Bệnh nhi 3 tháng tuổi đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương với các biểu hiện da bong vảy ở tay chân. Trước đó trẻ đi khám tại bệnh viện tuyến cơ sở và được chẩn đoán dị ứng, chỉ định sử dụng thực phẩm chức năng và kem dưỡng ẩm.
Sau 1 tuần tình trạng của bé không được cải thiện, gia đình mới đưa bệnh nhi đến Bệnh viện Da liễu Trung ương. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán bé dương tính với bệnh giang mai. "Gia đình cũng bất ngờ, bố mẹ không có biểu hiện gì, cũng nghĩ cháu chỉ viêm da bình thường" - người nhà của bệnh nhi kể lại.
Ths. Bs Nguyễn Doãn Tuấn, Khoa điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, "khi tiếp nhận bệnh nhi, ngoài đánh giá các tổn thương ở trên da, các bác sĩ cũng đã sàng lọc tổn thương ở những cơ quan bộ phận khác". Bệnh nhi hiện được sử dụng kháng sinh trong điều trị giang mai và một số sản phẩm bôi tại chỗ để cải thiện tình trạng bong vảy lòng bàn tay, bàn chân.
TS.BS Phạm Thị Minh Hương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, giang mai bẩm sinh là trường hợp mẹ mắc bệnh giang mai, không được điều trị và truyền cho thai nhi trong khi mang thai.
Bệnh lây truyền thường xảy ra từ tháng thứ 4 - 5 của thai kỳ. Tùy theo mức độ nhiễm xoắn khuẩn từ người mẹ vào thai mà có thể xảy ra các trường hợp sẩy thai, thai chết lưu, trẻ đẻ non và có thể tử vong. Các trường hợp nhẹ hơn, em bé sinh ra nhẹ cân, vàng da kéo dài, ở trên da có nhiều ban đỏ, có những mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân hay là nứt vùng kẻ mép, khụt khịt và chảy dịch ở mũi.
TS.BS Phạm Thị Minh Hương cho biết biểu hiện của giang mai bẩm sinh sớm thường xuất hiện trong 2 năm đầu.
"Thường gặp nhất là trong 3 tháng đầu với các triệu chứng như phỏng nước lòng bàn tay, bàn chân, thường gặp hơn là triệu chứng bong vảy ở lòng bàn tay, bàn chân, sổ mũi, khụt khịt mũi, viêm xương sụn. Trẻ sinh ra thường nhẹ cân, da nhăn nheo, bụng to, có tuần hoàn bàng hệ, gan, lách to".
Một số trẻ không được điều trị vẫn có thể vượt qua được giai đoạn này ví dụ khi trẻ mắc số lượng xoắn khuẩn ít, các biểu hiện xuất hiện muộn hơn nhưng lúc này vi khuẩn giang mai có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, có thể ảnh hưởng đến cơ quan nội tạng như tai, mắt, xương và tim của đứa trẻ.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên xét nghiệm tầm soát giang mai ở giai đoạn tiền hôn nhân, trước mang thai, 3 tháng đầu thai kỳ để được điều trị ngay càng sớm càng tốt, đặc biệt trước sinh 4 tuần nhằm tránh nguy cơ lây truyền bệnh giang mai bẩm sinh cho trẻ.
Ngoài bệnh giang mai, chú ý các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác có thể truyền từ mẹ sang con như: HIV, viêm gan B, lậu, Chlamydia… Những bệnh này không chỉ có nguy cơ gây sinh non, sảy thai, thai chết lưu, mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe cho mẹ và cả bé sau sinh.
Nếu thấy có triệu chứng của các bệnh lây truyền qua đường tình dục như vết loét, vết sùi, mụn nước mọc bất thường ở vùng sinh dục, cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để thăm khám để được điều trị hoặc điều trị dự phòng thích hợp, tránh lây truyền và để lại hậu quả khôn lường sang con.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.