Sữa học đường: "Chúng tôi cần chất lượng chứ không phải 50% tiền hỗ trợ"

(lamchame.vn) - Nhiều phụ huynh cho biết họ e ngại trước chất lượng sữa học đường vì sợ tình trạng sữa quá hạn được tái sử dụng, sữa không được bảo quản đúng cách hoặc trộn sữa bột vào sữa tươi, thì chỉ có hại thêm cho con

Mới đây, TP HCM đã thông qua đề án Sữa học đường cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh giai đoạn 2018-2020.

Mỗi học sinh uống 180 ml sữa/ngày

Theo đó, kinh phí cho đề án chương trình Sữa học đường TP HCM giai đoạn 2018-2020 là 1.135 tỉ đồng . Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 350 tỉ đồng (chiếm 30%), doanh nghiệp cung cấp sữa chi trả 20% (gần 240 tỉ đồng), phụ huynh đóng góp 50% kinh phí (548 tỉ đồng). 

Trong năm học 2018-2019, chương trình Sữa học đường triển khai với trẻ mẫu giáo và thí điểm học sinh lớp 1 tại huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh. Năm tiếp theo, chương trình sẽ triển khai với trẻ mẫu giáo, rút kinh nghiệm và mở rộng thực hiện đại trà cho học sinh tiểu học lớp 1.

Sữa học đường ở Thái Lan. Ảnh: Dairy Reporter

Theo đề án, khi chương trình được áp dụng, mỗi học sinh ở TP HCM sẽ được uống sữa 9 tháng trong một năm học, trừ ba tháng hè; mỗi ngày uống 180 ml sữa.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết khi được giao triển khai tham mưu đề án, Sở đã lấy ý kiến hơn 260.000 phiếu khảo sát và có đến 84% đồng thuận cho trẻ uống sữa tại trường 5 lần mỗi tuần.

Phụ huynh lo sữa pha bột

Trước đó, khi Hà Nội triển khai đề án sữa học đường, nhiều phụ huynh từng bày tỏ sự lo lắng về chất lượng sữa. Điều này xảy ra tương tự ở TP HCM, nơi chất lượng sống vốn dĩ đã cao, học sinh không hề thiếu thốn các loại sữa.  

Chị Đặng Thị Thiệp (quận 12, TP HCM) có hai con đang học tiểu học, 1 con học mầm non, cho biết chị thực sự e ngại trước chất lượng sữa học đường vì sợ tình trạng sữa quá hạn được tái sử dụng. “Vì nơi tôi ở, người ta bán sữa sắp hết hạn với giá rất rẻ nên tôi sợ lượng sữa này tràn vào trường học. Chưa kể, sữa với số lượng nhiều không được bảo quản đúng cách hoặc nhà thầu không có tâm pha sữa bột thêm vào sữa cũ, thì chỉ có hại thêm cho con”, chị Thiệp bày tỏ nỗi lo.

Nhiều phụ huynh gay gắt hơn cho biết việc bỏ 50% chi phí cho một hộp sữa mỗi ngày không là vấn đề với họ nhưng không nên nhân danh vấn đề nhân văn trong việc triển khai sữa học đường. “Con tôi ngày thường đã được uống sữa tốt và tôi tin ngày nay, ở TP phát triển như Hà Nội hay TP HCM, không ai tiếc tiền cho con uống một bình sữa. Tuy nhiên, ngay cả việc ăn uống bán trú ở trường con và các bạn cũng hay gặp ngộ độc thực phẩm, thì ai đảm bảo Sữa học đường không gây ảnh hưởng sức khỏe cho con. Rồi khi xảy ra chuyện, có ai dám đứng ra nhận trách nhiệm?”, anh Nguyễn Lân (quận Thủ Đức, TP HCM) nói.

Nhiều người khẳng định họ không cần hỗ trợ 50% mà chỉ cần biết chính xác loại sữa con mình uống chất lượng đến đâu. “Nếu nói vì vóc dáng người Việt, tôi sẵn sàng cho con đem sữa ở nhà lên uống mỗi buổi chiều. Chúng tôi cần sữa chất lượng chứ không phải 50% tiền hỗ trợ”, anh Lân khẳng định.

Sữa học đường trong bữa ăn xế của trẻ Nhật Bản. Ảnh: JPT

Bên cạnh đó, rất nhiều chị em cũng phụ huynh phản đối về vấn đề này, cho rằng trường học chỉ nên tập trung chuyên môn dạy – học, còn sữa, dinh dưỡng để cha mẹ lo, sẽ yên tâm hơn. “Các món ăn xế con tôi còn không ăn hết, đem về hoài, thử hỏi những trẻ tiểu học biếng ăn, biếng uống ai sẽ giám sát việc uống sữa này? Hay lại đổ, gây lãng phí tiền bạc?”, một phụ huynh chia sẻ trên mạng xã hội.

Một số phụ huynh khác đề xuất để nâng cao thể chất cho mầm non đất nước, điều quan trọng mà cơ quan chức trách giáo dục cần làm là giảm tải chương trình học thuật, tăng cường giáo dục thể chất, vui chơi ngoài trời. “Hiện nay, không ai thiếu tiền mua sữa, đồ ăn dinh dưỡng cho con, chỉ thiếu thời gian vận động. Chỉ cần chương trình nhẹ nhàng bớt, các con sẽ có thời gian chơi các môn thể thao, từ đó có thể cao lớn”, chị Thiệp nói.

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang