Tác dụng phụ sau tiêm vaccine COVID-19: Cách theo dõi và xử trí đúng chuẩn khoa học

Khi ngày càng nhiều người được tiếp cận được với vaccine COVID-19, cách xử trí các tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine COVID-19 là điều ai cũng cần biết.

Tất cả các loại vaccine đều có thể gây ra tác dụng phụ mặc dù tỷ lệ này rất thấp, vaccine COVID-19 cũng vậy.

Hiện tại, trên thế giới có khoảng 15 loại vaccine COVID-19 đã được phép sử dụng tại ít nhất một quốc gia.

Những tác dụng phụ sau tiêm vaccine COVID-19

Tác dụng phụ sau tiêm vaccine COVID-19: Cách theo dõi và xử trí đúng chuẩn khoa học - Ảnh 2.

Các tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine COVID-19.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các tác dụng phụ thường gặp nhất sau khi tiêm vaccine COVID-19 là mệt mỏi, sốt, nhức đầu, đau nhức cơ thể, ớn lạnh, buồn nôn, tiêu chảy và đau tại chỗ tiêm.

Bất kỳ ai tiêm vaccine đều có thể có tác dụng phụ nhưng mức độ sẽ khác nhau tuỳ mỗi người. Một số có thể ít hoặc không có tác dụng phụ nào, nhưng số ít khác sẽ có nhiều tác dụng phụ.

Vậy nên làm gì nếu xảy ra tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine COVID-19?

Sử dụng các thuốc không cần kê đơn

Nhiều người nghĩ rằng nên uống thuốc không cần kê đơn trước khi tiêm vaccine để tránh các tác dụng phụ. Tuy nhiên, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), điều này không đúng bởi vì không phải ai cũng có tác dụng phụ.

Tốt nhất hãy đợi đến sau khi được tiêm vaccine để xem có bất kỳ tác dụng phụ nào xảy ra không. Nếu có, hãy làm theo hướng dẫn của cơ sở tiêm chủng hoặc liên hệ với bác sĩ hoặc nhân viên y tế để được trợ giúp, hoặc đến gặp dược sĩ tại địa phương. Sau khi hỏi rõ về tiền sử và bệnh sử, họ sẽ tư vấn bạn nên sử dụng loại thuốc không kê đơn nào có thể làm giảm tác dụng phụ của vaccine.

 

Trong trường hợp bị đau cơ, đau tại chỗ tiêm hoặc sốt nhưng không thể liên hệ được bác sĩ, dược sĩ hoặc nhân viên y tế, có thể uống các loại thuốc giảm đau sau:

• Ibuprofen (Advil)

• Acetaminophen hoặc paracetamol (Tylenol)

• Aspirin (không được tự ý sử dụng cho trẻ em dưới 12 tuổi).

Tuy nhiên, hãy lưu ý mặc dù là thuốc không cần kê đơn nhưng chỉ nên được sử dụng trong trường hợp không thể liên hệ được với bác sĩ, dược sĩ hoặc nhân viên y tế. Không nên lạm dụng và sử dụng bừa bãi.

Các biện pháp tại nhà

Nếu không muốn uống thuốc, một số phương pháp sau có thể giảm nhẹ các tác dụng phụ.

Tác dụng phụ sau tiêm vaccine COVID-19: Cách theo dõi và xử trí đúng chuẩn khoa học - Ảnh 6.

Cách xử trí tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine COVID-19 tại nhà.

 

Phản ứng tại chỗ tiêm (đau hoặc sưng tại chỗ tiêm): dùng khăn ướt sạch và mát để chườm, giúp giảm đau cơ và khớp.

Đau nhức hoặc cứng ở cánh tay: vận động cánh tay càng nhiều càng tốt nhằm thả lỏng các cơ bị đau. Điều này có thể khó chịu đôi chút nhưng sẽ làm giảm tình trạng căng cứng.

Ớn lạnh và sốt nhẹ: uống nhiều nước để tránh mất nước. Mặc quần áo mỏng và nhiều lớp giúp bớt nóng.

"Cánh tay COVID"?

Đây là một tác dụng phụ của vaccine COVID-19 Moderna. Triệu chứng bao gồm một vết phát ban đốm, màu đỏ xung quanh vết tiêm, xuất hiện khoảng 7 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên. Ban sẽ kéo dài trong khoảng 5 ngày, nhưng cũng có thể đến 3 tuần. Tuy nhiên, không cần lo lắng quá nhiều nếu phát ban lâu hơn vì phát ban này không đe dọa đến tính mạng. [Đọc thêm về "cánh tay COVID" tại đây]

Tác dụng phụ sau tiêm vaccine COVID-19: Cách theo dõi và xử trí đúng chuẩn khoa học - Ảnh 9.

Các phát ban này có thể ngứa hoặc đau nhưng không ảnh hưởng đến tính mạng. Nguồn https://www.aad.org/

Nếu ban lan rộng và gây khó chịu, hãy sử dụng một miếng gạc mát hoặc khăn sạch, ướt hoặc một túi đá quấn trong khăn để chườm.

Ngoài ra, có thể hỏi dược sĩ liệu có sử dụng được thuốc kháng histamine như diphenhydramine (Benadryl).  Nhưng bạn lưu ý, thuốc kháng histamine có thể gây buồn ngủ, vì vậy không nên lái xe ngay sau khi uống.

Tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine kéo dài trong bao lâu?

Tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine COVID-19 chỉ kéo dài trong vài ngày. Nếu các triệu chứng kéo dài lâu hơn, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc nhân viên y tế.

 

Một số tác dụng phụ như sốt, ớn lạnh và mệt mỏi giống với các triệu chứng của COVID-19. Hãy lưu ý đến chúng, vì  bạn có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trước hoặc sau khi tiêm vaccine (trước khi cơ thể sản sinh kháng thể). Mặc dù vaccine rất có hiệu quả trong việc phòng ngừa bệnh nhưng chúng không thể đạt đến hiệu quả 100%.

Điều quan trọng là không có vaccine nào có thể gây ra COVID-19 vì không có loại vaccine COVID-19 nào chứa virus sống SARS-CoV-2. Bất kỳ ai mắc COVID-19 sau khi tiêm vaccine đều có khả năng đã tiếp xúc với virus trước khi cơ thể tạo được miễn dịch.

Nếu có các tác dụng phụ giống với COVID-19, hãy liên hệ với nhân viên y tế địa phương để được xét nghiệm COVID-19 và tuân thủ cách ly theo hướng dẫn.

Khi nào nên gặp dược sĩ?

Hãy đến gặp dược sĩ khi muốn sử dụng thuốc không cần kê đơn như đã đề cập. Họ sẽ giúp xác định xem liệu thuốc có an toàn và phù hợp sau khi biết rõ thông tin tiền sử và bệnh sử của từng người.

Dược sĩ sẽ đánh giá tiền sử sức khỏe và đảm bảo rằng không có bất kỳ tương tác thuốc nào xảy ra. Ngoài ra, họ cũng có thể hướng dẫn các phương pháp điều trị tại nhà và tư vấn về việc lúc nào cần liên hệ với bác sĩ.

Theo dõi tác dụng phụ

Mặc dù các tác dụng phụ đa phần là nhẹ và rất ít xảy ra nhưng phải hiểu rằng các tác dụng phụ cho thấy vaccine đang hoạt động, cơ thể đang tạo ra kháng thể chống lại COVID-19.

Tác dụng phụ sau tiêm vaccine COVID-19: Cách theo dõi và xử trí đúng chuẩn khoa học - Ảnh 14.

Người được tiêm xong sẽ ở lại khu vực tiêm khoảng 30 phút để theo dõi phản ứng sau tiêm. Trong ảnh: Khu vực theo dõi, xử trí phản ứng trong ngày đầu tiên của chương trình tiêm chủng tại TP HCM 19/6. Ảnh Hoàng Triều

Mỗi người sẽ có mức độ tác dụng phụ khác nhau. Một số người có thể gặp phải các phản ứng phụ nghiêm trọng hơn những người khác.

Sau khi tiêm liều đầu tiên, nhân viên y tế sẽ theo dõi người được tiêm trong khoảng 30-45 phút để đảm bảo xử trí kịp thời nếu phản ứng dị ứng.

Hãy chú ý theo dõi các tác dụng phụ và phải liên hệ ngay với bác sĩ và nhân viên y tế nếu các triệu chứng kéo dài và nặng hơn.

BS Hà Xuân Nam, tổ chức Y học cộng đồng (dịch từ Medical News Today)

Y Học Cộng Đồng là dự án thiện nguyện do nhiều bác sĩ trong và ngoài nước chung tay xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm CNTT và hơn 200 cộng tác viên.

Website https://yhoccongdong.com/ là nơi tổng hợp và chuyển tải thông tin cơ bản, quan trọng về nhiều loại bệnh, cách điều trị và phòng tránh giúp cộng đồng giữ gìn sức khỏe. Những thông tin này luôn tham khảo tài liệu dành cho bệnh nhân uy tín ở Anh, Nhật, Mỹ để đảm bảo tính xác thực và tính hệ thống.

 

Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/tac-dung-phu-sau-tiem-vaccine-covid-19-cach-theo-doi-va-xu-tri-dung-chuan-khoa-hoc-161212106173506245.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang