Khi thế giới vượt qua cột mốc 4 triệu ca tử vong do COVID-19 và các biến thể mới gây ra sự hỗn loạn ở các cộng đồng chưa được tiêm vaccine, cuộc tranh luận về nguồn gốc COVID-19 tiếp tục diễn ra sôi nổi.
Mới đây nhất, một nhóm các nhà khoa học - bao gồm các nhà virus học hàng đầu thế giới và một người từng đoạt giải Nobel – đã cùng nhau xem xét lại các bằng chứng khoa học và kết luận rằng hiện không có bằng chứng nào cho thấy SARS-CoV-2 xuất phát từ phòng thí nghiệm.
Nhà virus học và tác giả chính của bài phân tích, Edward Holmes, cho biết: "Phân tích cẩn thận và quan trọng của chúng tôi về dữ liệu hiện có không cung cấp bằng chứng ủng hộ ý tưởng SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm".
Biết rằng không thể loại trừ hoàn toàn giả thuyết COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm, nhóm các nhà khoa học đã tóm tắt các bằng chứng cho thấy SARS-CoV-2 có nguồn gốc tự nhiên và lập luận rằng: các hoạt động của con người, chẳng hạn như phá rừng và buôn bán động vật hoang dã, "đã nhiều lần đưa chúng ta vào tình huống va chạm với các loại virus mới".
Họ cũng cảnh báo rằng việc tập trung vào giả thuyết phòng thí nghiệm đang làm xao nhãng các nhiệm vụ khoa học cấp bách hơn, chẳng hạn như điều tra động vật mang virus SARS-CoV-2 hoặc chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo.
Ảnh chụp bên ngoài Viện Virus học Vũ Hán, Trung Quốc, tâm điểm của giả thuyết SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Nhà virus học Jonathan Stoye từ Viện Francis Crick, người không tham gia vào bản phân tích này, nhận định: "Bản phân tích này cung cấp một mô tả rõ ràng và hợp lý về các sự kiện virus học đã xảy ra trong thời gian virus xuất hiện".
-
Chuyên gia Trung Quốc nêu lý do cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19 nên tập trung vào Mỹ
Bằng chứng củng cố giả thuyết SARS-CoV-2 có nguồn gốc tự nhiên được tìm thấy trong các virus có mối liên hệ chặt chẽ với SARS-CoV-2 ở dơi và tê tê, và thông qua việc con người tương tác với những động vật đó, bài phân tích viết.
Bài phân tích, đang được bình duyệt, cũng trích dẫn các bằng chứng khác không củng cố giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm, ví dụ như SARS-CoV-2 không có khả năng lây nhiễm sang chuột thí nghiệm, một mô hình động vật được lựa chọn để nghiên cứu khả năng lây nhiễm của virus.
Và nếu ai đó tạo ra virus một cách nhân tạo trong phòng thí nghiệm, sẽ có các dấu hiệu di truyền của quá trình đó trong trình tự SARS-CoV-2. Và cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào như vậy được tìm thấy, các nhà khoa học viết.
Stoye nói: "Bài phân tích ủng hộ mạnh mẽ giả thuyết nguồn gốc tự nhiên của virus và việc virus sau đó đã thích ứng với con người".
Mặc dù một số ca mắc COVID-19 được ghi nhận ban đầu có liên quan đến khu chợ hải sản ở Vũ Hán, nhưng hiện vẫn chưa có bằng chứng dịch tễ học nào kết nối SARS-CoV-2 với Viện Virus học Vũ Hán, nơi các nhà khoa học nghiên cứu về các loại virus corona ở dơi.
Stuart Turville, một nhà virus học tại Viện Kirby ở Sydney, Úc, cho biết: "[Trong các giả thuyết này] nguồn lây chính có thể là một nhân viên bị nhiễm bệnh và có thể đã mang virus về nhà sau khi bị nhiễm bệnh trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, điều này không được ghi lại trong bất kỳ ca F0 chỉ định nào".
Vì sao giả thuyết COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm cứ 'cháy âm ỉ'?
Giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm đến nay chưa được loại trừ một cách dứt khoát, điều này tạo điều kiện cho nó tồn tại âm ỉ. Ngay cả cuộc điều tra của WHO hồi tháng 2 cũng không có kết luận.
"Không có chuyến đi nghiên cứu nào có thể cung cấp tất cả các câu trả lời", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết vào tháng 3 năm nay, khi WHO công bố báo cáo đầu tiên nêu chi tiết cuộc điều tra sâu rộng về nguồn gốc của SARS-CoV-2.
Nhìn chung, các chuyên gia hiện đồng ý rằng kịch bản có thể xảy ra nhất là virus đã lưu hành trong động vật hoang dã, lây lan sang người sau tiếp xúc với con người, và sau đó tiến hóa tự nhiên để thích nghi với con người.
Tuy nhiên, nhà miễn dịch học Nikolai Petrovsky từ Đại học Flinders ở Úc ít chắc chắn hơn, nói rằng bản phân tích mới cung cấp "bằng chứng tối thiểu" và không có kết luận chắc chắn.
Các nhà khoa học làm việc bên trong Viện Virus học Vũ Hán, Trung Quốc.
Petrovsky nói: "Nguồn gốc thực sự của virus vẫn còn là một phán quyết mở giữa hai khả năng: sự kiện lan truyền tự nhiên từ một vật trung gian vẫn chưa được xác định hoặc một tai nạn trong phòng thí nghiệm.
"Dựa trên kiến thức thực tế cho đến nay, không có khả năng nào có thể được chứng minh hoặc chắc chắn được bác bỏ".
Các chuyên gia khác ủng hộ nhiều hơn đối với bản phân tích mới. Nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm James Wood tại Đại học Cambridge cho biết:
"Họ xem xét những điều không chắc chắn luôn tồn tại xung quanh các cuộc điều tra… và cũng lưu ý rằng không thể loại trừ hoàn toàn một tai nạn trong phòng thí nghiệm, nhưng họ cũng nhấn mạnh điều này rất khó xảy ra…".
Theo nhóm nghiên cứu, việc các virus lây truyền từ động vật sang động vật và sau đó sang người trong lịch sử là bằng chứng củng cố thêm cho nguồn gốc động vật của SARS-CoV-2.
Họ viết: "Tất cả các virus corona trước đây của con người đều có nguồn gốc từ động vật, cũng như đại đa số virus ở người".
Các chuyên gia cũng thừa nhận rằng nguồn gốc động vật chính xác của SARS-CoV-2 có thể không bao giờ được tìm thấy, điều này có lẽ đã tạo điều kiện cho giả thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm ngay từ đầu.
"Thật vậy, nguồn gốc động vật của nhiều mầm bệnh nổi tiếng ở người, bao gồm virus Ebola, virus viêm gan C, virus bại liệt, và các virus corona khác... vẫn chưa được xác định", nhóm nghiên cứu viết.
Tuy nhiên, có một số điều chắc chắn hơn: Các thuyết âm mưu và tin đồn là cực kỳ nguy hiểm, thậm chí gây chết người, và chúng ta phải rút ra bài học từ đại dịch này để bảo vệ bản thân vào những lần sau.
Bài phân tích mới được công bố trên kho dữ liệu nghiên cứu Zenodo.
Trước đó, nhóm hai nhà khoa học Anh và Na Uy nói rằng họ đã phát hiện ra bằng chứng cho thấy COVID-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Gần đây, hai chuyên gia Mỹ cũng khẳng định SARS-CoV-2 là 'quái vật do con người tạo ra'.
(Nguồn: Science Alert)
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/phan-tich-moi-nhat-ve-nguon-goc-covid-19-va-tuyen-bo-bat-ngo-cua-cac-nha-khoa-hoc-hang-dau-161211107120315765.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.