Vừa khai giảng được 2 ngày, cô con gái học lớp 7 mang về cho mẹ Nguyễn Lan Phương (39 tuổi, Ngọc Thuỵ, Long Biên, Hà Nội) tờ giấy thông báo một số khoản đóng góp tự nguyện đầu năm học 2022 - 2023. Giấy thông báo không ghi đích danh tên trường và giáo viên chủ nhiệm lớp, mà chỉ ghi ban đại diện cha mẹ học sinh vận động phụ huynh đóng góp, kèm số điện thoại liên lạc của trưởng và phó ban phụ huynh.
Đọc xong thông báo chị Lan Phương chỉ biết thở dài ngao ngán. "Đầu năm học nào cũng vậy, các khoản đóng góp tự nguyện dài cả trang giấy. Từ tiền nước uống, tiền thuê người làm vệ sinh lớp hằng ngày, thuê người vệ sinh lao động công ích, tiền tổ chức hoạt động vui chơi, dã ngoại (Tết Trung thu, ngày 20/10, Tết cổ truyền, ngày 8/3...). Thậm chí cả những khoản tiền thuộc về cơ sở vật chất trường lớp như thay rèm cửa, đổi màu sơn lớp học cũng được đưa vào danh sách vận động phụ huynh đóng góp", chị nói.
Theo phụ huynh này, các khoản thu đều được xé nhỏ, nếu tính riêng lẻ thì không đáng bao nhiêu, có điều khi cộng lại thì phải rút ví ra gần 4 triệu đồng cho 13 khoản tiền khác nhau, chưa kể tiền ăn, tiền học hai buổi/ngày, tiền chăm sóc bán trú, đồng phục...
"Cũng may, mới một con đi học nên hai vợ chồng đủ điều kiện đóng góp các khoản trên. Tuy nhiên, việc này không hề vui vẻ hay tự nguyện như tên gọi mà trong tâm lý không mấy thoải mái. Nhiều khi tôi cũng định thắc mắc hay phản đối các khoản thu vô lý, nhưng rồi chồng lại can vì sợ ánh mắt rèm pha, kỳ thị của các phụ huynh trong lớp, ảnh hưởng đến con", chị Lan Phương ngậm ngùi.
Chị Trần Thị Ngọc Diệp (42 tuổi, Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đau đầu mỗi khi năm học mới đến. Năm nay, con trai vào lớp 10, con nhỏ lớp 6, cả hai đều đầu cấp học nên các khoản tiền tăng lên gấp 3 - 4 lần so với năm học trước.
Vừa mới vào học, trường cùng ban phụ huynh kêu gọi mỗi em đóng góp 1,5 triệu đồng để lắp đặt điều hòa, máy chiếu, ti vi, may rèm cửa sổ... Khoản tiền này được ban phụ huynh thu như khoản tự nguyện, nhưng lại kèm theo điều kiện không thể từ chối như "chỉ cần một phụ huynh trong lớp không đóng, nhà trường sẽ bố trí phòng học riêng cố định cho lớp trong năm năm".
Ngay cả khoản tiền nhỏ như tiền nước uống tinh khiết tại trường cũng có nhiều điều đáng bàn, ngoài tiền mua nước tinh khiết, ban phụ huynh còn yêu cầu phải đóng thêm tiền để mua cây đun nước. Tính sơ sơ chị Diệp tốn hơn 5 triệu cho mỗi đứa con khi vừa bước vào năm học mới.
Các khoản trên chỉ là tiền đóng góp trên tinh thần tự nguyện, chưa gồm tiền sách vở, đồng phục, tiền học thêm, bảo hiểm y tế..., chị Diệp và chồng dự tính sẽ phải mất thêm khoảng 6 - 8 triệu đồng nữa cho các khoản còn lại.
Chị nhớ năm ngoái, sau buổi họp phụ huynh chị phải đóng cho mỗi con hơn 500.000 đồng quỹ cha mẹ (cho một học kỳ), 500.000 đồng tiền xây dựng trường, hơn 300.000 tiền bảo hiểm y tế và bảo hiểm thân thể, rồi các khoản lặt vặt khác như số liên lạc, phù hiệu học sinh, tiền thuê lao công quét dọn trường...
Để chuẩn bị cho hai con đến trường đầu năm học mới 2022 - 2023, hơn tháng nay chị Trần Thị Thương Huyền, (40 tuổi, Đông Tác, Hà Nội) không dám tiêu hoang một đồng nào, ngay cả tiền thưởng nghỉ lễ 2/9, tiền quà trung thu của cơ quan cho con cũng được mẹ tạm thu. Lý do chị thắt chặt chi tiêu của cả gia đình là nhờ rút kinh nghiệm từ các năm học trước, các khoản đóng góp ở trường của hai con rất tốn kém.
Hai đứa con hết 1,4 triệu tiền đồng phục, gồm mỗi đứa một cái áo khoác mùa đông, hai cái sơ mi, con trai thì hai cái quần, con gái hai jupe, một bộ đồng phục thể thao. "Việc mua dồn một lúc khiến tôi thật khó xoay xở, trong khi trường chỉ bán đồng phục vào đầu năm học mà thôi", chị nói.
Bên cạnh đó là chi phí sách giáo khoa, vở, đồ dùng học tập như bút, hộp bút, thước, bộ thực hành toán... hết tổng cộng hơn một triệu. Cậu anh tính cẩu thả, hết năm học đã phá hết đồ dùng học tập nên năm nào cũng phải mua đồ mới. Sách giáo khoa cuối năm cũng hỏng nên cô em không thể dùng lại được sách của anh. Thậm chí chị Huyền phải vay tiền bố mẹ để lo đủ cho con các khoản cần chi tiêu đầu năm học.
Theo quy định, các trường không được thu các khoản tiền "tự nguyện", cho nên phần việc này thường được dành cho ban phụ huynh lớp. Cùng với đó là các khoản tiền khác mang tính "xã hội hóa" giáo dục cũng được thu dồn vào thời điểm đầu năm. Việc này trở thành gánh nặng lớn cho phụ huynh. Dù rất bức xúc nhưng hầu hết phụ huynh đều chọn cách im lặng và đóng tiền, không muốn làm to chuyện ảnh hưởng đến việc học của con ở lớp.
Bộ GD&ĐT quy định những khoản tiền Ban phụ huynh không được phép thu, gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh trường, lớp; khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh. Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất...
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.