Nhưng đây có phải loại dụng cụ hỗ trợ các bé tự nổi trong nước và bơi an toàn như các bố mẹ vẫn tưởng?
Đến nay, hiện vẫn chưa có nghiên cứu chi tiết nào về tác dụng của phao bơi đỡ cổ cũng như tác hại của nó. Theo một nghiên cứu năm 2005 xem xét liệu pháp chữa bệnh bằng học bơi cho trẻ sơ sinh, các nhà khoa học có đề cập tới việc sử dụng phao bơi đỡ cổ. Họ cho rằng, phao bơi đỡ cổ "không gây chấn thương" nhưng cũng không đưa thêm bất cứ chi tiết nào khác.
Năm 2015, một nhà sản xuất phao bơi đỡ cổ cho trẻ sơ sinh ở Mỹ đã tự nguyện thu hồi sản phẩm của mình sau khi có 54 báo cáo về tình trạng đường may trên phao bị đứt. Hiện tại, sản phẩm mang tên Otteroo Inflatable Baby Float đã xuất hiện trở lại trên thị trường, giá 35 USD.
Cha mẹ nên giám sát chặt chẽ khi cho bé sử dụng loại phao này (Ảnh minh họa).
Sau vụ thu hồi, Julie Forbes, người phát ngôn của công ty, cho biết: "Chúng tôi đã làm phần nhựa dày lên. Chúng tôi đã thực hiện nhiều cải tiến cho sản phẩm". Cô khẳng định, không có trường hợp chấn thương nào được ghi nhận với 54 báo cáo về lỗi sản phẩm ở trên. Theo Julie Forbes, phao bơi đỡ cổ "không phải là mối đe dọa tiềm ẩn tới tính mạng trẻ" và có thể trợ giúp cho sự phát triển kỹ năng vận động ở trẻ sơ sinh. Theo trang web của công ty, phao bơi đỡ cổ dành cho bé trên 8 tuần tuổi. Cha mẹ nên giám sát chặt chẽ khi cho bé sử dụng loại phao này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không có sản phẩm bơm hơi nào là an toàn, và phao bơi đỡ cổ không phải ngoại lệ.
Hai tổ chức ở Anh hoạt động trong lĩnh vực dạy bơi cho trẻ sơ sinh mới đây cũng đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ của phao bơi đỡ cổ. Họ thúc giục phụ huynh tìm hiểu về những nguy cơ tiềm ẩn này.
Theo hướng dẫn của Viện Nhi khoa Mỹ về việc ngăn ngừa nguy cơ đuối nước, cha mẹ nên tránh dùng mọi thiết bị hỗ trợ bơi có thể nổi được. Phụ huynh được khuyên "nên cẩn trọng không dùng các dụng cụ bơi được bơm hơi vào trong (như phao bơi cánh tay) thay thế cho áo phao cứu hộ. Những dụng cụ này có thể bị xì hơi và không được thiết kế để đảm bảo an toàn cho người bơi".
Bác sĩ nhi Sarah Denny, khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Nationwide (bang Ohio, Mỹ) cho biết: "Không có bằng chứng khoa học cho thấy lợi ích của việc dùng phao bơi đỡ cổ. Hơn nữa, chúng lại đi kèm với một số nguy cơ. Loại phao bơi dạng này có thể tạo cảm giác yên tâm giả tạo cho các bậc cha mẹ. Trẻ hoàn toàn có thể bị trượt khỏi phao và chìm xuống. Đây cũng không phải thiết bị giúp nổi được phê chuẩn ở Hoa Kỳ". Điểm đáng chú ý là phao bơi đỡ cổ có thể gây áp lực lên cổ bé, từ đó, dẫn tới chấn thương.
Điểm đáng chú ý là phao bơi đỡ cổ có thể gây áp lực lên cổ bé, từ đó, dẫn tới chấn thương (Ảnh minh họa).
Những thiết bị giúp người tập bơi nổi được cũng "không cho thấy tác dụng giảm nguy cơ chấn thương, trong khi lại tạo cảm giác an toàn giả tạo cho cha mẹ", Charles Suastegui, bác sĩ điều trị tại phòng cấp cứu Bệnh viện Nhi Nicklaus (bang Miami, Mỹ) nhấn mạnh.
Bản thân các huấn luyện viên môn bơi cũng không ủng hộ việc sử dụng phao bơi đỡ cổ. Lisa Zarda, giám đốc điều hành U.S Swim School Association (Mỹ), bày tỏ: "Chúng tôi không khuyến nghị bạn dùng phao bơi đỡ cổ. Quan trọng hơn là việc bạn có mặt trong bể bơi, cùng với bọn trẻ".
Như vậy, sự tham gia của cha mẹ có ý nghĩa quyết định. Bác sĩ nhi Sarah Denny chia sẻ: "Bất cứ khi nào bé ở trong nước, chúng ta cần đứng ở gần đó, cách trẻ một khoảng bằng chiều dài cánh tay".
Bác sĩ Suastegui thì bổ sung: "Phương pháp duy nhất được khoa học xác nhận để đảm bảo an toàn với nước cũng như ngừa nguy cơ đuối nước là sự giám sát trực tiếp và hàng rào lắp đặt quanh bể bơi". Chưa kể việc dạy bé tập bơi một cách bài bản thông qua các lớp học cũng cần được chú trọng.
Theo Helino
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.