau hai ngày mệt mỏi. Đi một vòng quanh nhà, Đạo chỉ vào từng khu vực tổ chức cưới trước khi bị lũ san bằng.
“Đây là chỗ nấu ăn, đây là nơi đặt bàn để tiếp khách, lũ lên nhanh cả gia đình chạy quanh không biết cứu gì trước. Cả trăm mâm cỗ đem “biếu thần sông”, khung rạp thuê của người ta cũng trôi theo dòng nước", anh Đạo vừa nói vừa chỉ tay. Ảnh: Phan Anh.
Những đống thức ăn ngập trong bùn đất. Ảnh: Phan Anh
"Ngàn con lợn, có con vừa bơi vừa đẻ, có con bơi vào đến hiên, cố gắng trèo lên thềm nhà, kêu thất thanh mà tôi muốn rơi nước mắt. Bất lực, tôi chỉ biết đứng nhìn dòng nước lũ cuốn đi mọi thứ”, Đạo kể.
Nhiều con lợn bơi vào nhà, trèo lên cầu thang tránh lũ. Ảnh: Phan Anh
Cơn lũ kéo đến bất ngờ khiến đàn lợn hơn 1.000 con của gia đình bị chết đuối quá nửa, trong đó có cả những con lợn nái đang chửa, thiệt hại 4 – 5 tỉ đồng. Ảnh: Hà Phương
Vợ ơi, chờ anh nhé!
Đạo bồi hồi kể: “Nhà tôi cách nhà vợ 50km, theo lịch, 4h cả họ đi đón dâu. Chẳng may 3h lũ về cuốn hết, cô lập cả khu.
Gọi điện cho vợ, thương lợn một tôi nghĩ thương vợ mười vì đời con gái chỉ có một lần: “Vợ ơi, anh không đón được vợ rồi”. Mới nghe vậy mà vợ tôi như sắp khóc, giọng run run không nói nên lời: “Sao anh lại không đón em”?
Sau lũ, tôi không cứu được gì, cả cái ảnh cưới của hai vợ chồng cũng bị mất, giải thích với vợ xong đến giờ tôi cũng chỉ nói chuyện được với cô ấy dăm ba câu qua điện thoại".
Tấm ảnh cưới được chú rể "trèo đèo lội suối" vớt về. Ảnh: Phan Anh
Hôm nay, lội khắp nơi tìm được ảnh về, tôi muốn cho vợ biết rằng: “Anh sẽ yêu thương vợ nhiều hơn, sẽ bù đắp những tổn thương mà em phải chịu đựng. Chờ anh nhé!”.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.