Vị tỷ phú... không nhà, không xe
Tỷ phú Charles F. Feeney (1931) là một người Mỹ gốc Ireland. Ông thường được gọi với cái tên thân mật Chuck Feeney, thời gian gần đây ông được giới truyền thông Mỹ đặt cho biệt danh “James Bond của giới từ thiện”. Vị tỷ phú Mỹ này nói thông thạo 2 tiếng Pháp và Nhật, là người xây lên đế chế các cửa hàng miễn thuế.
Từ nhỏ, ông đã nghỉ ra đủ mọi cách để kiếm tiền như: gõ cửa từng nhà để bán thiệp Giáng sinh, dọn tuyết trên đường hay nhặt bóng trên sân golf,... Charles F. Feeney bắt đầu sự nghiệp kinh doanh cùng với bạn học cùng đại học từ đầu thập niên 1950: bán rượu không thuế cho thủy thủ Mỹ. Sau đó, ông bán xe hơi cho cho lính Mỹ và lập nên chuỗi cửa hàng miễn thuế (DFS) ở các cửa khẩu, với doanh thu đạt 3 tỷ USD/năm. Vào những năm 60, khi Nhật Bản tổ chức thế vận hội và dỡ bỏ hạn chế du lịch nước ngoài, Chuck Feeney đã chộp cơ hội này để thu tiền của khách du lịch Nhật. Đó là những khoản tiết kiệm khổng lồ người Nhật bỏ ra mua sắm rượu, nước hoa, đồ trang sức miễn thuế,... tại các địa điểm nổi tiếng như Hawaii, Hong Kong, San Francisco, Saipan và Guam... Mặc dù kiếm được rất nhiều tiền từ rất sớm, với tổng tài sản theo New York Times lên tới 8 tỷ USD, nhưng Chuck Feeney có cuộc sống riêng tư rất bình lặng và đơn giản, không xa hoa, không bao giờ thắt cà-vạt Hermes hay mang giày Gucci. Chuck Feeney và người vợ Helga của ông cùng sống trong một căn hộ cho thuê tại San Francisco. Feeney không có ô tô hay bất kỳ vật dụng xa xỉ nào. Có lẽ, phụ kiện đáng giá nhất của ông hiện giờ là chiếc đồng hồ bằng cao su trị giá 15 USD. Và, trong căn hộ của ông cũng không có bất kỳ một kỷ niệm chương hay bằng khen, hình ảnh nào ghi lại cống hiến của ông dành cho xã hội. Tính đến nay, tỷ phú “không nhà, không xe hơi” đã quyên góp hơn 8 tỷ USD cho các hoạt động hỗ trợ giáo dục đại học, y tế công cộng, nhân quyền và nghiên cứu khoa học. Có lẽ, tên tuổi của Feeney không được nhiều người biết đến, bởi vì cuộc đời của ông là một sự hi sinh thầm lặng. Ông âm thầm phấn đấu và phát triển sự nghiệp để rồi khi về già, ông lặng lẽ cống hiến vì mục đích đem lại những điều tốt đẹp cho xã hội.
Keo kiệt với chính mình, rộng rãi với mọi người
Giàu có là vậy nhưng tỷ phú Feeney vẫn sống một cuộc đời tiết kiệm, ở trong các căn hộ nhỏ và chỉ đặt những loại rượu trắng rẻ nhất tại nhà hàng. New York Times tiết lộ, trong nhiều năm ở New York, bữa trưa của ông không phải ở các nhà hàng sang trọng mà là ở khu nhà Irish Pavillion Tommy Makem trên phố East 57th - nơi ông ăn bánh mì kẹp thịt. Feeney kín tiếng tới mức, mãi tới 1988, thế giới mới biết đến sự giàu có của ông. Khi đó, lần đầu tiên Forbes ước tính Feeney có khoảng 1,3 tỷ và xếp thứ 31 tại Mỹ. Tuy nhiên, tài sản thực của ông vẫn là một ẩn số, chỉ sau những lần làm từ thiện, thế giới mới biết tới. Những ai từng hợp tác hoặc quen với Feeney trong một thời gian dài hẳn sẽ nhận ra rằng ông chưa từng mặc đồ hàng hiệu, kính mát ông đeo cũng đã cũ, đồng hồ là loại làm từ cao su mua ở các cửa hàng ven đường. Ông không có ô tô riêng, ra ngoài thường đi bằng xe buýt, túi xách ông thường dùng là túi vải, món ăn ưa thích của ông là sandwich phô mai cà chua nướng chứ không phải là bất cứ món “sơn hào hải vị” nào. Ông ghét sự phung phí, không muốn con cái trở thành con nhà giàu hư hỏng và bắt chúng làm hầu bàn, bồi phòng khách sạn, thu ngân trong các kỳ nghỉ hè ngay từ khi còn nhỏ và phải tự lăn lộn kiếm sống khi đến tuổi trưởng thành. Feeney cho biết, đây chính là cách để ông giáo dục các con biết quý trọng giá trị của đồng tiền. Sự hà khắc của Feeney không làm cho con cái khó chịu, thậm chí con gái đầu của Feeney còn cho rằng, cách làm của người cha đã giúp họ sống như những người bình thường khác, làm được việc đáng làm và vẫn có đủ tiền để chi tiêu cho cuộc sống. Có lẽ, trong mắt mọi người, Feeney là một tỷ phú keo kiệt và bủn xỉn, tuy nhiên, ông lại là một người đàn ông có tấm lòng đẹp. Theo quan điểm của vị tỷ phú này, “bạn chỉ có thể mặc một chiếc quần vào cùng một thời điểm”. Ông thích kiếm tiền nhưng không muốn sở hữu chúng, tiền quá nhiều cũng không thể đem ra tiêu xài hết. Khoảnh khắc đáng nhớ trong sự nghiệp của người đàn ông này được đánh dấu bằng cống hiến của ông nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người. Sự kiện đó diễn ra vào ngày 23/11/1984, khi ấy, Feeney cùng người vợ đầu của ông - Danielle và luật sư Harvey Dale bay đến Bahamas – một địa điểm được lựa chọn để có thể tránh được những quy định về mặt pháp lý cho việc họ sắp sửa làm. Họ họp kín trong một căn phòng hội nghị. Vào 4 giờ chiều, Feeney bắt đầu ký một loạt tài liệu và sau đó cả 3 người đã rời văn phòng đến sân bay. Sau khi bí mật ký xong các tài liệu đó, Chuck Feeney cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm. Ông đã quyên góp toàn bộ tài sản, bao gồm tiền mặt, doanh nghiệp và cả cổ phiếu của mình cho tổ chức do chính ông sáng lập, nay được biết đến là Atlantic Philanthropies (Quỹ từ thiện Đại Tây Dương). Mọi thứ đều được thực hiện một cách bí mật, Feeney tiếp tục quản lý doanh nghiệp, mua và bán tài sản trên khắp thế giới, vì vậy, mọi người vẫn nghĩ ông là một tỷ phú, ngay cả tạp chí Forbes. Khi được hỏi lý do tại sao ông quyết định quyên góp hết tài sản của mình, thật đơn giản, ông đáp lại rằng: “Đó là một việc làm đúng đắn”. Có lẽ, tính cách hào phóng, giản dị, không thoải mái với những vật dụng cao cấp là các đức tính đẹp vốn có của những người Mỹ gốc Ireland, giống như mẹ ông – một y tá chuyên giúp đỡ người khác. Ông cũng bị ảnh hưởng bởi bài viết mang tên The Gospel of Wealth của Andrew Carnegie với lời tuyên bố nổi tiếng: “Triệu phú không gì khác hơn là người được người nghèo tin tưởng”. Sau sự kiện ở Bahamas, Feeney bắt đầu một cuộc hành trình suốt đời để thực hiện những nghĩa cử cao đẹp với số tài sản của mình. Đồng thời, ông cũng phát triển doanh nghiệp và danh mục đầu tư để cung cấp nhiều tiền hơn cho quỹ từ thiện. Bên cạnh khao khát cải thiện đời sống cho hàng triệu người, tỷ phú này còn vô cùng xem trọng giáo dục. Ông đã quyên tặng 588 triệu USD cho Đại học Cornell, 125 triệu USD cho Đại học California, 60 triệu USD cho Đại học Stanford và chi ra 1 tỷ USD để cải tạo cũng như xây mới 7 trường đại học ở Ireland và 2 trường đại học ở Bắc Ireland. Rồi vào năm 2017, Feeney đã tài trợ nốt 7 triệu USD cuối cùng cho Đại học Cornell nhằm hỗ trợ sinh viên làm công tác dịch vụ cộng đồng. Tại Việt Nam, quỹ Atlantic bắt đầu rót tiền vào chỉ vài năm sau khi chiến tranh kết thúc, tài trợ bắt đầu từ miền Trung như xây dựng trường Đại học Đà Nẵng. Cho đến nay, 2 người còn gái của ông là: Diane Feeney và Juliette Feeney cũng tiếp tục theo gót cha làm từ thiện. Họ làm chủ tịch của một số tổ chức từ thiện của gia đình và cộng đồng. Quỹ Atlantic Philanthropies của Feeney bắt đầu sứ mệnh “làm rỗng túi” từ năm 1982 với ước mơ muốn tạo ra sự thay đổi lớn cho cuộc sống của những người gặp khó khăn. Ông ước mơ mang lại hòa bình cho Bắc Ireland, hiện đại hóa hệ thống chăm sóc y tế của Việt Nam hay biến Roosevelt Island của New York trở thành một trung tâm công nghệ.
Tấm vải liệm không có túi
Cho đến nay, Feeney đã xây cả ngàn tòa nhà khắp châu lục, nhưng tên của ông không hề xuất hiện trong bất cứ công trình nào, từ trên các viên đá ốp tòa nhà hay trong các văn bản. Trong nhiều năm, quỹ Atlantic Philanthropies của Feeney yêu cầu những người được hưởng lợi không được công khai sự tham gia giúp đỡ của họ.
Khi các hoạt động từ thiện của ông được tiết lộ, rất nhiều người mới biết đến và muốn tiếp xúc với ông. Họ tò mò điều gì đã khiến ông quyên hết tài sản của mình, để rồi sống một cuộc đời có phần nghèo khổ trong một căn hộ nhỏ như thế. Trước sự tò mò của mọi người, Feeney mỉm cười kể một câu chuyện: “Một con cáo nhìn thấy những chùm nho trong vườn kết đầy quả mọng, nó muốn đánh một bữa no nê, nhưng do mập quá, nó không chui qua hàng rào được. Thế là nó nhịn ăn nhịn uống 3 ngày 3 đêm để gầy đi, cuối cùng nó đã vào được bên trong! Đánh chén xong, nó vô cùng mãn nguyện, nhưng khi vừa ghé mình chui qua hàng rào thì nó lại không chui ra được. Hết cách, nó đành phải thực hiện theo cách cũ, nhịn ăn nhịn uống 3 ngày 3 đêm. Kết quả là, khi nó chui ra được bên ngoài, bụng lại trở về như trước khi chui vào”. Có lẽ, điều khiến ông thanh thản khi sống cuộc đời không tài sản trong một căn hộ nhỏ là bởi ông hiểu được rằng, dù tài sản có lớn đến đâu thì khi qua đời, ông cũng chẳng thể mang gì theo được. Cũng như con cáo trong câu chuyện trên, dù nó có cố gắng nhét đầy nho vào bụng của mình, nhưng rồi, nó cũng chẳng thể mang cái bụng đầy nho ấy ra ngoài, để chui ra được bên ngoài, nó buộc phải đợi cho đến khi cái bụng trở lại lép kẹp như trước khi chui vào. Bên cạnh đó, Feeney luôn có quan niệm rằng: “Thượng đế không có ngân hàng còn vải liệm thì không có túi, ai sinh ra cũng đều tay trắng, cuối cùng lại trắng tay, người đến rồi đi, chẳng ai có thể mang tài sản và danh tiếng mà mình cực khổ gây dựng đi cả”. Vì vậy, ông đã dùng toàn bộ tài sản của mình để quyên tặng với hi vọng cải thiện đời sống của con người và giúp xã hội phát triển tốt đẹp hơn. Ông thực sự đã hoàn thành được tâm nguyện “cho đi khi còn đang sống”, “không nợ nần không vướng bận gì để đi gặp Thượng đế”. Với những hành động cao thượng đó, Chuck Feeney đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều tỷ phú khác trên thế giới cam kết cho đi phần lớn tài sản để làm từ thiện như Bill Gates và Warren Buffett.
Đừng tìm hạnh phúc nơi vật chất, danh vọng
Thuở Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, tại thành Xá Vệ có một thiếu nữ nghèo khổ tên là Kisa Gotami. Lớn lên, cô kết hôn và có một bé trai đầu lòng. Nhưng bất hạnh thay, chẳng được bao lâu, con trai của cô qua đời vì cơn bạo bệnh. Kisa Gotami chưa bao giờ thấy cái chết, vì thế nên khi người ta mang đứa bé đi thiêu, cô cực lực ngăn cản rồi bế con trên hông đi từ nhà này đến nhà khác tìm thuốc cứu con. Nhìn cảnh ấy, không ai khỏi buồn thương rơi lệ. Một bậc trí giả thấu hiểu hoàn cảnh của Kisa Gotami nên chỉ dẫn cô đến gặp Đức Phật. Cô đảnh lễ Đức Thế Tôn, đứng một bên và thưa hỏi: – Bạch Thế Tôn, có thật như người ta đã nói, Ngài biết thuốc chữa cho con của con không? Đức Phật từ bi đáp: – Phải, ta biết. – Con phải kiếm những gì? – Một nhúm hạt cải trắng. – Con sẽ đi tìm, nhưng biết nhà ai có? – Nhà nào không có con trai, con gái hay bất cứ ai chết. – Xin vâng, bạch Thế Tôn! Kisa Gotami bế con vào làng, đến từng nhà hỏi xin hạt cải. Họ đều có hạt cải để đưa cho cô; nhưng đến khi Kisa Gotami hỏi thăm, thì mới biết rằng nhà nào cũng có người chết, người chết nhiều hơn người sống, thế là cô đành trả lại hạt cải. Cứ như vậy, cô bế con thất thểu đi đến chiều cũng không nhà nào có hạt cải đúng theo ý Đức Phật. Bất chợt, Kisa Gotami hiểu ra: Không phải chỉ mình cô mất con, mà trên đời này ai cũng từng mất đi người thân yêu của mình. Như có một dòng nước trong lành vừa gột rửa sạch vết thương lòng của cô; tâm cô chợt thông suốt, sáng sủa và mạnh mẽ hẳn lên. Cô lặng lẽ mang xác đứa bé vào rừng, chôn xuống đất rồi đi gặp Đức Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và đứng sang một bên. Đức Phật hỏi: – Con có xin được hạt cải không? Kisa Gotami đáp: – Thưa không, bạch Thế Tôn! Làng nào người chết cũng nhiều hơn người sống. Đức Phật từ bi khai thị: – Thật hão huyền nếu con nghĩ rằng chỉ mình con mất con. Ai cũng phải tuân theo định luật bất biến, đó là: “Thần chết, như một dòng nước lũ, quét sạch mọi chúng sinh ra biển hoại diệt, trong khi lòng tham đắm của họ chưa thỏa”. Và Ngài đọc Pháp cú: “Người tâm ý đắm say, Con cái và súc vật, Tử thần bắt người ấy, Như lụt trôi làng ngủ”. Phàm là con người sống trên thế gian này, dẫu giàu sang phú quý hay nghèo khổ bần hàn, ai rồi cũng phải chết. Quyền cao chức trọng, kho vàng đụn bạc, vợ đẹp con khôn đều cũng có lúc chia lìa. Sinh, lão, bệnh, tử, đó là những quy luật bất biến của đời người, ai ai cũng biết. Thế nhưng, mỗi người lại đối đãi với chúng bằng thái độ khác nhau, dẫn đến kết cục cũng khác nhau. Có người bị mê hoặc bởi ánh hào quang của danh và lợi, hay say đắm trong ái tình, nên cảm thấy vẫn còn ngày rộng tháng dài, không mảy may lo lắng. Bỗng một ngày tóc ngả muối tiêu, thân thể hao mòn, mới giật mình nhận ra những gì mình gom góp một đời sắp sửa thành hư vô cả. Có người lại rất nhạy cảm với sự ngắn ngủi của kiếp người, nên lao mình vào những cuộc vui, để tận hưởng tất cả những lạc thú trần gian khi còn có thể. Tính hưởng thụ càng dung dưỡng nó, nó càng thấy thiếu. Ăn, nó muốn càng lúc càng ngon. Mặc, nó muốn càng lúc càng đẹp. Thế nhưng, con người khi theo đuổi khoái lạc của bản thân thì dễ dàng làm tổn thương người khác, chính là trong vô minh mà tạo nghiệp. Tiền nhiều ắt sướng, tính hưởng thụ được phát triển tối đa. Điều này lý giải cho việc các quan tham không bao giờ tự dừng được. Tham nhũng một lần trót lọt, run muốn chết, nhưng vẫn cứ muốn thử lần nữa, rồi lần nữa. Kết quả khảo sát cho thấy, người Việt Nam có xu hướng hưởng thụ cuộc sống nhiều hơn khi họ bắt đầu dành tiền để chi tiêu cho những hoạt động vui chơi giải trí ngoài bằng cách mua sắm quần áo, nâng cấp nhà cửa, hay dành thời gian cho các hoạt động giải trí bên ngoài. Biết kiềm chế tính hưởng thụ là nền tảng của đức hạnh. Bản chất của tính hưởng thụ là trung tính nhưng luôn có xu hướng chuyển từ thiện sang ác. Phần lớn sự xấu xa bỉ ổi của cá nhân, sự bất ổn tan vỡ của gia đình đều do tính hưởng thụ đi quá đà và thường khó nhận ra hoặc không muốn nhận ra, bởi con người luôn lấy nhu cầu cuộc sống để biện minh cho tính hưởng thụ quá trớn. Tính hưởng thụ đi quá sự thiết yếu của đời sống dẫn đến cái ác, biết dừng trong sự cho phép đó là thiện? Khi trăm năm đời người vụt qua, thân xác tiêu vong nhưng linh hồn sẽ phải đối diện với sự phán quyết và trừng phạt tương ứng với tội nghiệp mà mình đã tạo. Chỉ có những ai hiểu được thân người khó đắc, kiếp người mong manh, một lòng hướng Thiện, đắc chính Pháp và nhẫn nhục tu hành, thì mới có cơ hội vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi biển khổ.
Tiền nhiều để làm gì: Bill Gates đi khắp thế giới “ngắm” toilet, đánh răng cũng nghĩ tới người nghèo Tỷ phú giữ vị trí giàu nhất thế giới trong suốt 24 năm - Bill Gates - có tổng tài sản cập nhật gần nhất khoảng 98 tỷ USD, chỉ xếp sau nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos. Như một số tỷ phú khác, ông đã cùng vợ mình thành lập quỹ Bill và Melinda Gates, dự định sẽ quyên góp 99% tài sản để làm từ thiện. Trên Instagram cá nhân, Bill Gates thừa nhận mình “đã đi nửa vòng Trái Đất chỉ để nhìn toilet”. Ông lý giải mỗi người trong chúng ta, ở các nước phát triển có thể dễ dàng đi vệ sinh, điều này không chỉ làm cho cuộc sống thoải mái mà còn là chìa khóa sức khỏe. Tuy nhiên, nguồn nước bị ô nhiễm sinh ra bệnh tật và giết chết hơn 500.000 người mỗi năm. Đó là lý do toilet trở thành vấn đề được Gates chú trọng trong quá trình hoạt động vì cộng đồng của ông
Theo Pháp Luật Plus
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.