PGS.TS Trần Đắc Phu: Nửa ngày không ghi nhận ca Covid-19 mới là tín hiệu tốt, nhưng đừng chủ quan!

Dù không ghi nhận thêm ca bệnh mắc Covid-19 mới sau 12 giờ, thì chúng ta cũng không nên vui quá sớm và tuyệt đối không chủ quan" - đó là chia sẻ của PGS.TS Trần Đắc Phu.

Tiếp tục rà soát người nhóm có nguy cơ

Sau 12 giờ kể từ 18 giờ ngày 4/4 đến 6 giờ ngày 5/4 Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp mắc Covid-19 mới. Tổng số ca mắc bệnh tại Việt Nam vẫn dừng lại ở con số 240 trường hợp. Trong đó, đã có 90 trường hợp đã được công bố khỏi bệnh và 4 bệnh nhân nặng đã có những tiến triển tích cực.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, việc ghi nhận thêm ca bệnh mới phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm đối tượng có nguy cơ cao.

"Đây cũng là một tín hiệu tốt ban đầu thể hiện chúng ta vẫn đang ngăn chặn dịch bệnh tốt. Bởi vì, số người nhập cảnh xét nghiệm không có thêm ca mới. Những ổ dịch như: Bệnh viện Bạch Mai và Công ty Trường Sinh (tại Hà Nội), quán bar Buddha (tại TP.HCM) hiện tại không có thêm ca bệnh mới.

Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng ta chủ quan vì thực tế chúng ta chưa làm được xét nghiệm trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, chúng ta vẫn đang tiếp tục rà soát nhóm người có nguy cơ cao. Còn trong giai đoạn này không xuất hiện ca bệnh mới khẳng định là tin vui là còn quá sớm.", PGS Phu chia sẻ.

PGS.TS Trần Đắc Phu: Nửa ngày không ghi nhận ca Covid-19 mới là tín hiệu tốt, nhưng đừng chủ quan! - Ảnh 1.

Việt Nam không xuất hiện ca bệnh mới sau 12 giờ, ảnh Tuấn Mark.

Trong thời gian này người dân quyết không được lơi lỏng, vẫn phải giữ vững tinh thần "chống dịch như chống giặc".

PGS. Phu khẳng định, để thắng được trận đại dịch này người dân vẫn cần phải nghiêm túc thực hiện cách ly cá nhân và làm theo những khuyến cáo từ Bộ Y tế: Không tiếp xúc gần, không đi ra ngoài khi cảm thấy không thực sự cần thiết. Không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng; Luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài kể cả khi làm việc và luôn đứng cách xa người khác 2 mét; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc bằng dung dịch sát khuẩn.

Tuân thủ đúng cách ly xã hội, các ca bệnh mất dấu (nếu có) sớm muộn cũng sẽ xuất hiện!

Trước câu hỏi không ghi nhận ca bệnh mới có đáng lo ngại về sự mất dấu của ca nhiễm bệnh hay không? (PV), PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Trưởng khoa Y tế Công cộng và Điều dưỡng, Đại học Quang Trung cho biết, khi dịch bệnh đã xuất hiện trong cộng đồng thì việc mất dấu ca nhiễm bệnh F0, F1, F2, F3, F4… cũng không còn quá lo ngại.

"Do bệnh lây chủ yếu quá tiếp xúc gần và chúng ta đang tuân thủ đúng cách ly xã hội, thì các ca bệnh mất dấu (nếu có) sớm muộn cũng xuất hiện. Việc người dân tuân thủ cách ly cá nhân sẽ quyết định thành bại trong công tác khống chế dịch bệnh", PGS Huy Nga nói.

Cũng theo PGS Huy Nga không ghi nhận thêm ca bệnh mới trong 12 giờ vẫn chưa nói nên được điều gì. Vì có thể ngày mai hoặc vài ngày nữa sẽ xuất hiện. Nếu trong 2-3 tuần tiếp tới đây Việt Nam không ghi nhận thêm trường hợp mắc bệnh, khi đó về cơ bản, ta đã khống chế được dịch trên lãnh thổ Việt Nam và có thể xem xét việc ngừng giãn cách xã hội.

Bộ Y tế đưa ra 10 biện pháp đơn giản để phòng, chống dịch hiệu quả như sau:

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế đẫ đưa ra 10 biện pháp đơn giản để phòng, chống dịch hiệu quả như sau:

1. Không đi ra ngoài khi không thật sự cần thiết. Không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng.

2. Luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài kể cả khi làm việc; luôn đứng cách xa người khác 2 mét.

3. Luôn rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc bằng dung dịch sát khuẩn nhất là sau khi sờ tay vào bất cứ vật dụng nào và sau khi gặp, nói chuyện với người khác và khi về nhà.

4. Không bắt tay khi gặp người khác, không đưa tay lên mắt, mũi miệng.

5. Thường xuyên súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng; giữ ấm vùng ngực cổ, uống nước ấm. Thay quần áo khi về nhà và quần áo thay ra cần được ngâm với xà phòng.

6. Ăn uống đủ chất, ăn chín, uống chín, tập luyện thể thao phù hợp, sinh hoạt lành mạnh. Thường xuyên vệ sinh, giữ thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.

7. Nếu phải cách ly thì phải ở nhà, hạn chế gặp người trong nhà, thực hiện theo các hướng dẫn cách ly của cơ quan y tế.

8. Không nên đến cơ sở y tế nếu không phải cấp cứu. Hãy hỏi cán bộ y tế bằng điện thoại hoặc qua mạng trước khi muốn đi khám bệnh.

9. Khai báo y tế qua ứng dụng (https://ncovi.vn) cho mình và cho người thân trong nhà; theo dõi sức khỏe hàng ngày và báo ngay cho cơ quan y tế hoặc trên ứng dụng NCOVI.

10. Không mời khách đến nhà và cũng không nên đến nhà người khác. Cuộc sống sẽ còn nhiều dịp để gặp nhau.

Link bài gốc


 

 

 

 

Theo Tri Thức Trẻ

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang