Xem toàn diễn biến sự việc TẠI ĐÂY.
Trong mối quan hệ giữa mẹ kế và con chồng, có thể thấy rắc rối và căng thẳng có thể xảy ra khi 3 nhân tố này chung sống dưới một mái nhà. Để “hóa giải” sự phức tạp đó, không ít người cho rằng, chỉ cần “trả” đứa trẻ về với mẹ chúng là yên chuyện. Nhưng master coach Ánh Đặng - người có kinh nghiệm 8 năm nghiên cứu và tư vấn hôn nhân - cho rằng, ngay cả khi con chồng ở với mẹ, “dì ghẻ” cũng vẫn có thể có tâm lý hậm hực.
Master coach Ánh Đặng
“Anh ấy ly hôn rồi, mẹ con nó vẫn không để cho yên”
Nhiều thân chủ mà Ánh Đặng từng tư vấn hôn nhân là người thứ ba, từng có thời gian dài ngoại tình trước khi thuyết phục được người đàn ông ly hôn, cam kết hôn nhân mới với mình.
Có một cô, khi còn yêu đương thì đồng ý giao kèo rằng bạn trai sẽ có trách nhiệm chăm nom cho con riêng của anh ta. Cô ấy chấp nhận thực tế đó và rất vui vẻ với việc bạn trai vừa chu cấp tiền cho mình, vừa chăm nom vợ con. Khi anh ta chính thức bỏ vợ để kết hôn với mình, con gái để vợ cũ nuôi, cô lại có thái độ khác.
“Em nghi ngờ vợ cũ anh ấy kiếm cớ để gặp lại, níu kéo chồng em. Em cấm. Hơi chút con ốm cũng gọi, bận không đón được cũng gọi. Mẹ nó nuôi thì mẹ nó phải có trách nhiệm chứ! Ly hôn rồi mà vẫn xui nhau “ám”, không để cho chúng em được yên.
Em tức lắm, bắt chồng em đưa tiền, em trực tiếp quản lý chuyển khoản để gửi cho con hàng tháng. Con ốm hay đi họp phụ huynh mà vợ cũ gọi chồng em về, em cũng phải đi theo về cùng anh xem có thật không. Nhưng trước anh đồng ý, giờ thì cũng tỏ vẻ khó chịu với em rồi…” - thân chủ này tâm sự.
Ánh Đặng phân tích, cái khó chịu, căm ghét của người “dì ghẻ” ở đây không phân tách được là do ghét người mẹ hay đứa con. Cô ấy tức tối khó chịu vì cho rằng tiền của chồng phải đưa hết cho mình, chăm lo cuộc sống mới với mình, nay lại phải chia ra gửi cho con riêng. Cô ấy cũng lo lắng, khi sinh con thì chồng sẽ không toàn tâm toàn ý lo cho con chung, vì còn bận lo cho đứa trẻ kia.
Cũng có những thân chủ vật vã đau khổ vì sinh con ra nhưng đứa trẻ không xinh xắn bằng, không thông minh giỏi giang bằng con riêng của chồng. Bản thân họ đã không hạnh phúc vì cảm giác thua kém, nhiều khi còn bị chồng đổ lỗi, cho rằng không biết dạy dỗ con, không biết cách khiến chồng tự hào… Vì thế, khi chồng tỏ ra yêu mến, chăm sóc con riêng, họ lại càng giận dữ.
Đàn ông chăm con quyến rũ chỉ khi chưa là chồng mình
Một số trường hợp “dì ghẻ” khác mà Ánh Đặng tiếp xúc từng say mê người đàn ông vì anh ta yêu con và... yêu cả mình. Nhưng khi anh ta chính thức ly hôn, sự yêu con đó lại là cản trở.
Một thân chủ tâm sự: “Tôi thấy anh quyến rũ vì anh rất yêu con. Mỗi lần đi chơi với tôi mà con anh gọi điện không có bút chì, thiếu cái này cái khác, anh sẽ chạy đi mua ngay.
Yêu nhau 4 năm, nhùng nhằng mãi anh mới ly hôn, tôi thấy đứa trẻ như là ung nhọt. Con thì vợ cũ anh nhận nuôi, nhưng cả năm nay nó thường xuyên về nhà bố. Đó có phải thủ đoạn cô ta để săn đón anh ấy không?
Có lần, tôi thả tim vào một status của vợ cũ anh ấy, cô ta lồng lộn lên với tôi, rồi anh ấy cũng mắng tôi. Có phải anh ấy vẫn dây dưa với cô ta không?”.
Master coach phân tích, đây là một tâm lý rất phổ biến ở con người. Phụ nữ có thể thấy đàn ông hấp dẫn vì sự tận tâm anh ta dành cho ai đó (con cái, bố mẹ, vợ, thú cưng...), rồi có thể lại ghét anh ta vì chính sự tận tâm đó.
Phụ nữ coi đó là nét quyến rũ vì phóng chiếu, tưởng tượng rằng mình cũng sẽ được chiều chuộng, ôm ấp, yêu thương như vậy, nếu người đàn ông đó là CỦA MÌNH. Những người phụ nữ từng có tổn thương tình cảm, từng trải qua mối quan hệ bạo lực thì càng dễ bị hấp dẫn bởi sự ân cần này.
Nhưng cần nói rõ, điều đó không có nghĩa là cô ta yêu đứa trẻ và muốn người đàn ông chăm sóc nó. Mà nó giống như chúng ta xem một bộ phim lãng mạn, tự tưởng tượng mình là nhân vật chính trong đó.
Cái mà những người thuộc nhóm này hy vọng, đó là người đàn ông sẽ yêu chiều mình y hệt như thế. Do vậy, họ chỉ có sự ngưỡng vọng khi còn là bồ, còn khi đã "xơi cỗ cả mâm" (tức là bước vào hôn nhân cùng với những rắc rối và trách nhiệm của nó), cô ấy vỡ mộng. Họ hờn giận người đàn ông, đáng lẽ không được phép quan tâm đến con, phải chu cấp, nuông chiều mình như khi chưa bỏ vợ.
"Các ông chồng đang ngoại tình đừng thấy bồ cảm động trước việc các anh chăm con tốt, động viên các anh vun vén cho con thì vội cho rằng người phụ nữ đó là nhân hậu, sẽ thay thế vợ mình chăm con tốt sau ly hôn. Nhiều người cảm động vì liên hệ hình ảnh đẹp này của các anh với viễn cảnh anh có thể chăm sóc tốt cho riêng cô ấy và đứa con chung của hai người sau này (nếu có) mà thôi"- Ánh Đặng nhắn nhủ.
Định kiến “giết chết” tình cảm dành cho con chồng
Theo master coach Ánh Đặng, dù con riêng ở với bố hay không ở với bố, nhiều người mẹ kế luôn phải sống trong cảm giác chiến đấu, luôn trong trạng thái bị so sánh về tài năng, nhan sắc, phải tìm cách giành giật tình cảm…
Một trong những lý do khiến họ hiếm khi có được hạnh phúc tròn vẹn, ngoài sự rối nhiễu tâm lý của họ, còn có sự “góp phần” của định kiến, kỳ thị của xã hội. Người đến sau luôn bị áp đặt những tính từ tiêu cực, bị hoài nghi về sự tử tế, tình cảm với con chồng.
Định kiến ấy có tác động lên chính đứa trẻ, khiến chúng mang ác cảm với người vợ sau của bố, bất kể cô ấy có phải là nhân tình, người thứ ba “xen vào” hôn nhân của bố mẹ chúng hay không. Chính đứa con cũng không sẵn sàng chấp nhận “mẹ ngoại lai”, không chào đón mẹ kế vào “tổ” của nó. Tâm lý “thù địch” của đứa trẻ con riêng và định kiến xã hội đã góp phần kích hoạt sự điên tiết, đố kỵ, sự tổn thương của các mẹ kế.
Nguyễn Võ Quỳnh Trang ở hiện trường hành hạ bé V.A
Đôi khi chính họ không chủ đích ghét con chồng. Dù vậy, khi “ăn cả miếng nạc lẫn xương”, tức là bước vào mối quan hệ nghiêm túc với người đàn ông có con riêng, người phụ nữ mới biết mình có năng lực yêu một đứa trẻ không phải con mình hay không.
“Làm mẹ tốt của con mình đã khó, làm mẹ tốt của con người còn khó gấp ngàn lần. Chỉ có "làm bồ" là dễ thôi. Khi là nhân tình, người phụ nữ được yêu chiều săn đón, chỉ việc xơi “món nạc” như đưa nhau đi khách sạn, du lịch, được chu cấp mua sắm, tiêu pha, được nghe những lời dịu dàng tán tụng. Khi bước vào cam kết hôn nhân, từ tình nhân bước vào vị trí vợ, những rắc rối và nỗi lo đẩy người ta vào tâm thế khác.
Có thể thấy, người đàn ông có “toàn tâm toàn ý” với tình mới hay không, có thực sự “cắt đứt” với vợ cũ và con riêng hay không, điều đó không quyết định sự hạnh phúc, thỏa mãn của người mẹ kế. Chỉ có chính cô ấy dẹp bỏ sự ích kỷ, lòng sân hận và tâm lý chiến đấu, giành giật, cô ấy mới có hạnh phúc.” - Ánh Đặng kết luận.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.