Tôi(*) là một đứa trẻ dễ sợ hãi: tôi sợ nhện, sợ sứa, sợ căn phòng tối, căn bệnh bại liệt, sợ những con ong, sấm chớp và chết đuối – nhưng đáng sợ hơn cả: tôi sợ bị điên. Mỗi khi nghĩ đến nó, bụng tôi lại tròng trành và cổ họng nghẹn ứ, bởi tôi biết chắc một điều mà kể cả trẻ nhỏ cũng hiểu được rằng, nếu tôi bị điên thì sẽ không ai yêu thương tôi nữa cả.
Không một ai!
Lúc đó tôi chỉ mới khoảng 6 hay 7 tuổi khi những ý nghĩ về sự điên rồ này cứ ám ảnh tôi, bởi tôi biết hoặc là mẹ đã đúng và tôi là người điên hoặc là tôi đúng còn mẹ mới có vấn đề, và dường như, đối với tôi, sẽ dễ dàng hơn để chấp nhận suy nghĩ đầu tiên hơn là sau đấy.
Lo lắng về việc bị điên làm tôi thức trắng nhiều đêm. Mọi chuyện đều xảy ra tại phòng ngủ của tôi thời ấu thơ ở khu vực Riverdale của Bronx khi Eisenhower còn đang làm tổng thống. Tôi là con một và nỗi ám ảnh của tôi về việc bị điên có lẽ một phần là do tôi hiểu khá chắc tôi là đứa con gái duy nhất trên đời này không được mẹ yêu thương. Khi ấy, tôi không hề biết rằng có rất nhiều bé gái (và cả bé trai) ngoài kia cũng đang lo lắng vì thiếu sự yêu thương. Và hiện nay vẫn còn rất nhiều trường hợp như vậy.
Nhiều thập kỉ sau, tôi đã tìm ra cái cách mà mẹ đối xử với tôi có một tên gọi riêng : gaslighting (thao túng tinh thần)
Thuật ngữ “gaslighting” - được lấy từ một vở kịch nổi tiếng những năm 1930, sau đó được chuyển thể thành bộ phim rất thành công qua diễn xuất của ngôi sao Ingrid Berman. Thuật ngữ này chỉ hành động thao túng ai đó hiệu quả đến mức người bị thao túng cũng nghi ngờ về quan điểm của chính họ về hiện thực. Mặc dù thuật ngữ này được dùng phổ biến nhất trong các mối quan hệ trưởng thành, nhưng sự thật là nếu một người mẹ mà không có tình thương, cho dù thể hiện qua sự thô bạo, không mở lòng, hiếu chiến, không đáng tin cậy, hay can thiệp cá nhân thì sự thao túng tinh thần đều là một phần yếu tố quyết định. Đây là một loại bạo lực đặc biệt để lại nhiều di chứng tâm lý riêng.
TẠI SAO THAO TÚNG TINH THẦN TRẺ EM LÀ RẤT DỄ
Mối quan hệ cha mẹ - con cái không phải là một mối quan hệ công bằng, thực chất, nó cực kì nghiêng về một bên. Mọi quyền lực đều đổ dồn về phía phụ huynh; mặc dù ý nghĩ này sẽ khiến bạn rùng mình, nhưng ở đâu có quyền lực, ở đấy có nguy cơ lạm dụng quyền lực. Một người mẹ không chỉ kiểm soát thế giới nhỏ bé của đứa con bằng việc đặt ra những quy tắc, thời gian biểu và quyết định chúng sẽ ổn định hay lộn xộn, dễ chịu hay đáng sợ mà còn có thể, như Deborah Tannen quan sát, bức chế cách các trải nghiệm và sự kiện trong thế giới ấy được khám phá. Đó là nền móng vững chãi của sự thao túng tinh thần, đặc biệt là khi đứa trẻ đã được hình thành với suy nghĩ mẹ là người dạy chúng về cách thế giới vận hành.
Thật là trớ trêu và đau buồn khi nghĩ rằng người có bổn phận giúp bạn khám phá con người bạn - giúp bạn học tốt các kĩ năng, giúp bạn kiểm soát cảm xúc, giúp bạn nhận ra sự xứng đáng và mạnh mẽ của mình - có thể là người hủy hoại con người và cuộc sống của bạn. Nhưng đó chính lại chính xác là những gì mà một người mẹ không yêu thương con đang làm đối với đứa trẻ của họ.
Cần rất nhiều nỗ lực để thao túng một người lớn. Trong bộ phim kể trên, nhân vật phản diện do Charles Boyer đóng đã phải điều khiển môi trường vật lí với tiếng bước chân ở căn gác mái trống cùng ánh lửa lập lòe của đèn dầu, để khiến nạn nhân của hắn phát điên. Thao túng một người thân đòi hỏi một kế hoạch xuyên suốt. Boyer đã tận dụng những hiểu biết của hắn về nỗi sợ của nạn nhân và cảm giác không an toàn để thao túng cô ấy, dùng tình yêu của cô để che đậy hoặc buộc tội cô vì quá nhạy cảm hay có vấn đề về thần kinh khi cô bắt quả tang lời nói dối của hắn. Còn về việc thao túng tinh thần một đứa trẻ, như một câu ngạn ngữ cổ, đúng là “dễ như trở bàn tay”.
Không khó để làm một đứa trẻ dễ dao động và thiếu tình thương hoài nghi về thực tại của chúng. Hãy xem những tình huống sau đây - tưởng tượng về nhân vật trong những tình huống này (cha mẹ cao lớn với giọng nói to và đứa trẻ nhỏ bé với những ý kiến dễ bị phớt lờ) để hiểu hơn về điều này:
Đứa trẻ bưng khay đồ ăn vào phòng ăn và vô tình làm đổ, đồ ăn vương vãi khắp sàn. Đứa trẻ giải thích rằng do khay đồ ăn rất trơn. Nhưng những gì mà người mẹ nói là: “Con cố ý đúng không? Sao lúc nào con cũng làm mẹ tức giận thế!”
Đứa trẻ bị bắt nạt bởi anh trai. Nó khóc và xin mẹ mình can thiệp. Người mẹ trả lời:“Con hãy ngưng làm phiền anh con thì con sẽ không bị đánh nữa.”
Đứa trẻ đang đi dạo trên phố với mẹ, trong lòng rất hạnh phúc. Bỗng người mẹ nói: “ Đừng nhảy nhót nữa! Con không thể đi lại bình thường được à? Con mà nhảy thì đôi giày cao gót của mẹ lại vướng vào đá và con sẽ làm hỏng giày của mẹ. Con có cần phải phá hỏng mọi thứ như thế không?” (đây chính xác là đoạn trích dẫn được dịch từ tiếng Hà Lan từ tuổi thơ của tôi )
Đứa trẻ được bảo rằng nếu nó chơi trong im lặng và để yên cho mẹ nó làm việc thì mẹ sẽ dẫn nó đi ăn kem. Thế là đứa trẻ chơi rất ngoan .Khi nó hỏi mẹ khi nào được dẫn đi ăn kem thì câu trả lời mà nó nhận được là: “ Mẹ chưa bao giờ hứa cho con ăn kem cả”. Khi đứa trẻ bày tỏ sự hoài nghi thì người mẹ lại nói: “Đừng vẽ chuyện lên nữa. Không ai thích lời nói dối đâu con.”
Thao túng tinh thần trẻ em ư? Thật dễ dàng!
TẠI SAO LẠI KHÓ ĐỂ NHẬN RA BẠN CÓ ĐANG THAO TÚNG TINH THẦN ĐỨA TRẺ KHÔNG?
Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn khó nhận ra. Đầu tiên, tất cả những đứa trẻ đều nghĩ rằng những việc xảy ra ở nhà chúng là “bình thường” vì đó là tất cả những gì mà chúng biết. Thứ hai, nỗi khát khao tình yêu và sự tán thành của đứa trẻ tạo điều kiện thuận lợi cho sự thao túng tinh thần của người mẹ. Để nhận ra “gaslighting” thì bạn phải có niềm tin vững chắc vào quan điểm và cảm giác của mình, thứ mà hầu hết các bé trong trường hợp đó không hiểu được. Cuối cùng, như một bé gái đã từng miêu tả. giọng nói của mẹ thật sự có thể là một phần của điệp khúc:
Cha tôi lúc nào cũng tin tưởng chắc chắn rằng mẹ là người có quyền chính thức. Và hai anh em trai luôn gọi tôi là “ngốc” vì những gì tôi nói hay làm đều được cho là điên khùng. Khi tôi đối chất với mẹ, mẹ tôi luôn phủ nhận những điều bà đã nói hay bịa ra một lý do cho hành động của bà. Tôi là một con người tồi tệ, một đứa trẻ vô ơn bạc nghĩa, và tôi đã tin vào điều đó cho đến ngày tôi rời khỏi nhà. Chỉ khi đó tôi mới nhận ra rằng, không, tôi không phải là người điên. Bây giờ tôi đã 30, ngày qua ngày tôi luôn thắc mắc liệu quan điểm của tôi có sai lệch. Thật khó để gạt những ảnh hưởng từ gia đình ra khỏi đầu tôi.
Bởi vì “gaslighting” là sự kiểm soát, một vài người mẹ thường nói to hơn mỗi khi con họ cãi lại, thắc mắc và bắt đầu tin vào cảm nhận của riêng chúng. Điều đó thật sự đúng trong trường hợp của tôi, mặc dù nó giảm dần khi tôi lớn lên. Tôi dần không còn tin tôi điên khùng nữa nhưng những lời nói và hành động của mẹ tôi luôn khiến tôi hoài nghi bản thân và tiếp tục vật lộn với niềm khát khao tình yêu của mẹ.
Tôi cuối cùng cũng tiếp nhận sự giúp đỡ trong lần đầu tiên đến văn phòng trị liệu ở tuổi gần 22. Tôi đã trải qua quá trình trị liệu trong gần một tháng trời – quãng thời gian tưởng chừng như là vô hạn, kể hết chuyện này đến chuyện khác, về thời thơ ấu của mình. Tôi nằm dài trên băng ghế, tất cả được bố trí theo phương thức trị liệu Freudian, và nhà trị liệu sẽ ngồi ngay sau tôi. Tôi dần quen với việc không thấy mặt ông cũng như không giao tiếp qua ánh mắt, và cả việc ông ấy chỉ lên tiếng khi tôi im lặng để rồi hỏi tôi: “ Điều đó có được cho là bình thường ở nhà cô không?” hay “Những lời nói của mẹ cô làm cô thấy thế nào?”. Tôi bắt đầu thấy thất vọng vì chưa có tiến triển trong quá trình điều trị, mặc dù tôi đến đó tận 2 lần 1 tuần và ông bác sĩ thì rất nổi tiếng. Tôi sợ rằng nếu kể cả ông cũng không giúp được tôi thì không còn ai có thể.
Đến một ngày, giọng của bác sĩ trôi vào đầu tôi : “Đã bao giờ cô thấy mẹ cô thật ác độc – thậm chí là điên khùng chưa? Hãy nghĩ về điều đó. Một đứa trẻ chỉ mới 4 tuổi thì có thể làm những gì mà phải hứng chịu sự đối xử ấy? Cô đang nói hay làm gì để biện minh cho những điều tồi tệ bà ấy liên tục nói với cô? Cái cách bà ấy làm cô thấy khó chịu về bản thân như thế nào?”
Mãi sau này, tôi luôn nhớ như in từng lời một ông ấy nói, cho dù đã 4 thập kỉ trôi qua. Tuy lời nói ấy đã đóng cánh cửa của thao túng tinh thần, nó vẫn khó giải quyết mâu thuẫn giữa sự khát khao tình yêu từ mẹ và niềm mong mỏi được thoát khỏi bà.
NHỮNG DI CHỨNG TÂM LÝ TỪ THAO TÚNG TINH THẦN
Gaslighting là bạo hành tình cảm bằng lời nói. Cũng như nhiều sự công kích bằng lời nói khác, nó thay đổi sự phát triển não bộ trẻ em và cũng được tiếp thu bởi chính trẻ em. Tin vào giá trị cảm xúc và nhận thức riêng của mình là một cuộc chiến lâu dài của những đứa trẻ thiếu tình thương, kể cả người lớn.
“Tôi nhận ra sự rụt rè, nhút nhát và cái cách tôi luôn phê phán bản thân ngăn cản tôi được “sống” cuộc sống của chính mình. Tôi đã bị lợi dụng bởi nhiều người khác - những người nhận ra nhu cầu làm hài lòng mọi người và cả sự sẵn sàng chịu trách nhiệm cho bất cứ điều gì sai trái của tôi. Nhưng sau một thời gian dài tôi mới nhận ra vấn đề này gắn liền với trải nghiệm thời thơ ấu với mẹ tôi. Bạn có tưởng tượng được không? Khi tôi 50, tôi mới lần đầu tiên nhận ra rằng tất cả không phải do tôi hay những gì tôi đã làm mà là do bản chất thao túng của mẹ tôi. Kể cả như thế, nó vẫn là một thói quen khó xóa bỏ hoàn toàn.
Tuy nhiên, vẫn còn những điều tốt đẹp đi cùng. Xuất phát từ cách chú ý đến những hành vi vô thức ta học được từ quá khứ và biến chúng thành hành vi có ý thức, chúng ta có thể thay đổi. Não bộ con người luôn linh hoạt và thích ứng tốt trong suốt cuộc đời của họ. Trong khi quá trình này cần nhiều thời gian, ta có thể thay đổi suy nghĩ về bản thân mình và gây dựng sự tin tưởng bản thân mà chúng ta không có khi còn trẻ. Chính giây phút này, những lời giải thích cho ánh đèn lập lòe, tiếng bước chân nơi gác mái chợt hiện lên và chúng ta thấy hình ảnh người mẹ xuất hiện như một bậc thầy múa rối, nhưng tách biệt với con người chúng ta trong quá khứ lẫn hiện tại.
* Theo chia sẻ của nhà tâm lý học Peg Streep- tác giả cuốn sách Daughter Detox: Recovering from An Unloving Mother and Reclaiming Your Life
Theo sohuutritue.net.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.