Hormone là thứ chi phối gần như hoàn toàn cơ thể chúng ta: Nó vừa tác động đến sinh lý, cũng vừa ảnh hưởng đến tâm lý.
Đối với phụ nữ, nội tiết tố estrogen đóng một vai trò rất quan trọng ngay từ khi bước vào tuổi dậy cho đến khi mãn kinh. Phụ nữ thường bước vào thời kỳ mãn kinh trong khoảng 50 tuổi, đây là lúc quá trình sản xuất estrogen bị chậm lại.
Tuy nhiên vẫn có không ít phụ nữ mãn kinh muộn hơn. Theo bác sĩ Bandita Sinha (chuyên gia tư vấn phụ khoa), nguyên nhân gây mãn kinh muộn ở chị em có thể là do di truyền, do các bệnh tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp hoặc các bệnh tuyến giáp, do dị tật nhiễm sắc thể. Hoặc các yếu tố khác như béo phì, buồng trứng đa nang, nghiện hút thuốc, chỉ số BMI thấp... cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của buồng trứng và làm thay đổi nội tiết tố.
Nhiều người cho rằng phụ nữ mãn kinh càng muộn sẽ càng trẻ lâu, nhưng thực tế không phải vậy. Phụ nữ mãn kinh quá muộn (sau tuổi 55) dễ gặp phải một số tình trạng sức khỏe dưới đây.
3 vấn đề sức khỏe mà phụ nữ mãn kinh muộn có thể phải đối mặt
1. Ung thư vú
Tiến sĩ Rucha Kaushik (bác sĩ phẫu thuật ung thư vú, bệnh viện PD Hinduja) cho biết: Mãn kinh muộn là một dấu hiệu cho thấy buồng trứng vẫn đang tiết ra estrogen.
Estrogen là một hormone sinh sản nữ, chúng có rất nhiều chức năng bao gồm cả việc kích thích sự phát triển của các tế bào vú. Việc tiếp xúc lâu dài với estrogen có những nguy cơ riêng, trong đó có nguy cơ cao hình thành ung thư vú thụ thể nội tiết (ER và/hoặc PR).
Nếu ung thư của bạn có một hoặc cả hai thụ thể nội tiết này, thì các thuốc liệu pháp nội tiết có thể được sử dụng để làm giảm mức độ estrogen hoặc ngăn chặn estrogen hoạt động trên các tế bào ung thư tuyến vú.
2. Ung thư nội mạc tử cung
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2013 đã chỉ ra rằng ung thư nội mạc tử cung có mối liên quan trực tiếp với thời gian mãn kinh muộn. Sử dụng estrogen trong thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
Người da trắng có tỷ lệ mắc ung thư nội mạc tử cung cao hơn phụ nữ châu Phi hoặc châu Á. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phụ nữ béo phì có nguy cơ cao bị ung thư nội mạc tử cung.
3. Ung thư buồng trứng
Nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn ở những người mãn kinh muộn, thường là sau 52 tuổi.
Ngoài ra, những người uống estrogen hoặc sử dụng liệu pháp hormone để làm chậm quá trình mãn kinh, điều trị các triệu chứng rối loạn tiền mãn kinh thì nguy cơ mắc ung thư buồng trứng càng cao. Do đó, trước khi muốn sử dụng các phương pháp này, bạn cần gặp bác sĩ để nhận được tư vấn.
Cuối cùng, phụ nữ mãn kinh muộn có nguy cơ bị mang thai ngoài ý muốn. Đây không phải là một nguy cơ về sức khỏe, nhưng cần lưu ý rằng hành kinh ngoài độ tuổi nhất định (từ 50 tuổi trở lên) có thể làm tăng khả năng mang thai. Do đó ở độ tuổi này, phụ nữ nên chủ động sử dụng các biện pháp tránh thai.
Mang thai ở giai đoạn muộn như vậy có thể gặp nhiều rủi ro và đi kèm với những biến chứng cho cả mẹ và em bé.
5 thay đổi trên cơ thể chứng tỏ phụ nữ sắp mãn kinh:
- Khi sắp mãn kinh, kinh nguyệt của bạn sẽ rất bất thường. Đối với hầu hết phụ nữ sắp mãn kinh, thời gian chu kỳ kinh nguyệt rút ngắn xuống còn khoảng 21 đến 26 ngày và việc trễ kinh là rất phổ biến. Bên cạnh đó, màu sắc kinh nguyệt cũng nhạt dần.
- Một số phụ nữ sẽ khó đi vào giấc ngủ, trong khi những người khác sẽ thức giấc giữa đêm và không thể ngủ trở lại trong nhiều giờ.
- Bạn vẫn ăn uống như ngày trước, vẫn tập luyện như vậy nhưng cân nặng và vòng eo lại hoàn toàn tăng lên. Đó chính là dấu hiệu bạn sắp mãn kinh!
- Có lẽ dấu hiệu mãn kinh phổ biến nhất là bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm, thậm chí nó có thể xuất hiện 10 năm trước khi mãn kinh xảy ra.
- Tình trạng giảm ham muốn tình dục là một dấu hiệu cho thấy bạn có thể sắp mãn kinh.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.