Vì sao rốn trẻ sơ sinh có mùi hôi?
Bé sơ sinh ở trong bụng mẹ nhận dưỡng chất và oxy qua nhau thai, được gắn vào thành tử cung của mẹ. Nhau thai nối với bé bằng dây rốn. Sau khi chào đời, dây rốn của bé sẽ được kẹp và cắt phần dây rốn nối với mẹ.
Thời gian để dây rốn khô và rụng là từ 7 đến 10 ngày. Trong khoảng thời gian này nếu mẹ không giữ vệ sinh sạch sẽ cho bé thì vi khuẩn có thể xâm nhập vào rốn bé gây ra nhiễm trùng. Tình trạng nhiễm trùng rốn sẽ dẫn đến cuống rốn có mùi hôi.
Sau 7 đến 10 ngày rốn bé sơ sinh sẽ tự rụng. (Ảnh minh họa) |
Rốn bé sơ sinh có mùi hôi có thể là biểu hiện của các bệnh sau:
- Viêm rốn: Nếu rốn bé sơ sinh có mùi hôi cộng thêm các dấu hiệu sưng, chảy mủ và lâu rụng thì đó là biểu hiện của viêm rốn. Bé có thể bị sốt nhẹ, hay khóc. Khi này mẹ nên vệ sinh sạch sẽ cho bé bằng oxy già, thay băng hàng ngày. Tốt nhất mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để chữa trị.
- Nhiễm khuẩn rốn: Nếu rốn bé sơ sinh rụng muộn, ướt và hôi kéo dài, sau một thời gian sưng phù có mủ thì rốn bé có thể đang bị nhiễm khuẩn. Trường hợp nghiêm trọng có thể khiến toàn thân bé sưng phù, chướng bụng và tiêu hóa rối loạn.
- Hoại tử rốn: Trước hoặc sau khi nhiễm khuẩn rốn, bé có thể bị hoại tử rốn. Triệu chứng của hiện tượng này là rụng rốn sớm, rốn bé sưng đỏ rồi chuyển sang tím bầm. Rốn bé bị chảy mủ, đôi khi kèm theo máu. Trong trường hợp này mẹ cần đưa bé đi cấp cứu ngay vì bệnh có thể dẫn đến tử vong.
- Viêm mạch máu rốn: Mạch máu rốn bao gồm động mạch và tĩnh mạch. Hai mạch máu này giúp vận chuyển chất dinh dưỡng từ mẹ đến bé khi bé chưa chào đời. Sau khi sinh, các mạch máu này cũng cần thời gian để xơ hóa và biến mất. Nếu mẹ không vệ sinh sạch sẽ rốn cho bé thì vi khuẩn có thể thâm nhập sâu bên trong mạch máu gây ra tình trạng viêm nhiễm.
Những điều cần chú ý khi chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh
Rốn và mạch máu thông nhau nên cực kỳ nhạy cảm và rất dễ xảy ra nhiễm trùng nếu mẹ không biết cách vệ sinh. Do đó, khi chăm sóc rốn trẻ sơ sinh, mẹ hãy lưu ý tới những điều dưới đây nhé:
- Luôn luôn giữ rốn sạch sẽ và khô thoáng. Điều này đòi hỏi mẹ phải lau rửa hàng ngày và tuyệt đối không băng kín rốn bé.
- Rửa tay bằng xà bông và cồn 70 độ trước khi chăm sóc để diệt hết mọi vi khuẩn trên tay mẹ, tránh lây lan sang rốn bé.
- Luôn mặc tã, quần dưới rốn và không để bất kỳ vật gì va chạm vào rốn bé.
Nếu sử dụng bông gòn để vệ sinh rốn, mẹ cần chú ý không để sợi bông dính vào rốn:(Ảnh minh họa) |
- Khi tắm cho trẻ sơ sinh, không để rốn bị dính nước. Mẹ chỉ nên thả bé vào chậu nước tắm khi cuống rốn đã rụng và chân rốn khô.
- Hàng ngày, sau khi tắm xong, mẹ hãy làm sạch vùng rốn của bé bằng cách sử dụng bông, gạc vô trùng nhúng cồn 70 độ lau nhẹ nhàng chân rốn, thân cuống rốn, mặt cắt cuống rốn, da xung quanh rốn có bán kính khoảng 5cm từ trong ra ngoài. Nếu mẹ dùng bông gòn lau thì hãy cực kỳ chú ý tránh để sợi bông gòn dính vào rốn.
- Không dùng bất kỳ một loại dung dịch hay chất lạ nào, kể cả thuốc đỏ, thuốc lá, thuốc kháng sinh, nước thơm, dầu tắm, tinh dầu massage rắc hay bôi lên vùng rốn.
- Không nên băng rốn cho bé vì sẽ khiến rốn bị bí bách, ẩm ướt tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
- Nếu thời tiết ấm áp, mẹ cho bé mặc quần áo mỏng để phần rốn được thoáng mát, nhanh khô
- Có thể trong quá trình rụng, rốn của bé sẽ tiết dịch nâu đỏ (chứ không phải dịch vàng, xanh) hoặc chảy một chút máu. Điều này là hiện tượng bình thường, rốn của bé sẽ cần một vài ngày để bình phục, cho tới khi rốn liền sẹo, mẹ vẫn cần vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày.
Cuối cùng để rốn bé sơ sinh không có mùi các mẹ nên chăm sóc và vệ sinh vùng rốn cho bé luôn sạch sẽ khô thoáng để rốn của bé không bị nhiễm trùng. Lưu ý phải thường xuyên quan sát biểu hiện xung quanh rốn của bé để có biện pháp xử lý kịp thời. Chúc mẹ và bé luôn khỏe mạnh!
Theo Thành viên diễn đàn lamchame.com tổng hợp
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.