Nỗi lòng những người con Bắc Giang, Bắc Ninh không thể về quê: Đường về nhà, sao xa quá đỗi!

Đó là câu chuyện của không ít người trẻ Bắc Ninh, Bắc Giang đã cả tháng ròng không về được nhà, ngày ngày chỉ có thể nhìn người thân qua điện thoại.

Thở dài khi nhìn số ca bệnh trong bản tin 6:00 chiều, Linh không biết khi nào mới được về quê nữa. Đã được gần một tháng kể từ khi những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang. Cũng dự định khi nhà trường cho học online, Linh sẽ về nhà ngay; dù gì cũng không phải lên trường nữa thì thôi về quê cho thoải mái. Nhưng chưa kịp về thì Bắc Giang đã thành một ổ dịch mới, nội bất xuất ngoại bất nhập. Hà Nội - Bắc Giang cũng chỉ đâu đó 100km nhưng giờ đây, cô cũng chỉ có thể trò chuyện, cập nhật tình hình với bố mẹ qua màn hình điện thoại.

"Chưa bao giờ Bắc Giang lại trở thành tâm điểm của báo giới đến vậy, theo cách mà không ai mong muốn. Em sợ nhất một ngày thấy tên ba mẹ như những con số vô hồn trên báo đài, lọt thỏm đâu đó giữa hàng nghìn bệnh nhân mắc Covid từ đầu dịch. Trước em cũng không sợ Covid lắm, nghĩ là thứ gì đó xa xôi chỉ cho đến khi thấy cuộc sống xung quanh mình bị đảo lộn".

Nỗi lòng những người con Bắc Giang, Bắc Ninh không thể về quê: Đường về nhà, sao xa quá đỗi! - Ảnh 1.

Năm nay, câu chuyện mùa vải được mùa mất giá ở quê Linh đã thay bằng câu chuyện Covid nhưng người ta không bàn tán xôn xao ngoài đường trong ngõ vì không mấy ai dám ra đường. Người ta kể cho nhau nghe trên mạng, cập nhật mỗi ngày số ca mắc mới, rồi xã mình bao nhiêu người phải cách ly tập trung, xét nghiệm Covid có sao không. Hà Nội cũng đóng cửa các cơ sở dịch vụ, giải trí, nhà hàng ăn uống cũng như tụ điểm đông người, cả ngày Linh nhốt mình trong căn phòng trọ ngột ngạt, đâm ra Linh càng nhớ bố mẹ, nhớ gia đình.

Nỗi lòng những người con Bắc Giang, Bắc Ninh không thể về quê: Đường về nhà, sao xa quá đỗi! - Ảnh 2.

Số ca mắc Covid-19 ở Bắc Giang tăng mạnh, nhưng chủ yếu ở các khu công nghiệp (Ảnh minh họa)

"Những ngày như vậy, em biết Hà Nội không phải là nhà. Em nhớ vườn vải ở nhà không biết bố mẹ năm nay có hái được hết chưa. Bắc Giang thành tâm dịch, cũng là tâm điểm để những đứa con xa nhà gửi nỗi nhớ về gia đình. Giá như ngày xưa chọn học Y, giờ đây biết đâu em cũng xung phong về quê giúp mọi người, ít ra còn được gần bố mẹ".

"Bố mẹ ở nhà có khỏe không? Hôm nay làng mình có ai mắc Covid nữa không? Vải nhà mình đã hái được chưa, giá được không? Bố mẹ có ho ốm gì không…" - ngày nào cũng vậy, Linh chẳng biết hỏi gì ngoài những câu như vậy. Tín hiệu 3G chệch choạng không đủ để Linh gửi hết yêu thương về cho bố mẹ. Nhiều lúc không biết ai mới đang ở vùng dịch vì con gái sụt sùi khóc còn trước cả bố mẹ. Covid khiến cô nhận ra có những khoảng cách tưởng gần vô cùng nhưng giờ đây lại xa xôi đến nhường nào. Lắm lúc, cô chỉ mong chờ một cơn mưa mát lành, để nguội bớt cái nóng oi ả, để người dân quê mình bớt ngồi trên đống lửa - "đống lửa" Covid đã khiến cuộc sống thôn quê nhọc nhằn lắm rồi.

"Chẳng biết bao giờ mới về quê được nữa, bố mẹ em cũng già rồi…", Linh thở dài thêm cái nữa, trò chuyện qua điện thoại thôi cũng nghe tiếng cô thở dài. Có buổi tối nghe ai đó thiệt mạng vì Covid, cả đêm Linh trằn trọc, nước mắt chảy lúc nào không hay. Thương bố mẹ, đợt dịch còn dài lắm không nữa…

***

"Mẹ được tiêm vắc-xin rồi, nay người có hơi sốt một chút, cũng mệt nữa".

Lâm thở phào nhẹ nhõm khi một ngày trôi qua rồi mà sức khỏe mẹ vẫn ổn định sau khi được tiêm mũi vắc-xin đầu tiên. Thành phố Bắc Giang phong tỏa, cậu sinh viên năm cuối không về được nhà đành ở lại Hà Nội. Cũng như nhiều bạn cấp ba khác, Lâm "kẹt" ở Hà Nội cả tháng trời. Nếu như mọi năm, nghỉ hè của Lâm cũng dần dứ cố ở lại Hà Nội chơi thêm chút nữa thì năm nay, cậu cũng sốt ruột muốn về nhà. Nhưng giữa thời điểm số ca dịch bệnh vẫn cao như vậy, cậu có muốn cũng không về được.

"Đi qua mấy hàng vải thiều, em thèm ghê, năm nay dịch nên ở nhà không gửi lên được".

Nỗi lòng những người con Bắc Giang, Bắc Ninh không thể về quê: Đường về nhà, sao xa quá đỗi! - Ảnh 3.

Để giúp người dân Bắc Giang tiêu thụ vải, nhiều mạnh thường quân không ngại về tận tâm dịch để thu mua và bán ở Hà Nội

Ngồi nói chuyện với Lâm mà Zalo của cậu cứ báo tin nhắn liên tục. Những người thuộc thế hệ bố mẹ chỉ quen sử dụng Zalo; Facebook hay Facetime lạ lẫm và hiện đại quá. Những ngày dịch dã, các group chat gia đình cứ réo thông báo liên tục. Cả Lâm và anh trai đều ở trên Hà Nội, bố mẹ công chức nhà nước ở Bắc Giang cũng đã được nghỉ ở nhà. Nhưng tứ bề đều thấy dịch, các khu công nghiệp vẫn tăng đều các ca mắc mới mỗi ngày, không lo làm sao được? Cả ngày chỉ hỏi thăm xem nay có khỏe không, có ho hắng gì không… vài câu thế thôi cũng thấy nhẹ lòng. Dịch như này, người ta không chỉ lo người thân bệnh tật mà còn lo chẳng thể về nhà nếu bố mẹ có trái gió trở trời.

Luận án tốt nghiệp đã nộp, lễ tốt nghiệp chưa biết đến bao giờ mới diễn ra, Lâm cũng không còn lý do gì để ở lại Hà Nội khi cũng chưa muốn bắt đầu đi làm. Nhớ lại 4 năm trước còn háo hức lên Hà Nội học, để tự lập, rời xa bố mẹ, giờ đây cậu chỉ muốn về nhà. Dù biết có về cũng chẳng ở lại bao lâu nhưng những lúc lòng như lửa đốt này, Lâm vẫn muốn về nhà với gia đình.

"Không vì dịch là anh trai em làm đám cưới rồi đấy. Giờ hai anh em đều ở trên Hà Nội, bố mẹ ở nhà một mình cũng lo lắm. Giờ cứ tính thử xem, phải sau 21 ngày từ ngày cuối cùng công bố dịch thì người ta mới yên tâm đi lại, ngày nào Bắc Giang cũng có dịch như này, bọn em biết ngày nào mới được về thăm gia đình?

Đường về nhà xa thật anh ạ. Bình thường anh em em chạy xe vèo cái là tới nhà, giờ chẳng lẽ chạy xe đến gần Bắc Giang cho đỡ nhớ rồi quay đầu về…".

Nỗi lòng những người con Bắc Giang, Bắc Ninh không thể về quê: Đường về nhà, sao xa quá đỗi! - Ảnh 4.

***

Trước ngày Sài Gòn ồ ạt các ca bệnh từ Hội thánh Phục Hưng, đám bạn của Ngân đã đặt nhanh vé máy bay để về quê, từ miền Tây tới miền Trung. Đó là những ngày các chuyến bay còn hoạt động nhiều. Thành phố giãn cách xã hội, các địa phương không tiếp nhận người Sài Gòn đến du lịch, hàng không cũng chỉ phục vụ ngày vài chuyến. Mà có nhiều chuyến Ngân cũng không bay đi đâu cả. Bay đi đâu? Quê Ngân ở thành phố Bắc Ninh, học hết Ngoại thương Hà Nội rồi cũng vào Sài Gòn làm, không còn mấy bạn bè ở Hà Nội. Sài Gòn cũng giãn cách, Bắc Ninh cũng cách ly xã hội theo chỉ thị 16, cô biết về đâu?

Ngân nhắn tin cho hội bạn cấp ba của mình, người ở Sài Gòn, người ở Hà Nội, có những đứa đang du học. Những ngày này, tin nhắn trong nhóm toàn là chuyện công việc, chuyện ở nhà bố mẹ có sao không. Có cô bạn thân bố phải đi cách ly tập trung, ngày nào nó cũng phải gọi điện về nhà hỏi xem tình hình bố sao rồi. Có đứa nhà trong khu vực phong tỏa, hàng xóm có F0, F1… Nó dặn bố mẹ phải nhắn tin cho mỗi ngày để cập nhật tình hình nhưng ngày nào mở tin nhắn ra cũng thấy sợ. Nhỡ một ngày thấy tin nhắn của bố mẹ nói rằng bố mẹ thành F0 rồi thì sao? Bên trời Mỹ, một cô bạn khác đã được tiêm vắc-xin, ngày ngày đọc báo nơi quê nhà mà không khỏi chạnh lòng. Giá như có thể chuyển vắc-xin về nhà cho bố mẹ?

Nhưng đâu có được; tất cả những nỗi lo cứ nằm mãi trong các group chat như vậy. Sau tất cả, lũ bạn cấp ba của Ngân cũng chỉ biết ngóng chờ một ngày dịch bệnh hết để có thể được về Bắc Ninh thăm bố mẹ.

"Em nhớ nhà. Ở Sài Gòn một năm cũng chỉ về nhà 1,2 lần thôi, cứ ngỡ là quen rồi nhưng không phải. Quen làm sao được khi thấy bố mẹ đang ở giữa tâm dịch. Người ta chỉ quen với việc sống xa nhà, chứ làm sao quen được với nỗi nhớ người thân, lại còn ở giữa dịch bệnh đầy nguy hiểm?".

Nỗi lòng những người con Bắc Giang, Bắc Ninh không thể về quê: Đường về nhà, sao xa quá đỗi! - Ảnh 5.

Những người con Bắc Ninh, Bắc Giang vẫn hướng về gia đình bằng nhiều cách, bằng những tin nhắn động viên, điện thoại hỏi han; những khoản tiền đóng góp; xung phong tới tuyến đầu chống dịch hoặc đơn giản chỉ là mua một kg vải để những người dân quê không vất vả (Ảnh minh họa)

Những người trẻ rời quê hương lên thành phố học tập, làm việc, họ có thể để lại tất cả, chỉ trừ gia đình. Ai ở đâu hãy ở yên đó, câu khẩu hiệu được truyền tai nhau từ mùa dịch này sang mùa dịch khác, nghe tưởng chừng rất dễ dàng với những người đang được sống cùng gia đình nhưng với các bạn trẻ xa quê, đặc biệt khi quê hương đang trong vùng tâm dịch, thực sự không dễ dàng gì. Ở khắp nơi, họ đều đang hướng về gia đình bằng nhiều cách, bằng những tin nhắn động viên, điện thoại hỏi han, những khoản tiền đóng góp, tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch hoặc đơn giản, chỉ là mua một kg vải để những người dân quê không vất vả lo cho một vụ mùa không biết sẽ đi đâu…

Linh, Lâm hay Ngân chỉ là ba trong số rất nhiều câu chuyện của các bạn trẻ quê Bắc Giang, Bắc Ninh hay những khu vực khác tại nhiều tỉnh thành đang phải dãn cách. Đường về quê mẹ vẫn còn xa xôi lắm, để một mùa hè chơi vơi trong những thấp thỏm và hy vọng một ngày dịch sẽ qua đi.

 

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang