Phỏng vấn Vân Trang sau gần 20 ngày sinh đôi: Đau đớn sau sinh tới mức không thể nào chăm được con, nhưng so với nghén thì vẫn chẳng là gì

May mắn luôn có hai mẹ ở bên cạnh chăm sóc mình và các con', Vân Trang chia sẻ.

Xin chúc mừng Vân Trang đã lên chức “bà mẹ bỉm sữa" lần 2. Hiện tại sức khoẻ của Vân Trang và 2 bé thế nào?

Cảm ơn mọi người, hiện tại, bé cũng được hơn 20 ngày tuổi rồi nên sức khỏe của mẹ cũng ổn hơn rất nhiều. Vết mổ cũng không còn đau nữa. Trộm vía, bé nhà mình cũng ăn no ngủ khỏe cho nên mẹ với gia đình cũng đỡ cực. Tuy nhiên chăm hai đứa không giống như mình tưởng tượng, vất vả hơn nhiều.

Mới đây, bệnh viện nơi Vân Trang sinh con cũng đã tiết lộ hành trình sinh đẻ khá căng thẳng với nhiều nguy cơ phải cẩn trọng. Bạn có thể chia sẻ rõ hơn về câu chuyện đi sinh của mình được không?

Có thể nói, từ nhỏ tới lớn cũng giống như nhiều cô gái mơ mộng là sau này mình sẽ có 1 cặp sinh đôi thật dễ thương, khỏe mạnh, xinh xắn và mình cũng không nghĩ rằng nó sẽ thành hiện thực. Nhưng bây giờ, khi ngắm hai thiên thần nhỏ thì mình mới biết được rằng mình cũng có một cặp sinh đôi vô cùng đáng yêu. 

Lúc mang thai, đối với tôi thì những trải nghiệm nào cũng mới mẻ hết. Lần đầu mang thai bé Nì thì vô cùng mới mẻ, đến lần mang thai thứ hai cũng không có gì quen thuộc hết vì mình mang thai tới hai bé liền. 

Tất cả mọi thứ diễn ra trong cơ thể mình đều tăng lên gấp đôi hết, nghén cũng nghén gấp đôi nên rất là mệt. Sau đó, nó cũng nặng nề hơn rất nhiều, trước mang thai bé Nì thôi thì mình thấy con có không gian rất rộng rãi, khi có bầu hai bé thì cực kì nặng nề luôn. 

Khi ở tháng thứ 5,6 thì ai cũng nghĩ bà bầu gần vỡ chum rồi luôn ấy. Tháng cuối thai kì thì gần như không ngủ được luôn, bé nào cũng đạp ấy. Đó là lúc mang thai ấy, còn khi mình đi sinh, thì mình đã có sự chuẩn bị trước vì bình thường song thai các mẹ đều phải sinh mổ.

Phỏng vấn
 

Thì sinh mổ nên mình đã chuẩn bị hết tinh thần, ngày giờ nào mình sẽ vào cấp cứu. Mình chuẩn bị đồ đạc xong hết, tất cả mọi thứ nhưng vẫn rất hồi hộp. Không giống như sinh thường ở lần đầu, lần này mình phải tự quyết định cho bé ra cho nên cái cảm giác chờ đợi đến ngày đó cũng lạ lẫm lắm. 

Chỉ nói về cái cảm giác trong phòng cấp cứu thôi, vì mình giảm tiểu cầu nên sẽ gây mê chứ không gây tê. Chính vì thế, khi chờ để chụp thuốc mê thì cảm giác rất là sợ, lo lắng. Cái cảm giác nghe bác sĩ nói về tình trạng của mình, rồi chỉ còn vài phút nữa là gặp con thì rất lẫn lộn, vừa lo lắng vừa vui mừng.

Ở trường hợp của mình là tình trạng giảm tiểu cầu ấy, nhưng bản thân luôn tự vấn bản thân phải tích cực, yêu đời không hoang mang về tình trạng đó. Tại vì còn nhiều người thân bên cạnh mình, và mình đặt niềm tin vào người bác sĩ. Mình không nghĩ đến tình huống xấu nhất, và cuối cùng rất may mắn là mọi thứ diễn ra rất suôn sẻ, mẹ tròn con vuông, tôi cũng bình phục rất là nhanh, bé khá là ngoan nên đến thời điểm hiện tại.

Vân Trang từng chia sẻ bạn nghén rất nặng trong lần mang thai này. Đó có lẽ là khoảng thời gian khá khó khăn với bạn?

Nói chung là ở 2 lần mang thai, lần 1 bé Nì là 3,7 kí; lần sau hai bé sinh đôi là 2,8 kí thì việc đau khi sinh, sự hồi hộp lo lắng, việc đau vết mổ sau hồi phục,…tất cả đều có thể chịu đựng được hết. 

Tuy nhiên mình sợ nhất là nghén vì nó vượt qua sức chịu đựng của mình. Nói nôm na thì cái nghén của mình là không ăn sẽ ói chứ không phải ăn vào thì ói. Nên cứ 3 tiếng mình phải ăn một lần để dạ dày lúc nào cũng đầy, cái cảm giác nghén của mình là bủn rủn chân tay y chang người bị trúng thực nặng vậy đó. 

Phỏng vấn
 

Đợt bé Nì thì nghén mình đã sợ rồi nhưng lần mang thai đôi nó nghén còn gấp 3,4 lần thấy sợ nữa. Mình nghén không thấy ánh mặt trời luôn ấy, cứ nằm trên giường không xuống nổi luôn nên mình sợ giai đoạn nghén còn hơn cả giai đoạn mang nặng đẻ đau.

Mang thai và sinh con trong mùa dịch đồng nghĩa với việc người mẹ phải đối diện với nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, Trang đã chuẩn bị gì cho hành trình mang thai và sinh con trong tình hình dịch bệnh như vậy?

Trang cũng chia sẻ là, kế hoạch sinh con của mình với ông xã là năm 2020 chứ không phải là 2021. Tuy nhiên, năm 2020 thì mọi người thấy rằng tình hình dịch rất là nguy hiểm, thời đầu dịch nên vợ chồng mới nán lại. 

Nhưng đến năm 2021, tình hình dịch dã lại càng căng thẳng hơn nhưng vợ chồng vẫn quyết định sinh con. 

Trong thời gian mình mang bầu, ba của bé cũng rất kỹ lưỡng trong chăm sóc bà bầu, không có đi làm luôn chỉ làm tại nhà thôi, tránh tiếp xúc ít nhất với người bên ngoài để bảo vệ được sức khỏe của mình. Cái khó là trong thời gian đó các phòng khám không hoạt động nên mình phải vào khám trong bệnh viện luôn. Đây là thời điểm thiên tai dịch bệnh mà mình chưa bao giờ lường trước.

Thật ra, trong thời gian qua có nhiều bà bầu bị nhiễm covid ấy, mình không dám đọc luôn để tinh thần của mình tích cực nhất có thể, để tinh thần không nghĩ đến những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Nói chung là, mình cũng cầu trời thôi, cầu sao cho tình hình dịch bệnh nó bớt đi, và mọi người được chích vacxin hết. Lúc đó mình đi sinh cũng sẽ đỡ lo lắng hơn vì khi vào bệnh viện mình sẽ tiếp xúc với nhiều người. Rồi nếu như tình hình dịch còn căng thì sẽ hạn chế người thăm nuôi mà mình thì sinh mổ, lại sinh đôi nữa sẽ có rất nhiều cái phải lo luôn. May mắn sao mọi thứ cũng ổn, không có nguy hiểm gì cho mẹ và con hết.

Việc giãn cách thời gian dài khiến khá nhiều người cảm thấy bị bức bách thậm chí là stress. Và chắc chắn rằng với những người phụ nữ mang thai còn ảnh hưởng nhiều tới tâm trạng. Bạn giải toả điều này như thế nào?

Khi mình mang thai bé Nì, vì lần đầu tiên không dám đi đâu, không dám làm gì tại vì sợ ảnh hưởng đến cái thai vì mình không biết phải chăm sóc cái thai như thế nào nên lúc đó chỉ có ở nhà không thôi, đi nhẹ nói khẽ cười duyên. Không dám đi đâu hết, không dám tụ tập bạn bè. 

Thế nên mình nghĩ là nếu mình mang thai lần hai mình sẽ đi ra ngoài nhiều hơn, tám chuyện với bạn bè để mình không ủ rũ như lần đầu tiên. Tuy nhiên đến lần mang thai thứ hai còn kinh khủng hơn nữa vì mình không được đi đâu, không gặp ai cũng không ai đến nhà mình luôn nên đúng là một khoảng thời gian khá là bức bách ấy. 

Cho nên là Trang nhớ đợt khoảng gần 8 tháng ấy, lúc đó mới nới lỏng giãn cách xã hội, không còn giới nghiêm sau 18 giờ nữa thì ông xã có chở đi lòng vòng thành phố ấy. Lúc này rất muốn đi xe máy để hưởng cái không khí của Sài Gòn. Mọi người cách ly xã hội 4 tháng đúng không, nhưng riêng Trang đã ở nhà 6,7 tháng luôn; nghén vừa mới xong thì giãn cách xã hội. Cho nên sau khi đi một vòng quanh Sài Gòn, mua cho mình 1 ly rau má thì ông xã chở thẳng về nhà.

Về nhà xong thì chờ đến ngày sinh thôi. 

Mình không nghĩ cái thai kì lần này của mình lại buồn đến vậy. Tuy nhiên Trang có một cái khác để giải khuây đó là thời gian này bé Nì cũng không có đi học nên mình ở nhà vẽ tranh với con, chơi các trò chơi dân gian xem như bù đắp lại cho bé.

Suốt ngày hai mẹ con cứ ôm lấy nhau, ăn chơi rồi ngủ, thức dậy lại ăn chơi rồi ngủ tiếp, nói chung là nhờ có bé Nì thủ thỉ với mẹ nên cái thai kì thấy cũng trôi qua nhanh, cũng không có chán lắm.

Phỏng vấn
 

Mặc dù đã có kinh nghiệm từ lần sinh nở đầu tiên nhưng sinh đôi có lẽ không phải là câu chuyện đơn giản với các bà mẹ, đặc biệt là chuyện chăm sóc con sau sinh. Vân Trang có sự hỗ trợ từ phía nội ngoại hay phải nhờ cậy tới các dịch vụ chăm sóc?

Thật ra ở lần sinh đôi này, luôn có bà nội với bà ngoại túc trực chăm cho hai bé. Lần đầu sinh thường thì mình hồi phục rất là nhanh, chỉ sau 2 ngày thôi nhưng với lần sinh mổ này thì kinh khủng lắm. Đi sinh thì nó không đau nhưng sau khi sinh rồi thì nó đau kinh khủng. Từ khi ở bệnh viện về nhà, thì rất là đau. 

Ở bệnh viện thì có giảm đau ấy, nhưng về nhà mình phải kích sữa cho bé nên phải uống nước nhiều, bài tiết nhiều mà mỗi lần phải xuống giường đi vệ sinh thì rất là đau luôn. 

Hiện tại bây giờ có thể chăm con được rồi, nhưng mang thai đôi thì mẹ sẽ yếu hơn, lại phải kích sữa cho bé, hút sữa theo nhu cầu của con nữa nên Vân Trang cứ tầm 3 tiếng phải hút 1 lần, 1 đêm phải hút 2-3 lần. Cho nên sức khỏe của mình cũng còn yếu, và còn trong tháng nữa nên phải nhờ nội ngoại chăm bé. 

Rất may mắn là có 2 bà luôn ở bên cạnh, các bà còn chăm cháu kĩ hơn cả mình vì đã từng chăm mình, chăm em của mình và chăm bé đầu nữa nên kinh nghiệm rất là dày dặn luôn. Hiện tại Vân Trang không có nhờ dịch vụ chăm sóc vì tình hình dịch bệnh vẫn rất nghiêm trọng nên mình không muốn người lạ tiếp xúc. Nên thôi, nhà mình có gì thì dùng nấy.

Phỏng vấn
 

Còn ông xã Hữu Châu thì sao, có hỗ trợ bạn trong việc chăm sóc con không?

Bây giờ tình hình dịch bệnh đã đỡ rồi nên ông xã cũng phải đi làm cả ngày nhưng mà về bé Nì ấy, ba luôn chăm cho bé Nì hết để mẹ và bà chăm sóc em.

Giai đoạn sau sinh đối với một người sản phụ có lẽ là giai đoạn vô cùng quan trọng. Không chỉ cần quan tâm về vấn đề sức khoẻ thể chất mà còn đặc biệt về tinh thần. Vân Trang có bị stress hay căng thẳng sau sinh không?

Lần thứ hai này, tinh thần của mình thoải mái hơn nhiều so với lần mang thai bé Nì ấy. Lần đầu tiên cái gì cũng mới hết, cầu toàn quá nên có lúc mình cảm thấy rất stress và căng thẳng nhưng với hai bé sau mình cảm thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều, có thể vì mình đã có kinh nghiệm rồi mình không có cảm thấy căng thẳng gì hết, chỉ có quan tâm vấn đề là làm sao để sữa về nhiều hơn cho con thôi. 

Với bản thân em, em vẫn muốn chăm con bằng sữa mẹ chứ không muốn con bú sữa ngoài. Thế nên lần sinh bé Nì, mình bị căng thẳng nhiều về vấn đề sữa về cho con ấy, nhưng lần thứ hai này mình có kinh nghiệm rồi nên mình không bị stress nữa bởi vì khi bị stress thì sẽ không có sữa, không chăm con tốt hơn nên mình cứ thoải mái đi, có bà nội bà ngoại rồi. 

Trong 10 ngày sau mổ ấy, mình có muốn chăm bé mình cũng không làm được nữa nên mình cứ thoải mái đi, để cho mọi thứ tự nhiên. Bởi vì chăm con là chăm cả đời mà.

Phỏng vấn
 

Người ta nói rằng con đầu thường rất hay nhạy cảm khi mẹ sinh thêm em vì dễ có cảm xúc ba mẹ yêu thương em hơn. Còn bé Queenie thì sao, cô bé đón nhận thông tin có thêm 2 như thế nào?

Trường hợp này thì mình có đọc qua nhiều, có trường hợp còn ghét em mình luôn, không nhìn mặt em mình. Có rất nhiều trường hợp xảy ra luôn nên mình có chuẩn bị hết tinh thần, nói chuyện với ba của bé và cả gia đình nữa, thậm chí là cả những người bạn tới thăm. Mình sẽ không bao giờ để bé Nì rơi vào hoàn cảnh như vậy, mình sẽ không bao giờ ở bên cạnh em mà buông ra một lời nào khiến bé Nì có cảm giác không tốt về em mình ngay từ khi hai bé còn nằm trong bụng.

Khi mà mình có bầu ấy, mình luôn nói với bé là con phải thương hai em và hai em rất là thương con, hai em rất là nghe lời con. Mình luôn vừa nói chuyện với hai bé trong bụng vừa nói chuyện với bé Nì giống như mình là người ở giữa truyền tín hiệu cho hai bên ấy. Em thường nói là "con hãy nói chuyện với hai em rồi hai em trả lời lại mẹ sẽ nói lại cho con nghe", mình luôn nói "hai em rất là thương chị, tự hào về chị. Nói chung là để cho bé gắn kết với em ngay từ trong bụng mẹ luôn".

Bé Nì rất là thương em, luôn chờ đợi em ra đời để chơi với em. Mẹ vẫn thường hay nói là "Sau này chỉ có mấy chị em trên cuộc đời này với nhau nên các chị em phải thương yêu nhau". Bé hay hỏi là " em có thương con không mẹ, mẹ có thương con không, tại sao mình phải thương yêu nhau?" thì mình trả lời bé là "bởi vì mình là máu mủ ruột thịt của nhau". 

Bây giờ nhiều khi mình còn thương con hơn vì mình không còn nhiều thời gian để chơi với con, bé ngồi chơi một mình, bé rất thích chơi đóng vai, chơi nhà tròi thì mình ôm bé và nói là "thôi con ráng lên, để các em lớn lên một chút xíu nữa là mấy chị em chơi với nhau sẽ rất là vui". Nì cưng em lắm, hôm nào cũng đến thăm em, nựng em " sao em của con cưng quá vậy nè, dễ thương quá vậy nè". 

Nhiều hôm bà và mẹ bận ấy, bé còn đến chăm hai bé "chị Hai thương em nè" là hai bé im re luôn. Đáng yêu lắm. Tại vì hai bé được nghe giọng chị hai từ trong bụng mẹ nên nghe thấy giọng chị hai cái là nín luôn.

 
 

Được biết bạn vẫn giữ kín thông tin về giới tính của các con. Có lý do nào cho việc này không?

Thật ra là mình chưa bao giờ giấu, khi em up thông tin sau sinh lên có kèm thêm hai cái tên là … thì mọi người đọc thông tin là biết hai bé gái rồi. Bé trai không có cái tên này được. Hai bé sinh đôi mà, mình nghĩ là hai bé trai thì không có dễ thương như hai bé gái đâu, sau này mặc đồ đôi rồi, rất nhiều cái đầm để diện nữa. Bây giờ thấy cái gì phải có size của chị hai và hai bé mới mua.

Bên cạnh hoạt động nghệ thuật, Vân Trang khá bận rộn với công việc kinh doanh. Hiện tại “bà mẹ bỉm sữa" sẽ phải sắp xếp thời gian thế nào để chăm sóc 3 con và quán xuyến công việc của mình?

Hoạt động nghệ thuật thì tạm thời Vân Trang đang ngưng lại, lui về vài năm. Hoạt động nghệ thuật thì mình sẽ chờ đợi cái duyên để quay lại.

Và hiện tại thì sân khấu kịch vẫn chưa mở cửa, hiện tại Vân Trang còn hai tác phẩm điện ảnh là "Dân chơi không sợ con rơi" và "Ma gần nhà" thì hi vọng sẽ hội ngộ với khán giả trong năm sau khi dịch bệnh bớt căng thẳng đi.

 Còn về công việc kinh doanh thì chuỗi chi nhánh spa của Trang cũng đã mở cửa trở lại rồi. Nếu không có gia đình thì mình không biết phải làm sao nữa, hiện tại em trai đang phụ mình tiếp quản công việc kinh doanh ở 3 cái spa. 

Nếu không có gia đình to bự như vậy thì mình không biết phải làm gì nữa. Cho đến hiện tại thì mọi việc vẫn rất ổn, nhưng việc ưu tiên của mình là chăm sóc ba bé một cách chu toàn nhất, là điều quan tâm lớn nhất của mình.

Xin cảm ơn những chia sẻ của Vân Trang!

 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang