Hè đến, nhà nhà người người lên kế hoạch du lịch, trong đó đi biển là 1 lựa chọn được rất nhiều gia đình yêu thích. Trẻ con cũng rất khoái các hoạt động dưới nước. Tuy nhiên, song hành với những lợi ích khi cho trẻ đi biển, thì cũng có nhiều mối hiểm họa mà các bậc cha mẹ cần lưu ý cho con, để bé có được chuyến du lịch an toàn, vui vẻ.
1. Khi nào trẻ có thể đi tắm biển
Theo các chuyên gia da liễu, trẻ dưới 1 tuổi thì cha mẹ cần hạn chế cho con đi tắm biển. Bởi khi đó, da của bé còn non, nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng gay gắt ở biển, con dễ bị tia tử ngoại lẫn hồng ngoại "tấn công" dẫn đến say nắng, cháy da. Nặng hơn bé có thể bị ung thư da...
Khi cho con đi tắm biển, cha mẹ cũng cần tránh buổi trưa, hoặc lúc nhiệt độ quá nóng. Bởi hệ thống điều hòa thân nhiệt của con chưa thể hoàn hảo như người lớn. Các bé chưa thể thích nghi kịp với việc thay đổi nhiệt độ đột ngột ngoài trời.
2. Trẻ tắm trong bao lâu là đủ?
Dù là em bé sơ sinh hay con lớn, cũng không nên để trẻ phơi mình trước gió biển quá lâu. Bé chỉ nên tắm biển tối đa 2 tiếng. Nếu ngâm mình dưới nước quá lâu, trẻ nhỏ dễ bị nhiễm lạnh, dẫn đến ho, sổ mũi. Nặng hơn thì bé có thể bị viêm phổi.
Bên cạnh đó, nếu tắm biển quá lâu, con có thể bị say nắng, say sóng. Ánh nắng chói chang với nhiều tia cực tím có thể là nguyên nhân của bệnh ung thư da hoặc gây say nắng, say nóng cho cả trẻ nhỏ. Để phòng chống say nắng, trước khi biển, mẹ nên cho bé bổ sung một đợt vitamin A, vitamin E tùy theo tuổi và theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không cho trẻ tắm biển từ 11h trưa đến 3h chiều.
Việc tắm biển quá lâu cũng là 1 trong những nguyên nhân khiến trẻ bị đuối nước. Bởi con có thể bị chuột rút, co cơ... khi hoạt động quá sức dưới nước.
3. Dạy con cách quay mặt ra biển
Sóng biển có thể làm trẻ ngã và sặc nước bởi bất ngờ. Vì vậy cha mẹ cần dạy con cách đứng quay lưng lại bãi cát, mặt hướng ra ngoài biển để chuẩn bị tâm lý và giữ thăng bằng khi thấy sóng xô vào bờ.
4. Đừng để con chôn chặt chân trong cát
Trẻ con sẽ rất thích thú với trò chôn chân trong cát. Lớp cát dưới lòng đất mát lạnh càng khiến các bé vui vẻ hơn. Tuy nhiên theo các chuyên gia sức khỏe, việc chôn chặt chân xuống dưới cát sẽ làm trẻ nhỏ dễ bị bong gân, nặng hơn có thể bị chấn thương nghiêm trọng. Bởi xương và các cơ của chân của bé còn yếu. Chôn vui chân xuống dưới cát có thể khiến con bị mắc kẹt, dễ bị sóng đánh gục.
5. Cẩn thận với các con sứa
Những con sứa nhiều màu sắc có thể thu hút trẻ. Tuy nhiên, loài vật này bị đánh giá là "sinh vật biển nguy hiểm", đặc biệt là với trẻ con. Sứa có thể tấn công con trẻ. Vết chích của sứa nếu nghiêm trọng sẽ gây nhức đầu, co thắt cơ bắp, khó thở, nôn nao, ói mửa... Nếu không may con bị sứa chích, cha mẹ hãy tìm đến nhân viên cứu hộ bờ biển và làm theo hướng dẫn của họ.
6. Cẩn thận với những dòng chảy xa bờ
Dòng chảy xa bờ (rip currents) là một luồng nước mạnh chảy theo hướng vuông từ bờ ra biển, tuy với kích thước rất nhỏ, nhưng tốc độ có thể đạt cực đại tới 2m/s. Với vận tốc này, trong khoảng thời gian 1 phút, dòng chảy có thể cuốn trôi người tắm biển ra xa khoảng 120m. Khi đó, hầu như không ai có khả năng bơi ngược nó để vào bờ.
Vì vậy Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ khuyến nghị cha mẹ nên kiểm tra dự báo thời tiết ở địa phương trước khi lên kế hoạch đưa trẻ đi biển. Ra tới biển, hãy chọn vị trí càng gần nhân viên cứu hộ càng tốt. Và nếu bạn không chắc về điều kiện nước, sóng, hãy hỏi nhân viên cứu hộ trước khi để trẻ xuống bơi.
Ngoài ra cha mẹ có thể quan sát để nhận biết dòng chảy xa bờ. Nếu thấy khu vực mình đang tắm cát nằm dưới chân mình sụt lún xuống rất nhanh, điều này có nghĩa là vùng bờ biển bạn đứng đang bị tác động của hiện tượng dòng chảy xa bờ. Hãy mau chóng đưa cả nhà rời khỏi khu vực đó.
7. Chuẩn bị đồ đi biển cho con
Khi cho con đi tắm biển, nhiều bà mẹ chỉ chú trọng sắm cho con những bộ đồ bơi sặc sỡ, bắt mắt mà quên mất trẻ cần trang bị thêm nhiều món đồ khác.
Trước tiên là phao đi biển. Theo Tổ chức Chữ thập đỏ Mỹ, ngay cả ở vùng nước nông, chuyển động của sóng có thể gây ra sự mất thăng bằng và khiến bàn chân không còn vững. Do đó việc trẻ mặc áo phao rất quan trọng. Những vùng nước mở, đặc biệt là biển, có thể tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Do đó, mặc áo phao cho trẻ nhỏ sẽ bổ sung một lớp bảo vệ, trong trường hợp sóng đột ngột đánh mạnh vào bờ.
Tiếp theo mẹ cần mua kem chống nắng và kem dưỡng da dành cho trẻ nhỏ. Lưu ý thoa kem chống nắng 15-30 phút trước khi ra ngoài và cách 2 giờ, thoa kem lại 1 lần. Không có loại kem chống nắng nào hoàn toàn không thấm nước (ngay cả với những loại mà nhà sản xuất cam đoan như vậy). Do đó, nhớ thoa lại kem cho trẻ sau khi chúng chơi đùa trong nước biển.
Ngoài ra, gia đình cũng cần chuẩn bị mũ, kính, lều cho trẻ tránh nắng. Cha mẹ nên lên kế hoạch cho các hoạt động trên biển cho trẻ vào khoảng thời gian ánh mặt trời đã dịu. Với trẻ sơ sinh, thường xuyên cho trẻ bú sữa mẹ hoặc bú bình; với trẻ lớn hơn, uống nước nhiều lần cũng là lựa chọn hữu ích.
Link gốc: https://phunuvietnam.vn/sap-di-bien-me-can-bo-tui-7-loi-khuyen-vang-de-dam-bao-con-an-toan-va-vui-choi-tron-ven-22202216617535327.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.