Số mắc sốt xuất huyết tăng 97%, Bộ Y tế cảnh báo dịch rất phức tạp

NLĐO)- Bộ Y tế dự báo chu kỳ dịch sốt xuất huyết sẽ rơi vào năm nay. Nguy cơ sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, lây lan trong cộng đồng và gây bệnh là rất lớn.

Ngày 22-6, tại buổi tập huấn trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác điều trị sốt xuất huyết (SXH) Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 62.955 trường hợp mắc SXH, 29 trường hợp tử vong, 47.821 trường hợp nhập viện điều trị.

So với cùng kỳ năm 2021 (31.962/5) số mắc tăng 97% lần, số tử vong tăng 24 trường hợp. Tỉ lệ tử vong/mắc hiện là 0,046% so với chỉ tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia là 0,09%.

 Số mắc sốt xuất huyết tăng 97%, Bộ Y tế cảnh báo dịch rất phức tạp  - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn yêu cầu các cơ sở y tế sẵn sàng phương tiện cấp cứu, điều trị bệnh nhân SXH - Ảnh: Nhiên Minh

Trong những tuần gần đây, số mắc SXH trên cả nước đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam với số mắc và tử vong liên tục tăng cao. Dự báo thời gian tới sẽ bước vào những tháng cao điểm do thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho đàn muỗi truyền bệnh phát triển.

Tại buổi tập huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết theo dự báo, chu kỳ dịch sốt xuất huyết sẽ rơi vào năm nay. Nguy cơ SXH vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, lây lan trong cộng đồng và gây bệnh là rất lớn.

"Ngay từ khi có dịch sốt xuất huyết rải rác tại một số địa phương, đặc biệt tại TP HCM và Bình Dương, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo các Sở Y tế tăng cường truyền thông, tổ chức phòng, chống dịch tại địa bàn với nhiều biện pháp, trong đó chú ý nhiều biện pháp như phát quang bụi rậm, chú ý nguồn nước sạch" - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, năm nay, số ca SXH nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Số trẻ em tử vong do SXH nhiều hơn người lớn, trong khi những năm trước số người lớn tử vong nhiều hơn.

Mặc dù các cơ sở y tế đã được tập huấn nhiều lần về thu dung, điều trị SXH Dengue, tuy nhiên, trong bối cảnh dịch chồng dịch, nhân viên y tế chưa kịp hồi sức, các cơ sở y tế không được chủ quan. Vì vậy, các địa phương cần nâng cao vai trò truyền thông, hướng dẫn người dân nhận biết triệu chứng và điều trị SXH tại nhà.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn yêu cầu Sở Y tế các địa phương chú trọng công tác tuyên truyền, có những khẩu hiệu, tờ rơi hướng dẫn cho người dân thực hiện; đồng thời nhấn mạnh tới vai trò thu dung, điều trị và phân độ sốt xuất huyết tại các cơ sở y tế, chuẩn bị phương tiện, vật tư thuốc men sẵn sàng cấp cứu hồi sức, tránh tình trạng để người bệnh bị sốc do sốt xuất huyết.

"Hiện nay, ngành y tế vừa phải đáp ứng mục tiêu kép là tiếp tục chống dịch Covid-19 vừa tăng cường đáp ứng đối với SXH, đặc biệt tại địa bàn miền Nam, miền Trung. Vì vậy, việc tập huấn công tác điều trị rất quan trọng để tiếp tục củng cố kiến thức, năng lực cho các tuyến trong công tác thu dung, điều trị bệnh nhân SXH"- ông Sơn nhấn mạnh.

Duy trì đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch SXH

PGS Lương Ngọc Khuê yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh cần củng cố và duy trì hoạt động của "Nhóm điều trị SXH" và "Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch SXH" tại các đơn vị khám, chữa bệnh để có thể thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.

Nhóm điều trị SXH bao gồm bác sĩ, điều dưỡng các khoa truyền nhiễm, khoa nhi, khoa hồi sức cấp cứu và khoa khám bệnh, có kinh nghiệm, kiến thức và năng lực chuyên môn tốt về xử trí các trường hợp SXH, do một lãnh đạo bệnh viện trực tiếp phụ trách để thường xuyên thảo luận, rút kinh nghiệm điều trị và sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị tuyến dưới trong xử lý cấp cứu, điều trị và chăm sóc SXH.

 

Link gốc: https://nld.com.vn/suc-khoe/so-mac-sot-xuat-huyet-tang-97-bo-y-te-canh-bao-dich-rat-phuc-tap-2022062217235935.htm?fbclid=IwAR2evWztIG0icL598h9SDVbfVmjPHuAgb1_a92jv3W8RY02Afc6d1QH-XBM

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang