Phương pháp nuôi dạy "để trẻ khóc rồi tự nín" ảnh hưởng tới con như thế nào

(lamchame.vn) - Trong cộng đồng các bậc cha mẹ trong việc nuôi dạy con có hai luồng ý kiến trái chiều về việc "để trẻ khóc rồi tự nín". Nhiều bậc cha mẹ tin rằng, nếu “để mặc cho con khóc” thì đứa trẻ sẽ tự nín mà không cần dỗ dành, đây cũng là cách để đứa trẻ từ bỏ được thói quen làm nũng, ăn vạ. Số khác lại cho rằng không nên để trẻ khóc lâu, vì sẽ ảnh hưởng xấu tới não bộ, tâm lý và sự phát triển của trẻ.

Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ hiện cũng có quan điểm trong việc nuôi dạy con mỗi khi con khóc là hãy mặc kệ chúng, “khóc chán rồi tự nín” chứ không dỗ dành. Đa phần mọi người cho rằng, càng dỗ dành trẻ càng hư, càng khó bảo. Luyện tập như vậy một thời gian, trẻ sẽ quen và không còn quấy khóc nữa. Thậm chí nhiều mẹ còn tập ngủ cho bé sơ sinh bằng cách để mặc cho con khóc, sau đó con sẽ tự ngủ. Họ coi đó là một cách để dạy con tự lập từ nhỏ, giúp trẻ sau này trở thành đứa trẻ ngoan ngoãn, cũng như cách để từ bỏ được thói quen làm nũng, ăn vạ.

Tuy nhiên, liệu cách này có thực sự hiệu quả? Chuyên viên tâm lý Lê Khanh, Phòng tư vấn tâm lý gia đình và trẻ em (TP HCM) cho biết, trẻ khóc có nhiều nguyên nhân. Trẻ khóc thường là để thông báo rằng bé bị đau, bị ngứa, khó chịu, sợ, buồn hoặc là bị bệnh, hay đói, khát, lạnh… đó là những lý do chính đáng. Còn có những trẻ khóc mè nheo, ăn vạ…“tuyệt chiêu” được nhiều người chia sẻ, hướng dẫn biện pháp đối phó đó là làm ngơ, tỏ ra không quan tâm đến trẻ một cách cương quyết.

 

Song đây chỉ là “chiêu khởi động” cho một loạt các biện pháp sau đó. Nhiều cha mẹ không để ý, cứ bỏ mặc trẻ muốn gào khóc thế nào tùy ý. Kết quả là có những trẻ quá nhạy cảm, cơn gào khóc ấy có thể dẫn đến tình trạng tím tái, co giật hay những phản ứng xấu. Khi đấy, cha mẹ sẽ thành nạn nhân của chính biện pháp của mình.

Cha mẹ đừng nhầm lẫn giữa việc dạy con tự lập và bỏ mặc con khóc mà bỏ mặc con hoàn toàn. Giáo dục sớm không phải là bỏ mặc mọi nhu cầu của trẻ, bắt trẻ phải học cách tự dỗ nín. Điều này không giúp trẻ phát triển đức tính tự lập, có chính kiến. Việc phớt lờ tiếng khóc của trẻ trong một thời gian dài cũng có thể tác động xấu tới não bộ, tâm lý và sự phát triển của trẻ.

Tác hại của việc để trẻ khóc rồi tự nín?

Việc cứ để mặc trẻ khóc kéo dài trong thời gian dài có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng cả về thể chất lẫn trí não của bé. Bởi não bộ của trẻ sơ sinh chưa phát triển đầy đủ, còn non yếu rất dễ bị tổn thương.

Một nghiên cứu gần đây được tiến hành bởi các nhà thần kinh học còn cho thấy, trẻ khóc trong thời gian dài vài tiếng đồng hồ sẽ tăng hormone stress như cortisol là loại hormone rất nguy hại đến não bộ của trẻ.

Theo lời bác sỹ Margot Sunderland, Giám đốc Khoa Đào tạo trung tâm Sức khỏe và Tâm lí trẻ em tại London cho biết:
"Bất cứ đứa trẻ nào khó chịu, quấy khóc rồi cũng sẽ phải ngừng. Chẳng có gì gọi là thành công khi bố mẹ để mặc con tự khóc rồi sau đó thấy trẻ nín. Quá trình này được gọi là Phản kháng – Tuyệt vọng – Buông bỏ. Tôi rất ngạc nhiên nếu có bất cứ vị phụ huynh nào định sử dụng phương pháp “để con tự nín khóc” nếu họ biết được điều gì xảy ra với não bộ của trẻ sơ sinh, khi sử dụng biện pháp này”.

Nếu để trẻ khóc lâu, não sẽ dễ bị tổn thương, vì não của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện và rất mong manh. Trong 1 năm đầu đời, các nơron thần kinh vẫn đang trong quá trình sản sinh và hình thành liên kết. Do đó, những thay đổi trong não bộ có thể ảnh hưởng tới hành vi cảm xúc và khả năng chịu đựng áp lực của trẻ về sau này. Hơn nữa, khi trẻ khóc quá nhiều, lượng stress sẽ càng tích tụ lại, gây hại cho nhịp tim, nhịp thở, hệ thống miễn dịch và hô hấp, và tất nhiên là hoocmon tăng trưởng cũng sẽ bị ức chế.

Nếu mẹ mặc kệ chẳng quan tâm “để trẻ khóc lâu có sao không”, thì ngôn ngữ nói của trẻ sẽ giảm sút rõ rệt. Khi bố mẹ phớt lờ tiếng khóc của con trong khoảng thời gian dài, từ vô thức, trẻ sẽ được dạy rằng mình không có quyền bày tỏ điều mình mong muốn. Lâu dần, điều này sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển ngôn ngữ nói của trẻ. Trẻ sẽ gặp khó khăn về sắp xếp trật tự từ, khó biểu đạt thành câu văn hoàn chỉnh và kỹ năng giao tiếp cũng sẽ bị hạn chế.

Xét dưới góc độ Tâm lí học, khi tiếng khóc của trẻ bị bố mẹ phớt lờ một thời gian dài, điều này tạo cho trẻ cảm xúc không vui, không được quan tâm. Vì thế, khi lớn lên, trẻ sẽ lựa chọn cách giữ lại cảm xúc không vui trong nội tâm. Điều này sẽ dễ gây ức chế và cản trở sự phát triển tâm lý lành mạnh của trẻ sau này, thậm chí, trẻ gia tăng nguy cơ chậm phát triển trí tuệ nếu quấy khóc quá nhiều.

Để trẻ khóc lâu sẽ ngầm định rằng cảm xúc của em là không quan trọng với bố mẹ. Điều này có thể sẽ gây tác động lớn đến cả trẻ và bố mẹ, khi trẻ bước vào độ tuổi vị thành niên, trẻ sẽ tìm mọi cách né tránh việc giao tiếp cởi mở với bố mẹ mình.

Trẻ em, mà đặc biệt là trẻ sơ sinh, thường có một sự không cân xứng giữa tâm lý và hành vi. Chẳng hạn như một đứa trẻ thường hay quấy khóc, chỉ đơn giản là vì chúng muốn được ôm ấp và dỗ dành. Trong khi đó, một đứa trẻ im lặng, ngoan ngoãn rất có thể chúng đang trải qua sự bất ổn, "khủng hoảng" về tâm lý mà không thể bày tỏ. Đó là lí do vì sao cha mẹ rất cần đáp lại hành vi của con trẻ, để giúp con tìm cảm giác an tâm và giúp trẻ trở thành người tự tin , độc lập sau này.

Bên cạnh tác động xấu đến bộ não, tâm lý trẻ, việc bố mẹ để mặc trẻ tự khóc còn ảnh hưởng xấu đến thể chất của trẻ, cụ thể là những ảnh hưởng tiêu cực như: tăng huyết áp; tăng áp suất não; tạo áp lực lên tim làm tim đập nhanh hơn; nhiệt độ không ổn định; hơi thở cũng bị ảnh hưởng nếu kéo dài có thể làm con ngưng thở đột ngột; gây cản trở hoạt động của hệ tiêu hóa; làm suy giảm hệ miễn dịch của con; các hoocmon tăng trưởng bị ức chế, từ đó làm cản trở sự phát triển bình thường của trẻ.

Vậy nên các bậc cha mẹ nên cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định sử dụng phương pháp “để con khóc rồi tự nín. Để trẻ có tương lai tươi tốt đẹp, điều đầu tiên bố mẹ phải làm đó chính là tạo cho trẻ một cảm giác an toàn, quan tâm và yêu thương thật sự ngay từ những năm tháng đầu đời của trẻ.

Theo Thành viên diễn đàn lamchame.com tổng hợp

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang