Phòng tránh bệnh viêm phổi cho trẻ trong những ngày trở lạnh

(lamchame.vn) - Viêm phổi là một trong những bệnh đường hô hấp nguy hiểm khi trời trở lạnh. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển.

Nguyên nhân của tình trạng viêm phổi trẻ em trong mùa đông lạnh chủ yếu do trẻ nhiễm lạnh (khi tắm, khi đi chơi), hoặc ủ quá kỹ khiến bé rịn mồ hôi, thấm ngược vào cơ thể gây lạnh. Hơn nữa, mùa đông khô hanh, trong không khí có nhiều loại bụi. Thời gian mặt trời chiếu sáng ít, là điều kiện thuận lợi để một số vi rút, vi khuẩn gây bệnh tồn tại và phát triển trong môi trường.

Dưới dây là những nguyên tắc chăm sóc trẻ vào mùa lạnh để phòng tránh bệnh viêm phổi và các bệnh về đường hô hấp khác.

1. Giữ ấm cơ thể.

Trẻ em rất cần được giữ ấm, nhất là những trẻ mới sinh, trẻ đẻ non, trẻ sinh thiếu tháng, trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ dưới 1 tuổi. Giữ ấm cả khi thức cũng như trong lúc ngủ. Trẻ nhỏ cần được mang tất để giữ ấm đôi chân, đội khăn hoặc mũ để giữ ấm đầu, nhất là với những trẻ còn chưa liền hết thóp. Quần áo nên may bằng loại vải xốp, mềm. Mặc nhiều lớp quần áo.

 

2. Không chơi đùa ngoài trời.

Trẻ cần được chơi ở nơi kín gió, không có gió lùa. Khi có ánh nắng mặt trời, nhiệt độ không khí tăng lên, chúng ta nên tranh thủ cho trẻ ra sưởi nắng ít phút, vừa giúp cơ thể ấm áp vừa có tác dụng chống còi xương. Không nên  để trẻ chơi đùa ở những nơi có nhiều bụi, không tiếp xúc với các loại gia súc gia cầm. Những trẻ ở độ tuổi đến trường cũng rất cần được giữ ấm. Các cháu cần được mặc đủ ấm, đi giầy, đi tất, đội mũ khi đi học. Khi đi xe máy, nên cho trẻ mang khẩu trang, đội mũ bảo hiểm và ngồi ở phía sau có người lớn giữ. Không nên để trẻ em ngồi phía trước xe, dễ bị lạnh và viêm nhiễm đường hô hấp.

3. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng.

Trẻ em cần được ăn uống đầy đủ, nhất là những trẻ còn trong độ tuổi bú mẹ. Thức ăn sau khi chế biến nên ăn ngay, hoặc đun nóng lại trước khi ăn. Thức ăn cần có đủ bốn nhóm thực phẩm, đủ chất bổ dưỡng để cung cấp năng lượng cho cơ thể chống rét. Mùa đông không khí thường khô, kèm theo có gió dễ gây mất nước cho cơ thể. Người lớn cần chủ động cho trẻ uống nước chứ không chờ trẻ đòi uống.

 

4. Giữ gìn vệ sinh.

Cần che chắn khi ho, hắt hơi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang… để không lây bệnh sang các thành viên khác. Vệ sinh sạch sẽ những vật dụng mà trẻ hay tiếp xúc, phơi khô ráo… Đặc biệt giữ vệ sinh phòng ngủ cho bé, không nên dùng tấm trải sàn. Hãy chú ý tới những tủ sách lâu năm trong gia đình dễ khiến trẻ hít phải bụi, mốc từ sách mà bị viêm mũi dị ứng, lên cơn hen cấp tính phải nhập việc. Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ lớn có ý thức giữ vệ sinh chung, phòng tránh hiện tượng nhiễm chéo bệnh ngay trong cùng một gia đình.

5. Nhập viện khi có dấu hiệu nhiễm bệnh.

Khi phát hiện có dấu hiệu: ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt... cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để khám, phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Không nên tự động mua thuốc về điều trị tại nhà. Như vậy rất nguy hiểm vì có thể thuốc dùng không đúng bệnh, không đúng liều, làm cho bệnh không khỏi, kéo dài, hoặc đưa đến tình trạng vi khuẩn kháng thuốc, sau này rất khó khăn cho việc chữa trị. Khi đã điều trị cần thực hiện đúng chỉ dẫn của thầy thuốc. Không nên tự động bỏ thuốc, thay thuốc khi thấy trẻ đã đỡ bệnh.

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang