Phụ nữ mang thai có được truyền nước không?

(lamchame.vn) - Truyền nước là phương pháp giúp người bệnh sớm khôi phục sức khỏe và lấy lại năng lượng được nhanh hơn. Vậy đối với chị em phụ nữ đang mang thai thì có được truyền nước không? Cùng tìm hiểu thông tin này trong bài viết sau đây.

Hiểu đúng về việc truyền nước

Truyền nước là biện pháp truyền tĩnh mạch nhỏ giọt những chất có lợi vào cơ thể nhằm hỗ trợ, điều trị bệnh hoặc phục hồi cơ thể. Đây được xem là 1 biện pháp tối ưu cho sức khoẻ và chỉ thực sự có lợi khi chỉ số đạm, đường, muối, các chất điện giải thấp hơn bình thường.
 

 

Các trường hợp được chỉ định truyền nước là khi cơ thể bị mất nước, mất máu, cơ thể bị suy nhược, ngộ độc, trước và sau khi phẫu thuật, khi cấp cứu hoặc khi cần đưa thuốc vào máu.

Tuy nhiên, truyền nước không đúng cách hay việc lạm dụng truyền nước có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc, không ít trường hợp gặp phải tai biến. Với những người đang mệt mà tự ý truyền nước thì điều này có thể dẫn để tử vong. Do đó, cần phải có sự chỉ định của bác sĩ trước khi truyền nước để đảm bảo an toàn.

Bà bầu có nên truyền nước không?

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, bà bầu thường phải đối mặt với những cơn ốm nghén khó chịu. Một số bà bầu gần như không ăn uống gì trong thai kỳ, nôn ói và mất nước. Lúc này, mẹ bầu thường muốn áp dụng biện pháp truyền nước để giúp cơ thể mau chóng hồi phục.

 

Theo các bác sĩ, bà bầu ốm nghén trong thai kỳ là hiện tượng hết sức bình thường và ai cũng trải qua. Nguyên nhân do sự thay đổi nội tiết tố, dinh dưỡng trong cơ thể. Và hiện tượng này sẽ hết sau giai đoạn 3 tháng đầu, do đó bà bầu không cần thiết phải truyền dịch. Đây không phải là cách tối ưu để chữa bệnh hoặc tăng cường sức khỏe cho cơ thể.

Về mặt y khoa, truyền nước biển có thể chia làm 4 loại như sau:

– Thứ nhất: là dịch truyền cung cấp nước, các chất điện giải cho cơ thể trong trường hợp cơ thể bị mất nước, mất chất điện giải. Dung dịch loại này có dung dịch “ngọt” chứa đường glucose, dung dịch “mặn” chứa muối natri clorid hoặc dung dịch chứa nhiều chất điện giải có tên Ringer Lactat.

– Loại thứ 2: là dung dịch tái lập cân bằng kiềm toan trong cơ thể được dùng trường hợp cơ thể bị bệnh hoặc thừa toan hoặc thừa kiềm. Truyền dịch loại này sẽ có tác dụng trung hòa sự thừa toan hay thừa kiềm, như khi người bệnh bị toan huyết, bác sĩ chỉ định tiêm truyền dung dịch kiềm là natri bicarbonat.

– Loại thứ 3: là dịch truyền cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng cho cơ thể được dùng trong trường hợp bệnh nhân bị bệnh không thể ăn qua đường tiêm tĩnh mạch, đây là loại dịch truyền hay bị lạm dụng. Dịch truyền loại này cung cấp các axít amin thiết yếu, các vitamin và chất khoáng, một số chất béo cho bệnh nhân.

– Loại thứ 4: là dạng dịch truyền thay thế máu được sử dụng trong trường hợp người bệnh bị mất máu. Dịch truyền loại này là các dung dịch keo chứa các chất có phần tử lớn như dextran có tác dụng tái lập khối lượng chất lỏng trong máu. Ngoài ra, người ta cần dùng dịch truyền có chứa thuốc như kháng sinh để tiêm truyền trong trường hợp bị nhiễm khuẩn nặng. Bị nhiễm khuẩn nặng nếu dùng kháng sinh dạng uống sẽ không có hiệu quả.

Nếu mẹ bầu không thuộc 1 trong 4 trường hợp kể trên thì không nên tiến hành truyền nước, truyền dịch. Bà bầu truyền nước sai thời điểm, sai bệnh án và sai quy trình sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của mẹ mà còn nguy hiểm cho sự phát triển của thai nhi trong bụng.

Mẹ bầu nếu bị mất sức quá nhiều, không thể ăn uống được trong nhiều ngày, nên đi đến những cơ sở uy tín để được bác sĩ thăm khám và đưa ra lời khuyên tốt nhất.

Lời khuyên của bác sĩ dành cho bà bầu là hãy nghỉ ngơi thật nhiều, ăn những món bạn thích và làm những việc bạn muốn làm. Không cần quá khắt khe về dinh dưỡng trong giai đoạn này, bạn có thể ăn đồ ăn nhanh, uống nước ngọt nếu bạn thích và cảm thấy không bị nôn ói sau khi ăn xong. Mọi thứ sẽ dần bình thường trở lại sau 3 tháng thôi.

Những lưu ý khi truyền nước cho bà bầu

Truyền nước là biện pháp giúp mẹ bầu bổ sung thêm dinh dưỡng vào cơ thể nhưng cũng không nên quá lạm dụng. Nếu thấy bản thân có thể tự cải thiện được thì nên cố gắng, không cần lệ thuộc. Khi truyền nước, mẹ bầu cũng cần phải lưu ý những yêu cầu như sau:

- Chỉ nên truyền dịch khi có sự theo dõi của bác sĩ, dùng loại dịch truyền đúng với tình trạng mẹ đang gặp phải.

- Không nên tùy ý nhờ người khác truyền dịch, không tự ý chọn dịch để truyền và truyền theo số lượng mình muốn.

- Cần hết sức lưu ý những quy tắc y khoa về truyền tiêm để không bị nhiễm trùng, không bị lây nhiễm các bệnh như: HIV/AIDS, viêm gan siêu vi B, C... và một số bệnh khác lây qua đường máu.

- Khi thấy cơ thể có dấu hiệu bất ổn phải liên lạc ngay với bác sĩ để có sự can thiệp kịp thời.

Trên đây là những chia sẻ về nguyên tắc trong việc truyền nước cho bà bầu. Hi vọng những thông tin này đã giúp bạn thêm kiến thức và kĩ năng chăm sóc bản thân và thai nhi trong thời kì mang thai. Chúc bạn luôn khỏe mạnh và mẹ tròn con vuông!

Theo Thành viên diễn đàn lamchame.com tổng hợp

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang