Sợ bệnh tay chân miệng, cha mẹ nghĩ "chiêu độc" bảo vệ con

(lamchame.vn) - Quá sợ dịch bệnh tay chân miệng sẽ ảnh hưởng đến con, nhiều bậc phụ huynh đã xin nghỉ ở nhà trông con từng phút một kèm đủ “chiêu” độc bảo vệ thiên thần của mình

Thời gian qua, bệnh tay chân miệng đã bùng phát cả nước với diễn biến phức tạp, ca bệnh tăng lên từng ngày. Trong khi một số phụ huynh chủ quan, đợi đến lúc con co giật, tím tái mới đưa đến bệnh viện thì đã quá nặng, thì một số bậc cha mẹ rất sốt sắng chủ động phòng ngừa con từ đầu.

Cho con nghỉ học vì sợ lây bệnh

Hai tuần nay, chị Lệ Hằng (Hà Nội) làm nghề thiết kế tự do giờ giấc, đã xin ở nhà làm việc hẳn để chăm con. Chị cho con nghỉ học ở nhà cùng mẹ để tiện chăm sóc ăn, ngủ, thậm chí chơi cũng chỉ có hai mẹ con. Nguyên nhân là do chị sợ dịch bệnh tay chân miệng “gõ cửa” nhà mình, gây nguy hiểm cho bé gái 3 tuổi mới đi học vài tháng.

 

“Cháu mới đi học, hay khóc lóc, ăn uống thất thường, nay nếu bị tay chân miệng nữa thì tội nghiệp lắm”, chị Lệ Hằng giãi bày.

Thời gian này, chị Hằng cũng tranh thủ mua nhiều đồ ăn ngon, bổ đầy đủ chất để con tăng cường sức đề kháng, chống bệnh tật.

Trong khi đó, chị Thiếu Anh (Đà Nẵng) cho biết thời gian này gia đình quyết định “nhốt” con trai 4 tuổi trong nhà chơi với người thân, không cho đi ra những nơi công cộng như công viên, siêu thị, trường học… sau khi lớp bé có bạn bị tay chân miệng. Chị cho biết tuy con tỏ vẻ rất bứt rứt, khó chịu vì không gặp bạn bè nhưng chị đành chịu. “Thà cho con buồn còn hơn để con bị lây bệnh”, chị nói.

Bên cạnh đó, các bà mẹ kỹ tính cũng cho biết từ khi nghe tin về dịch bệnh, họ đem hết đồ chơi của con vệ sinh sạch sẽ, nói không với việc cho con đến khu vui chơi công cộng. “Khu vui chơi công cộng là nơi tập trung rất nhiều virus, vi khuẩn nguy hiểm cho sức khỏe con. Những đồ chơi ở đó rất ít được vệ sinh, nhiều trẻ gặp mút, thậm chí đi tè lên đó, dễ lây bệnh”, một phụ huynh cho biết.

Coi chừng con nghiện iPad sau mùa dịch

Còn chị Lệ Anh (quận Bình Thạnh, TP HCM) cũng vừa bị một phen hú hồn khi con trai có dấu hiệu tay chân miệng nhưng bác sĩ gần nhà không phát hiện ra. Cụ thể, con chị sốt liên miên, mọc nốt ở tay và miệng. Nghe được những thông tin cha mẹ chủ quan khiến con trở nặng không thể cứu chữa, chị ôm con đến Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị. May mắn, bác sĩ chẩn đoán bé bị nhẹ, đã bớt sốt, cho thuốc uống và về nhà theo dõi.

Từ ngày con đỡ đến nay, chị giữ con đến mức mọi người cho là “cực đoan” khi không cho con bước chân ra khỏi nhà một lần, chỉ cho con chơi iPad. “Tôi biết cho con ở nhà chơi iPad có hại cho con nhưng nếu không, con khóc lóc khó chịu đòi ra ngoài. Thôi ráng vài bữa hết dịch lại cai iPad”, chị nói.

Nhiều bậc cha mẹ khác còn có những hành động được cho là "cực đoan" hơn, như sẵn sàng chi tiền triệu để phòng ngừa bệnh tay chân miệng. Nghe nói dụng cụ chăn gối nệm, bọc sofa được quảng cáo có công nghệ diệt khuẩn giúp con phòng bệnh, chị Thương (quận 7, TP HCM) sốt sắng đầu tư tiền triệu để sở hữu.

Ngoài ra, nhiều mẹ chuyền tai nên thi nhau mua các loại tinh dầu thơm cam, bưởi, sả ở chợ (chưa rõ nguồn gốc, có thể chứa hóa chất) để xứt, xông, tắm cho con phòng ngừa dịch bệnh. Không chỉ thế, nhiều người không tiếc mua dung dịch nano bạc sát khuẩn để sát trùng đồ chơi, đồ dùng, nhà cửa.

Nên làm theo khuyến cáo của Bộ Y tế

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh những dụng cụ, sản phẩm thương mại nói trên có thể phòng ngừa hiệu quả. Để phòng ngừa bệnh, phụ huynh chỉ nên chú trọng làm theo những khuyến cáo của Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế như:

 

1.Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang