Nhiều năm trở lại đây, IELTS được xem là "chứng chỉ quyền lực" mở rộng con đường vào trường top đầu. Điều này vô tình tạo nên một "cuộc đua" bất thường về điểm số IELTS. Nhiều bố mẹ cho con đi ôn luyện từ rất sớm, thậm chí từ cấp... tiểu học để thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ làm đẹp hồ sơ hay đơn giản hơn, để "khoe" lên mạng xã hội như một cách dát tấm huy chương con cái lên vai mình.
Một bà mẹ mới đây cũng trở thành nguồn cơn tranh cãi khi chia sẻ tất tần tật quá trình luyện IELTS 8.0 của con gái. Bài viết dài dằng dặc gần 2000 chữ, rõ ràng, chi tiết đầy tâm huyết, những tưởng sẽ nhận được nhiều sự đồng tình và ngưỡng mộ, nhưng cuối cùng chị lại gánh loạt "gạch đá".
Được biết, con gái chị sinh năm 2011, hiện đang học ở một trường công ngoại thành Hà Nội. Bé bắt đầu học tiếng Anh nghiêm túc từ năm lớp 3. Cuối lớp 4 và 5, em học xong cách viết đoạn, câu chủ đề. Đây là giai đoạn bà mẹ bắt đầu giới thiệu với con các loại bài essays của IELTS, với yêu cầu về việc trả lời thẳng vào câu hỏi, tuân thủ các quy định về dấu chấm câu và việc dùng từ formal.
Trong giai đoạn này, chị cũng cho con lập 2 nhóm Social Studies&Science và Economics, con được gặp các bạn giỏi để cùng thuyết trình. Với Science, chị hướng vào các chủ đề tìm hiểu về muối, vi khuẩn, bệnh bạch tạng ở động vật, động vật lưỡng cư và linh trưởng, so sánh thuỷ tinh và kim cương,… Còn Economics, chị giao các con tìm hiểu lý thuyết về cung, cầu, bàn tay vô hình, kinh tế donut (kinh tế học hình khuyên), rửa tiền, nguyên lý bàn tay vô hình, hiệu ứng cánh bướm, nền kinh tế thị trường…
Lớp 6 là quãng thời gian con chị dành thời gian cho các hoạt động như Debate, đi Mun (Model United Nations - Hội nghị Mô phỏng Liên Hợp Quốc), apply các học bổng, thi các cuộc thi, tham gia các buổi học miễn phí, câu lạc bộ viết sáng tạo của người nước ngoài tại Hà Nội, thi cuộc thi khởi nghiệp… Về IELTS, lúc này em học ít đi, chỉ tham gia một lớp 10 buổi của một giáo viên. Tuy nhiên, đây là giai đoạn bật hẳn của em về đọc sách, đọc nhiều, xem nhiều phim tài liệu, xem các thí nghiệm về tâm lý.
Lớp 7, chị đăng ký cho con thi thử SAT. Em được 720/800 phần Verbal và 540/800 Math. Giai đoạn này chị hướng dẫn con đọc, phân tích và làm bài nói về các thí nghiệm và case studies của Psychology và Philosophy, con thích hơn rất nhiều và làm rất nhanh, chăm chỉ nhưng vẫn ôn IELTS khá ít.
"Cuối lớp 7, khi mình xách con đi thi, nói với nó rằng thi thử, đây là trải nghiệm đau thương nhất của mình vì đến tận bây giờ nó vẫn nghĩ đây là thi thử nhưng có chứng chỉ thật... Cuối cùng bạn ý vào thi và làm bài đọc trong 40 phút, 20 phút nghĩ về việc sau này mình sẽ làm gì, học ngành gì, thi viết thì làm bài task 1 trong 23 phút, task 2 hết 24 phút, 13 phút còn lại ngồi nghĩ xem có nên mang cục tẩy về không, ngồi nhỏ thuốc nhỏ mắt rồi quan sát cái app.
Lúc ra con kể lại mình đã nghĩ đây chính là cái điều mình chưa từng nghĩ tới, một khi nghĩ là thử thì nó vô cùng "chill chill", y như rằng, nó chỉ được 8,5 ở kỹ năng đọc, vuột mất cơ hội được làm tròn tổng điểm thành 8.5" , chị chia sẻ.
Từ kinh nghiệm của mình, chị khuyên các bậc phụ huynh thi thật thì cứ bảo thật. Chị cũng gợi ý thêm nhiều tips khác để con có thể thêm khí chất, thái độ, sự kiên nhẫn trước giám khảo hay một số lời khuyên để chuẩn bị cho kỳ thi tốt hơn.
Đồng thời, nên có nhiều bạn tốt là phụ huynh khác vì họ sẽ an ủi bạn rất nhiều. "Cô giáo tiếng Trung của con và bạn mình thật sự đã an ủi mình nhiều lắm, chứ nếu không chắc mình đã mắng cho một trận sau khi thi xong Speaking vì con nhỏ nói "đấy là chiến lược á mẹ, thi thử mà, phải thử mới biết có tác dụng hay không?", bà mẹ chia sẻ.
Con quá giỏi và nỗ lực, chỉ mẹ là không biết đủ
Đọc xong hành trình luyện tiếng Anh thi IELTS từ lớp 3 tới lớp 7 của đứa trẻ, nhiều người cho biết, họ cảm thấy "rùng mình" vì dường như tuổi thơ của đứa trẻ này chỉ chìm đắm trong việc học và lấy thành tích. Không ít người đặt câu hỏi: Đứa trẻ mới lớp 7 thì lấy IELTS 8.0 để làm gì, ngoài chuyện để mẹ "flex" lên trang cá nhân?
Một vài cư dân mạng nhận định, toàn bộ bài viết cho họ cảm giác đứa trẻ là "một sản phẩm thí nghiệm". Con phải trải qua 1 quá trình nghiên cứu, cải tiến (kiểm soát từ không gian, thời gian, chất, lượng tới suy nghĩ) để đưa ra kết quả (cách học, khoe mẽ thành quả...). Chị ép con học nhồi nhét đủ thứ từ IELTS, SAT cho đến các kiến thức rất phức tạp về khoa học và kinh tế, với những khái niệm ngay cả sinh viên đại học cũng ngoài tầm với. Học như thế có mang lại điều gì ngoài sĩ diện hão huyền cho phụ huynh?
Band 8.0 IELTS với học sinh cấp 3, đại học đã là một kết quả đáng mơ ước. Tuy nhiên, điểm số này với bà mẹ vẫn là điều chưa đủ. Thay vì tự hào vì con chăm chỉ, cố gắng, mới lớp 7 đã chinh phục điểm IELTS cao thì chị lại trách ngược: Nếu con tập trung, nếu con không thơ thẩn bỏ phí thời gian thì con đã được thành tích cao hơn.
Thái độ và kết quả của con khiến chị "đau thương", nếu không nhờ cô giáo tiếng Trung của con và bạn bè an ủi thì chị đã có hành động mắng mỏ con mình. Nói cách khác, bà mẹ này chưa bao giờ công nhận đứa trẻ và sự nỗ lực của nó, chỉ cứ chăm chăm muốn con đạt thành tích lấp lánh. Chị ép con phải trưởng thành trong độ tuổi đáng lý ra phải vui vẻ với bạn bè, tận hưởng tuổi thơ đúng nghĩa.
Như một cư dân mạng bình luận: "Kỳ tích đáng khen, đáng ngưỡng mộ thật. Nhưng để có một kì tích mà nguyện đánh đổi những tháng ngày thơ ấu của một đứa trẻ có thật sự đáng không? Nó sẽ chạy nhanh hơn bất kì ai khác trong cuộc đua học vấn và sự nghiệp sau này, nhưng mãi mãi mất đi một phần đứa bé trong mình. Chạy nhanh chỉ để mất dần mất dần. Vài năm nữa, không biết trong em ấy có còn tồn tại một bản thân nguyên vẹn mà không bị người phụ huynh này tạc ra từ ảo mộng của chính bà hay không nữa".
Dù vậy, trên diễn đàn, một số phụ huynh vẫn đứng về phía bà mẹ này. Họ nhận định, IELTS Là một chứng chỉ quốc tế danh giá mà con đạt được như vậy ở tuổi đó là quá xuất sắc.
Hơn nữa, người mẹ này cũng đã cho biết, mục đích của mình là giúp các phụ huynh có thể cho con vừa học vừa tận hưởng những niềm vui của việc xem phim, đọc truyện, sách báo tiếng Anh và làm những việc khác. Quá trình mà chị chia sẻ cho thấy con của chị cũng rất tận hưởng việc "chơi mà học", con yêu thích việc khám phá và cọ xát qua các cuộc thi. Con mê đọc sách, học làm bánh, học vẽ, coding, nhiều lần tổ chức các workshop về dùng công cụ AI... Tuổi thơ con vẫn ngập tràn như bao đứa trẻ khác. Ở độ tuổi của con, nhiều bạn cày ngày cày đêm mới được IELTS 8.0, nhưng em lại đi thi với tâm thế nhẹ nhàng, nền tảng kiến thức rất rộng.
"Nhỡ con yêu thích việc học các kiến thức vĩ mô, chủ động muốn tìm hiểu và dành thời gian tìm hiểu thì sao. Nếu vậy, bà mẹ chỉ là định hướng và đồng hành cùng con, đây là việc cha mẹ nào cũng nên làm. Con gặp được người mẹ tâm huyết nên phát triển như diều gặp gió cũng là điều dễ hiểu" , một phụ huynh nhận định.
Trên thực tế, không thể phủ nhận việc có nhiều phụ huynh cho con thi IELTS ở bậc tiểu học chỉ để khoe con mình giỏi, con mình tốt... Trong khi đó, theo các chuyên gia, bài thi IELTS vốn là bài đánh giá năng lực tiếng Anh chuẩn hóa quốc tế và nội dung bài thi này bao hàm nhiều kiến thức xã hội, đòi hỏi tư duy lập luận cao của thí sinh. IELTS là bài thi không hoàn toàn phù hợp cho đối tượng người học nhỏ tuổi chưa đủ kiến thức, trải nghiệm và khả năng tư duy để làm bài.
Nhưng đáng tiếc là, không phải cha mẹ nào cũng đủ nghị lực để buông bỏ mộng mơ về hào quang lấp lánh mà thành tích và điểm số của con mang lại.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.