Phòng tai biến sau tiêm vắc xin Covid-19, TP HCM huy động tổng lực hệ thống cấp cứu

Sở Y tế TP HCM yêu cầu các bệnh viện và trung tâm cấp cứu 115 trên địa bàn TP HCM tham gia vào quá trình đảm bảo an toàn khi có sự cố xảy ra trong quá trình tiêm vắc xin Covid-19.

Để đảm bảo an toàn khi có sự cố xảy ra trong quá trình tiêm vắc xin Covid-19, Sở Y tế TP HCM yêu cầu các bệnh viện và trung tâm cấp cứu 115 trên địa bàn TP HCM triển khai các kíp cấp cứu cùng phương tiện, xe cứu thương tại các điểm tiêm chủng tại cộng đồng.

Cụ thể như sau:

Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất:

- Triển khai 22 kíp cấp cứu (1 bác sĩ, 1-2 điều dưỡng, 1 tài xế) và xe cứu thương thường trực tại điểm tiêm. Nhiệm vụ là phối hợp với bác sĩ tổ tiêm chủng, phụ trách theo dõi phản ứng sau tiêm. Sau khi xử trí tại chỗ, nếu cần thì hỗ trợ chuyển viện an toàn.

- Triển khai 21 tổ chuyên gia thường trực tại điểm tiêm theo công văn 3846/SYT-NVY (01 bác sĩ và 01 điều dưỡng chuyên về hồi sức cấp cứu kèm vali hồi sức cấp cứu). Nhiệm vụ là chỉ huy chuyên môn cấp cứu tại chỗ, hỗ trợ xử trí cấp cứu nâng cao và chuyển viện.

Phòng tai biến sau tiêm vắc xin Covid-19, TP HCM huy động  tổng lực hệ thống cấp cứu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tại các điểm tiêm chủng quận huyện:

Sở Y tế đã phân công, bố trí lực lượng tại 96 điểm tiêm chủng cộng đồng, trong đó có căn cứ theo nguồn lực tại chỗ của điểm tiêm chủng, bao gồm việc bố trí các đội tiêm, vị trí địa lý, phương tiện tại chỗ.

 

Đảm bảo khi có sự cố, có lực lượng tại chỗ xử trí ban đầu thuộc đội tiêm chủng, huy động báo động đỏ xe cấp cứu tại các bệnh viện được phân công và chuyển viện an toàn.

Ngoài ra, quy trình báo động đỏ của các bệnh viện luôn sẵn sàng khi nhận được tín hiệu. Sở Y tế giao Trung tâm Cấp cứu 115 chịu trách nhiệm điều phối toàn bộ hoạt động cấp cứu cho chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Sở Y tế TP HCM đã gửi tin nhắn nhắc người đi tiêm nhớ khai báo y tế điện tử trước khi đến điểm tiêm vắc xin trong vòng 24 giờ. 

Việc triển khai tin nhắn nhắc người dân đi tiêm ngừa vắc xin Covid-19 giúp rút ngắn thời gian người dân làm các thủ tục hành chính trước khi tiêm, đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống dịch Covid-19, nhất là khai báo y tế và sàng lọc trước khi tiêm.

PGS.TS Dương Thị Hồng – Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - cho biết, vắc xin được nhập về và sử dụng tại Việt Nam là vắc xin Covid-19 của AstraZeneca. 

Theo thông báo của nhà sản xuất, vắc xin này có hiệu lực bảo vệ phòng lây nhiễm trên 70% sau khi tiêm liều 1 ít nhất 3 tuần, và sau tiêm liều 2 đạt trên 80%.

Tuy nhiên biến chủng Delta (biến chủng phát hiện lần đầu tại Ấn Độ) ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả phòng lây nhiễm của vắc xin, nhưng hiệu quả phòng biến chứng và tử vong ở vắc xin vẫn ở mức độ cao, theo PGS Hồng.

Theo định hướng của Bộ Y tế, việc tiêm chủng vắc xin Covid-19 phải thực hiện theo nguyên tắc tiêm đến đâu đảm bảo an toàn đến đó. 

Từ khâu khám sàng lọc, chỉ định, tiêm vắc xin, theo dõi tình trạng sức khỏe sau tiêm được tất cả các cơ sở y tế thực hiện nghiêm túc. Các trường hợp phản ứng sau tiêm trong thời gian qua được xử trí nhanh chóng, kịp thời và hầu hết hồi phục không để lại di chứng.

Đến nay đã có gần 2,5 triệu người được tiêm ít nhất một liều vắc xin AstraZeneca an toàn trên cả nước. Trong thời gian tới đây vắc xin này vẫn tiếp tục được triển khai trên toàn quốc.

 

Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/phong-tai-bien-sau-tiem-vac-xin-covid-19-tp-hcm-huy-dong-tong-luc-he-thong-cap-cuu-161212306153013714.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang