Được học tập tại trường THPT chuyên là mơ ước của nhiều học sinh. Thực tế, việc thi đỗ vào các trường này không hề đơn giản bởi các em sẽ phải đối diện với tỉ lệ chọi cao ngất ngưởng.
Vậy nên mới đây, một bà mẹ ở Hà Nội chia sẻ việc “hối hận khi cho con vào trường chuyên” đã thu hút nhiều sự chú ý và cả tranh luận trái chiều. Bà mẹ này thắc mắc: “Tại sao phụ huynh muốn con vào trường chuyên vậy mọi người? Con em đang học chuyên mà em thấy hối hận các bác ạ”.
Không phủ nhận mặt tích cực…
Về mặt tích cực, bà mẹ này vẫn đánh giá con đỗ vào chuyên hầu hết rất ngoan và có ý thức nên trên lớp không có tình trạng nói chuyện, mất trật tự hay vô tổ chức.
Trong lớp các con khá chủ động, chủ động học, chủ động tham gia các hoạt động chung, thể hiện cá nhân cao. Cấp 3 trường chuyên cách quản lý học sinh của giáo viên chủ nhiệm cũng thoải mái, "thả" hơn rất nhiều.
Con chị lúc đầu cũng bỡ ngỡ rồi quen và chủ động thích nghi, con biết cách hoà đồng với tập thể. Con được tiếp xúc với kiến thức chuyên, có những kiến thức ngang tầm đại học, con hiểu sâu hơn.
… Nhưng vẫn hối hận vì những lý do này
Theo bà mẹ này, vì học chuyên nên con học lệch, tập trung vào môn chuyên. Điều này chỉ phù hợp với các con có ý định ôn thi HSG. Con chị tiếng Anh cuối cấp 2 band 5.5 IELTS, nhưng 1 học kỳ lớp 10 là giậm chân tại chỗ vì tiếng Anh trên trường không đủ giúp con lên trình. Con lại không học chuyên Anh.
Nếu không có ý định thi HSG, con phải chủ động học các môn tổ hợp thi đại học để bổ sung, mất thời gian, dễ rơi vào tình trạng đẽo cày giữa đường.
“Em thuộc tuýp phụ huynh không muốn con cày cuốc điểm số, lựa chọn vào chuyên là của con, gia đình chỉ hỗ trợ, nên các bố mẹ nào muốn con thi chuyên thì cân nhắc.
Cũng có phụ huynh bảo không việc gì phải hối hận vì nếu con yêu học, thích học và là lựa chọn của con. Em đồng ý, con em thì chưa hối hận đâu, chỉ là em trải qua rồi, có rất nhiều con đường dẫn tới đích, đường nào mình thấy dễ thì mình đi, tội gì cứ phải leo dốc”, chị nói.
Phụ huynh tranh luận
Quan điểm của bà mẹ này nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Có phụ huynh đồng tình cho rằng, mục đích cuối cùng nhà họ cũng chỉ muốn con vào được đại học top đầu. Điều đó yêu cầu phải học đều cả 3 môn, như khi thi vào Chuyên Sở. Còn thi được vào chuyên cấp 3, nếu cứ ở mức giữa giữa của lớp, không vào được đội tuyển, hoặc vào mà không đạt được giải thì cũng mất quá nhiều time cày cuốc cho môn chuyên. 2 môn còn lại liệu có đạt được điểm cao không để vào ĐH top đầu.
“Thực tế chuyên mà không thực lực thì không nên vào, con mình vừa vào chuyên 2k8. Hết kỳ 1 thì đã qua 3 lần lọc tuyển để được học môn chuyên. Lần 1 loại môn chuyên điểm đầu vào dưới 6,4. Lớp còn 20/40. Tiếp tục thi loại lần 1. Vừa xong thi loại lần 2. Giờ đc học chuyên chỉ còn hơn 10 bạn. Các bạn còn lại trong lớp sẽ không học môn chuyên đến hết cấp 3. Các bạn còn lại qua vài vòng loại nữa”, một phụ huynh nói.
Tuy nhiên cũng có ý kiến phản biện, con mình cả 2 con đều học chuyên nhưng chưa bao giờ hối hận, thậm chí còn đang nghĩ nếu có thể được thì đến cháu cũng định hướng học chuyên.
“Mình không thấy con học lệch vì môn Toán chuyên ngữ khó, các môn học, cả môn chuyên Anh, các con tìm hiểu và học như sinh viên đại học. Chuyên khuyến khích tinh thần tự học, hướng như sinh viên đại học, cảm tưởng con trưởng thành, tự lập có chí hướng sớm hơn. Môn nào cũng thấy học nghiêm túc, con mình tự chọn thi chuyên, gia đình không định hướng.
Con mình theo bạn đăng ký thi, đi thi cũng thấy phấn khởi, tuy học nhiều nhưng mình nghĩ trường nào cũng học như vậy. Con tự chọn, tự thích theo ý con. Mình thích con trưởng thành trong suy nghĩ, hành động sớm hơn một chút so với tuổi, nhưng trước sau gì các con chẳng tự quyết định tương lai”, phụ huynh khác nêu ý kiến.
Nhiều người gợi ý, nếu thấy không phù hợp, phụ huynh có thể chuyển con sang trường thường:
“Nghe có vẻ bạn hối hận vì môn tiếng Anh không được tăng cường. Thực ra tiếng Anh quan trọng nên học chuyên hay không chuyên thì cũng nên đầu tư thời gian cho môn này. Mình nghĩ đã thi được chuyên (nhất là cấp 3 tại HN) thì Toán, Văn, Anh con đã học tốt + môn chuyên con học tốt nhất mà thôi. Không thích thì cho con chuyển trường công thôi, từ trường công chuyển vào chuyên mới khó thôi”.
Nói về vấn đề trường chuyên lớp chọn, một cô giáo ở Hà Nội cho rằng: Trường CLC là dành cho các bạn có tố chất đặc biệt, như đúng tên gọi của nó: "for gifted pupils" (trường cho học sinh giỏi/tài năng). Nếu con chúng ta học không xuất sắc đến thế, đừng cố, khổ con và khổ bố mẹ.
Nếu con phải học 1 ngày 8, 9 tiếng, không còn thời gian tập thể thao hay giải trí, thì có nghĩa là con không thích hợp với trường chuyên lớp chọn. Thay vào đó, hãy cho con rèn luyện những gì con mạnh nhất. Con học chưa giỏi, không có nghĩa là con sẽ kém. Đường dài mới biết ngựa hay, các trường chuyên chỉ là 1 trong số rất nhiều con đường dẫn đến thành công.
"Khi ai đó hỏi "Có muốn cho con đỗ trường chuyên không", mình không thể trả lời. Mình rất muốn, nhưng còn tùy tố chất của con. Dù mình là người đồng hành cùng hàng nghìn học sinh trên khắp cả nước ôn thi vào cấp 2 cấp 3 trường chuyên chọn.
Là 1 người mẹ, mình muốn con mình luôn tự tin ở bản thân, phát huy được mọi khả năng mà con có, dù đó có là khả năng gì đi chăng nữa. Nếu con là cá, mình không muốn bắt nó leo cây, mà muốn tìm môi trường nước cho con vùng vẫy.
Mình muốn được là 1 bà mẹ tận hưởng cảm giác hạnh phúc khi nuôi con, giúp con nâng cao khả năng của mình trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Con cần có những ước mơ, con cần có bản lĩnh, con cần cố gắng vượt qua giới hạn đang có của bản thân nhưng không nhất thiết phải đỗ vào trường chuyên lớp chọn, lớp tài năng. Nếu đã cố gắng hết sức, chúng ta vẫn vô cùng happy với những lựa chọn và những ngôi trường hạnh phúc tuyệt vời khác", cô giáo chia sẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.