“Sau mỗi dịp lễ Tết, ốm đau, phụ nữ sẽ biết ai là người yêu mình nhất”, đó là tiêu đề trong bài viết của một cô vợ đăng tải trên MXH gần đây.
“Mỗi khi trải qua một lần ốm, tôi nhận ra điều đau đớn nhất không phải thể xác mà là trái tim”
Cô vợ tên D. kể: “Nghỉ lễ được 3 ngày thì mình ốm, bảo chồng không về quê nữa hoặc về ngoại cho gần (nhà ngoại cách đó 20km còn nhà nội 200km) nhưng chồng nhất định muốn về nội. Sức khỏe đang yếu sẵn, đi xa say xe người mình càng mệt. Mỗi lần về quê là họ hàng sẽ tập trung ăn uống mà những lúc như thế chỉ khổ phụ nữ. Thôi thì 1 năm có vài dịp lễ mình không than nhưng cả mình, mẹ chồng và các thím như cùng chung 1 số phận, cứ chăm chăm góc bếp, tất bật nấu nướng, dọn dẹp, con cái.
Còn đàn ông uống rượu xong họ lại nôn, lại bài bạc, lại ngủ, gần như chẳng đỡ đần được vợ cái gì. Có lúc nhìn mặt bà buồn vì bị ông càu nhàu cái nọ cái kia mình hỏi: ‘Mẹ định cứ mãi thế này ạ, mẹ phải có tiếng nói của mẹ chứ’, bà chỉ khẽ thở dài đáp: ‘Mẹ quen rồi’.
Thử hỏi trên đời này còn bao nhiêu người phụ nữ ‘quen rồi’ để cuộc sống cứ dần dần rơi vào thiệt thòi và bế tắc?”.
1 cô vợ khác bình luận: “Mỗi khi trải qua một lần ốm, tôi nhận ra điều đau đớn nhất không phải thể xác mà là trái tim”.
Năm ngoái từng có 1 ông chồng khiến MXH dậy sóng khi đặt câu hỏi: “Vợ mình dương tính với Covid, mình có nên cách ly ra không?”. Và ngay dưới bài đăng ấy cũng có người trải lòng: “Tôi dương tính đúng 25 Tết đây. Chồng xin nghỉ Tết sớm để chăm sóc tôi nhưng ngày nào cũng ngủ đến 10h dậy, cơm nước không biết nấu, nhà không biết dọn. Vậy là không những tôi không được nghỉ ngơi còn phải phục vụ thêm chồng. Mấy ngày Tết cúng cơm xong có khách đến ăn quanh quẩn dọn dẹp con cái lúc nhìn mâm cũng chẳng ai phần mình được một miếng nguyên vẹn, tử tế. Không biết đàn ông thực sự vô tâm hay cái tâm người ta không để vào mình”.
Thực ra không có người phụ nữ nào từ hiền dịu bỗng trở thành vô cảm, vốn nhẹ nhàng bỗng trở nên thô lỗ. Chỉ là họ đã phải tiêu hao thể lực, tinh thần, tâm sức quá nhiều. Và cuối cùng những thứ họ tích tụ được là sự thất vọng. Những việc tưởng chừng rất nhỏ nhặt nhưng suốt thời gian làm vợ, phụ nữ đã phải dọn nhà bao nhiêu lần, nấu cơm giặt giũ bao nhiêu lần, tích tụ bao nhiêu bất mãn?
Sự đau đớn nhất trong hôn nhân đôi khi không phải phản bội mà là hết lần này đến lần khác cô ấy cần nhưng bạn lại không xuất hiện.
Theo báo cáo nghiên cứu “Giới và thị trường lao động ở Việt Nam: Phân tích dựa trên số liệu Điều tra Lao động - Việc làm”: “Phụ nữ dành trung bình mỗi tuần 20,2 giờ để dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, nấu ăn và đi chợ, chăm sóc gia đình và con cái, trong khi nam giới chỉ dành 10,7 giờ cho những công việc này. Thậm chí, gần 1/5 nam giới không hề dành chút thời gian nào cho việc nhà”.
Người ta nói “Nhà là nơi bão dừng sau cánh cửa”, “Hôn nhân là bến đỗ an toàn” nhưng trong cuộc hôn nhân ấy, nếu một người luôn gồng gánh mọi thứ còn một người chỉ biết hưởng thụ thì lâu dần, nơi trú ẩn vững chắc nhất cũng sẽ đổ nát.
Tình yêu lớn nhất là khi đàn ông vứt bỏ cái tôi, ích kỉ bản thân để bảo vệ người phụ nữ của anh ấy
Chị Mai (45 tuổi, đã kết hôn 20 năm, hiện đang sinh sống ở Hà Nội) chia sẻ: “Vợ chồng tôi gần như không có tiếng nói chung. Anh ấy khô khan, không giỏi giao tiếp cả trong công việc lẫn ngoài xã hội. Chúng tôi thường xuyên chiến tranh lạnh vì cứ mâu thuẫn xung đột là anh ấy im lặng.
Cách đây vài tháng, khi thấy thời điểm đã thích hợp tôi quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân chán nản và mệt mỏi này. Rồi tự nhiên tôi đau bụng cấp cứu, bác sĩ nói tôi có biểu hiện xuất huyết dạ dày. Đây là lần đầu tiên tôi nằm viện. Không ngờ chồng tôi bỗng dưng nói chuyện với vợ nhiều hơn, quan tâm chăm sóc từng li từng tí, túc trực cả 2 đêm ở ngoài phòng cấp cứu.
Sau khi xuất viện về nhà chồng tôi lại quay về trạng thái cũ. Tôi đã nghĩ anh ấy sẽ xin lỗi hoặc thay đổi gì đó nhưng không, câu tôi nhận được từ chồng chỉ vẻn vẹn 6 từ: ‘Mình đừng ly hôn nữa nhé’.
Sau cùng tôi cũng hiểu ra tất cả, dẹp bỏ sự cố chấp, rút đơn về, học cách chấp nhận, biết ơn và trân trọng những thứ mình đang có.
Người ta vẫn quan niệm “Đàn ông sao Hỏa, đàn bà sao Kim”, rất khó để dung hòa 2 sự khác biệt ấy dù 2 người có yêu nhau nhiều đến thế nào. Chồng bạn có thể không ngọt ngào, chu đáo quà cáp hay nói lời ngon ngọt nhưng chỉ cần lúc bạn đau yếu, gia đình có công việc, anh ấy vẫn bên bạn, sẵn sàng vượt qua cái tôi cá nhân, vượt qua phần ích kỉ của bản thân để nghĩ cho bạn. Thế là đủ rồi!
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.