Thông tin từ Trung tâm truyền thông và Tri thức số, Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội cho biết trong 2 ngày 27-28/4, ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp tục tổ chức bài thi Đánh giá tư duy với quy mô lớn cho gần 14.000 thí sinh đăng ký dự thi tại 29 điểm thi ở 11 tỉnh/thành phố.
Đợt thi gồm 2 kíp thi sáng và chiều, trong đó kíp sáng đã có 7.130 thí sinh đến làm bài thi trên tổng số 7.231 thí sinh đăng ký dự thi. Kíp chiều đã có 6.566 thí sinh đến làm thủ tục thi trên tổng số 6.720 thí sinh đăng ký dự thi.
Kíp thi buổi sáng đã diễn ra thành công, toàn bộ kết quả thi của thí sinh đã được ghi nhận trên hệ thống. Mặc dù có một số thí sinh bị lỗi mở đề phần thi Tư duy Toán học chậm mất một vài phút, nhưng vẫn nằm trong khung phạm vi thời gian cho phép của phần thi nên sẽ không ảnh hưởng tới kết quả thi của thí sinh.
Trong kíp thi buổi chiều, bộ phận kỹ thuật đã phát hiện hệ thống nền tảng thi có dấu hiệu thiếu ổn định từ thời điểm 13h50 (40 phút trước khi diễn ra bài thi). Ban chỉ đạo thi đã quyết định lùi thời gian bắt đầu thi 60 phút để kiểm tra lại hệ thống và đã cho mở lại thời gian vào thi lúc 15h30. Phần thi Tư duy Toán học đã diễn ra thành công.
Sau đó chuyển sang phần thi Tư duy Đọc hiểu thì hệ thống lại có dấu hiệu mất ổn định trở lại. Các dịch vụ đồng bộ dữ liệu bị gián đoạn, bài làm của thí sinh không được cập nhật về Server dẫn đến thí sinh không thể tiếp tục hoàn thành bài thi. Ngay sau đó, Ban chỉ đạo thi đã quyết định cho dừng kíp thi vào lúc 17h00 cùng ngày.
Ngay trong ngày, bộ phận kỹ thuật đã xác định nguyên nhân lỗi là do tài nguyên Server của hệ thống nền tảng thi bị quá tải do một số chức năng mới được đưa vào sử dụng để tổng hợp dữ liệu trợ giúp giám thị sàng lọc và phát hiện nguy cơ gian lận thi cử. Chức năng này đã xảy ra lỗi và chiếm dụng các tài nguyên của hệ thống, từ đó tạo hiệu ứng dây chuyền làm treo hệ thống thi.
Với mong muốn mang lại những trải nghiệm tốt nhất cho các em học sinh về một bài thi hiện đại, ứng dụng nhiều công nghệ mới, bắt đầu từ năm 2023 đến nay, ĐH Bách khoa Hà Nội đã phối hợp cùng các đối tác kỹ thuật, tổ chức thành công 6 đợt thi với tổng số gần 40.000 thí sinh tham gia. Các đợt thi đều đã diễn ra thành công, suôn sẻ, không ghi nhận có sự cố kỹ thuật lớn nào. Với lỗi hệ thống này, đây là sự cố lớn đầu tiên mà Hội đồng thi đã phải quyết định cho dừng kíp thi theo quy chế thi.
Trong các đợt thi tiếp theo, Nhà trường cùng các đối tác công nghệ cam kết sẽ thực hiện khâu kiểm soát kỹ thuật chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo không để xảy ra các sự cố tương tự.
Theo PGS.TS Vũ Duy Hải, Trưởng Ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, ĐH Bách khoa Hà Nội, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thi Đánh giá tư duy năm 2024 cho biết: đây là một sự cố kỹ thuật rất đáng tiếc, Nhà trường rất lấy làm tiếc và xin gửi lời xin lỗi chân thành tới các bạn thí sinh cũng như các bậc phụ huynh và mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ của các em học sinh và các bậc phụ huynh cho sự cố kỹ thuật lần này.
Hội đồng thi đã gửi email thông báo cho tất cả các thí sinh tham dự kíp thi trên về sự cố này và đưa ra các giải pháp để thí sinh có thể lựa chọn nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các em. Theo đó, Hội đồng thi Đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội đã quyết định như sau:
Hội đồng thi sẽ tổ chức thi bù cho các thí sinh đã không thể hoàn thành bài thi trong kíp thi chiều ngày 28/4 vào ngày Chủ Nhật, 19/5.
Các thí sinh đã không thể hoàn thành bài thi trong kíp thi chiều ngày 28/4 sẽ được ưu tiên đăng ký dự thi miễn phí trong đợt 5 hoặc đợt 6 diễn ra vào các ngày 8-9/6 và 15-16/6.
Các thí sinh không thể bố trí được thời gian tham dự thi bù vào ngày 19/5, Hội đồng thi sẽ hoàn trả lại phần lệ phí dự thi mà các em đã đóng cho kíp thi chiều ngày 28/4.
Như vậy thí sinh dự thi kíp chiều ngày 28/4 có 2 quyền lợi: đăng kí dự thi bù vào ngày Chủ nhật 19/5 và nếu có nhu cầu đăng kí dự thi một trong hai đợt thi còn lại là 8-9/6, 15-16/6 thì sẽ được miễn phí đăng kí dự thi. Còn thí sinh không có nhu cầu thi bù thì được trả lại lệ phí dự thi. Thí sinh lưu ý, những ưu tiên trên chỉ những thí sinh dự thi chiều 28/4 vừa qua.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.