Người Tây Tạng nổi tiếng với tính kiên nhẫn, sự khôn ngoan và thường có những quan điểm độc đáo về mọi khía cạnh trong cuộc sống.
Phương pháp giáo dục trẻ nhỏ của họ cũng được tuân theo các quy tắc vô cùng đặc biệt với mục đích tạo ra những đứa trẻ hạnh phúc .
Họ cho rằng một đứa trẻ tuyệt vời là khi chúng biết đưa ra những quyết định đúng đắn và tôn trọng người lớn cũng như hiểu được giá trị của bản thân mình.
Phương pháp giáo dục của Tây Tạng được chia làm 4 giai đoạn theo lứa tuổi của trẻ. Ở từng giai đoạn, người Tây Tạng lại có những cách giáo dục khác biệt nhằm đạt được mục đích là tạo ra những đứa trẻ tuyệt vời.
Người Tây Tạng dạy con theo giai đoạn bằng những phương pháp vô cùng đặc biệt.
Giai đoạn trước 5 tuổi
Theo quan điểm của người Tây Tạng thì ở giai đoạn này bố mẹ nên nói chuyện với con như "một vị vua hay hoàng hậu".
Nghĩa là không nên cấm cản trẻ làm những điều khác biệt hay trừng phạt vì chúng không may phạm phải sai lầm.
Lý do là vì, đây là độ tuổi mà trẻ vô cùng tò mò và sẵn sàng khám phá thế giới. Ham thích tìm tòi mọi điều là thế nhưng con lại không có bất kỳ trải nghiệm nào trước đó về việc cần phải học hỏi và xử lý mọi việc như thế nào.
Bố mẹ không thể ép trẻ nghiên cứu từ từ và làm tất cả mọi thứ đều đúng trong khuôn khổ.
Vì vậy, nếu con làm sai hoặc gây nguy hiểm, bố mẹ chỉ nên cố gắng chuyển sự chú ý của con sang một thứ khác chứ đừng nên to tiếng, mắng mỏ hay tỏ vẻ giận dữ, sợ hãi.
Cảm xúc là ngôn ngữ chính kết nối trẻ với bố mẹ, chúng có thể không hiểu hết lời nói nhưng sẽ rất nhạy cảm với những cảm xúc mà bố mẹ truyền đến cho con.
Những hành động mang tính bảo vệ và ngăn cấm con thái quá sẽ làm giảm tư duy học hỏi và tinh thần sáng tạo của trẻ. Ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ sau này.
Giai đoạn từ 5 đến 10 tuổi
Khi trẻ bước sang giai đoạn này, bố mẹ cần chuyển cách nói chuyện với con sang chế độ "như một nô lệ" tức là đưa con vào khuôn phép với những quy tắc và hình phạt phù hợp nếu con cố tình làm sai, từ chối lắng nghe bố mẹ.
Đây là thời điểm trẻ bắt đầu củng cố khả năng tư duy logic của mình cũng như hình thành nhân cách trưởng thành. Nên cần uốn nắn đúng lúc để kiến tạo nên những tính cách tốt đẹp cho trẻ trong thời gian này.
Quan điểm giáo dục tại Tây Tạng cho rằng cách nói chuyện với trẻ quyết định tính cách của chúng.
Điều quan trọng khi dạy con trong độ tuổi này là phải đặt ra các mục tiêu khác nhau cho con, kiểm soát cách con đạt được chúng và dạy cho con cách sẵn sàng nhận hậu quả nếu không đạt được mục đích.
Những đứa trẻ ở độ tuổi này cần bắt đầu học cách chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Đừng ngại giao cho con nhiều công việc từ nhỏ đến lớn trong thời gian này, bởi con đã đủ khả năng để có thể xử lý và sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm từ những nhiệm vụ mà bố mẹ giao.
Nếu bố mẹ không chuyển cách đối xử với con từ "vua" sang "nô lệ" trong giai đoạn này, con sẽ mãi là trẻ con, sở hữu những tính cách tiêu cực và không thể chịu trách nhiệm cho bất kỳ hành động nào của mình.
Giai đoạn từ 10 - 15 tuổi
Đến lúc này, bố mẹ đã có thể đổi cách nói chuyện với con "như hai người bình đẳng". Mặc dù bố mẹ có nhiều kinh nghiệm sống và kiến thức hơn con, nhưng đứa trẻ cũng có quyền được nói lên ý kiến, quan điểm của bản thân mình.
Đó là cách để bố mẹ và con gắn kết cũng như thấu hiểu nhau nhiều hơn.
Ở thời điểm này, bố mẹ nên giúp con bằng cách: Nhờ con tư vấn cho những vấn đề mà bố mẹ đang có để con bắt đầu hiểu được cuộc sống trưởng thành là như thế nào và tự rút ra được bài học cho bản thân mình.
Bố mẹ cũng cần khuyến khích con tính độc lập trong hành động hay những quyết định, lựa chọn của con.
Điều quan trọng với trẻ lúc này là đưa ra lời khuyên, chứ không phải yêu cầu hay cấm đoán, bởi vì đây là thời kỳ mà khả năng độc lập tư duy được hình thành và củng cố sâu sắc.
Bố mẹ không nên cấm đoán hay ép buộc con phải đi theo ý kiến của mình, điều này sẽ làm trầm trọng mối quan hệ của bố mẹ và con. Lin
Càng không nên quá bảo vệ con vì sự bảo vệ sẽ khiến con trở thành một người phụ thuộc, không thể quyết định cho cuộc sống của mình.
Giai đoạn trên 15 tuổi
Thời kỳ này, tính cách của đứa trẻ đã được hình thành đầy đủ cả về tư duy lẫn cảm xúc tinh thần.
Hãy coi con là "một người trưởng thành", tôn trọng và đối xử công bằng với con. Bố mẹ có thể đưa ra lời khuyên để giúp đỡ con khi chúng cần nhưng không bao giờ là những bài học thuyết giáo quá nặng nề bởi chúng sẽ khó mà nhập tâm ở lứa tuổi này.
Thông qua bốn giai đoạn phát triển của đứa trẻ, bố mẹ sẽ thấy kết quả của quá trình nuôi dạy vào thời điểm này: một đứa trẻ độc lập, biết tôn trọng cha mẹ cũng như mọi người, biết rõ giá trị bản thân của mình và sẵn sàng trở thành một người lớn có ích cho cuộc đời.
Linkg gốc: http://nhipsongviet.toquoc.vn/phuong-phap-giao-duc-tre-nho-o-tay-tang-1-tuoi-coi-la-vua-5-tuoi-la-no-le-nghe-thi-nguoc-doi-nhung-cang-ngam-cang-thay-dung-22202023683030529.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.