SARS-CoV-2 lây lan trong cộng đồng, các bệnh viện, phòng khám nhiều lần 'hú vía'

Tại TP.HCM, nhiều ca bệnh Covid-19 không rõ nguồn lây, số bệnh viện có ca F0 tới khám phải đóng cửa ngày càng nhiều. Điều này khiến các bệnh viện và phòng khám tại thành phố lo lắng.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, BV Nhi Đồng 1, TP HCM, hiện nay Covid-19 đang ở trong cộng đồng, ổ lây cũng chưa xác định và thực tế nhiều bệnh viện đã có 'nhiều phen hú vía'. Bác sĩ Khanh cho rằng nếu F0 đến các bệnh viện, phòng khám thì nhân viên y tế chỉ có thể làm hết sức và cầu mong sự may mắn.

Đến nay, ở TP HCM, rất nhiều F0 đều phát hiện sau khi đi khám tại các cơ sở y tế. BS Khanh cho biết mỗi khi có F0, F1, cả bệnh viện 'chạy mệt hơi'.

Có một ca từ Đắk Lắk nghi mắc Covid-19 và một bệnh viện đã phải gấp rút truy xuất camera, cho nhân viên xét nghiêm nhanh, cách ly tại nhà, hồi hộp chờ kết quả xét nghiệm từ tỉnh. Họ chỉ có thể thở phào khi biết được kết quả âm tính.

SARS-CoV-2 lây lan trong cộng đồng, các bệnh viện, phòng khám nhiều lần hú vía - Ảnh 1.

Nguy cơ đóng cửa của các bệnh viện, phòng khám luôn hiện hữu.

Hay có những bệnh viện bỗng một ngày được thông báo ca F0 từng đến khám cách đây 14 ngày. Lúc này, cả bệnh viện đau đầu. Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng từng gặp tình huống này.

 

Nhưng một điều may là 1-2 ngày sau khi F0 đến khám, bệnh viện đã xét nghiệm toàn bộ nhân viên và bệnh nhân, kết quả đều âm tính. Điều may mắn thứ 2 là truy xuất camera cho thấy F0 chỉ ở một vị trí và mang khẩu trang. Tất cả nhân viên trong khu vực cũng mang khẩu trang. Nhân viên liên quan đã phải lấy mẫu xuyên đêm, cách ly chờ xét nghiệm. Kết quả rất may là âm tính.

PGS Nguyễn Hoài Nam – BV Minh Anh, TP HCM - cũng chia sẻ hiện tại bệnh viện của ông cũng như các bệnh viện khác đều trong tình trạng vô cùng căng thẳng. Kịch bản cũng giống như trên - bất cứ khi nào họ cũng có thể phải đóng cửa vì có F0 tới khám. Bác sĩ Nam cho biết họ nhiều lần đau đầu không biết nên làm sao nếu có F0 tới. Có lúc, ban lãnh đạo bệnh viện bàn nhau tạm đóng cửa bệnh viện.

Nếu đóng cửa không tiếp nhận bệnh nhân, bệnh viện có thể bị phạt, mở cửa có F0 lọt qua, bệnh viện cũng bị phạt.

BS Nguyễn Hữu Trung – Giảng viên trường Đại học Y Dược TP HCM - cho rằng khi một bệnh nhân có "yếu tố dịch tễ" đi khám bệnh trong giai đoạn này, bệnh viện luôn phải sàng lọc, thực hiện cả xét nghiệm nhanh và PCR. Những người tiếp xúc với bệnh nhân là điều dưỡng, tiếp nhận, bảo vệ. Mỗi khâu có chừng 2 người liên quan, tổng cộng có khoảng 10 người.

Nếu sàng lọc tốt, những người này sẽ mang mỗi người một bộ đồ phòng hộ chuyên dụng. Nếu sàng lọc không tốt, những người này sẽ được test Covid-19 (thường là PCR, mất vài tiếng). Trong giai đoạn chờ kết quả PCR, những người này được vào một phòng cách ly.

Mọi công tác của nhóm người này sẽ có một lực lượng khác thay thế, như vậy mất khoảng 20 nhân lực của bệnh viện trong thời gian 6-12h. Nếu kết quả PCR trả lời âm tính, nhóm người này được ra ngoài làm việc tiếp.

BS Trung cho rằng TP HCM nên thành lập các khu vực sàng lọc Covid-19 riêng biệt, độc lập với các cơ sở y tế. BS gợi ý về một trung tâm sàng lọc Covid-19 ở mỗi quận, huyện. Bệnh nhân có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, mất khứu giác, mất vị giác… hoặc có yếu tố dịch tễ yêu cầu đến trung tâm sàng lọc Covid-19 trước khi đến bệnh viện.

Bệnh viện vẫn giữ phòng sàng lọc Covid-19 như hiện tại nhằm sàng lọc những bệnh nhân khác. Trung tâm sàng lọc sẽ được hình thành ở những khu vực đất trống, thông thoáng như công viên, các sân vận động; được trang bị phòng áp lực âm, phòng xét nghiệm tại chỗ.

Các bệnh viện, phòng khám hiện tại đều có phòng sàng lọc Covid-19 nhưng có thể dẫn đến tình trạng bị tạm phong tỏa, do đó, BS Trung cho rằng cần xem xét lại vấn đề này.

 

Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/sars-cov-2-lay-lan-trong-cong-dong-cac-benh-vien-phong-kham-nhieu-lan-hu-via-16121050614344019.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang