Từ ngày lấy chồng đến nay đã vừa tròn 7 năm, cũng là 7 cái Tết con chưa được về ăn Tết cùng bố mẹ. Mỗi năm Tết đến con nhớ bố mẹ, những cuộc điện thoại cũng không làm con nguôi đi khoảnh khắc ngày Tết, mà suốt 24 năm sống cùng bố mẹ con được cảm nhận. Mỗi năm trôi qua, mỗi mùa xuân đến con lại chỉ ước, ước các con của con lớn nhanh lên để đủ sức khỏe mỗi dịp xuân về đê có thế về nhà ngoại ăn Tết. Con thèm được cùng bố mẹ ngồi làm lễ khi giao thừa đến, được hóa vàng gửi các cụ ngày mùng 1, được nấu nướng cùng mẹ làm cơm cúng nhà và được xúng xính, vô tư khoác lên mình những bộ váy áo đẹp quá mà không phải e lệ, và đắn đo liệu màu sắc quá sặc sỡ, kiểu cách quá điệu đà hay không. Viết đến đây chắc con không thể viết thêm được nữa vì nước mắt con rơi đã nhòe những con chữ. Con nhớ bố mẹ! (Đào Thị Ngọc Ánh - 30 Tuổi - Hà Nội) |
Với tôi từ ngày cưới ngót nghét cũng đã gần 6 năm, trong 6 năm đó chưa một lần nào hai vợ chồng cùng con một lần được về ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại. Chỗ làm việc của hai vợ chồng cách nhà ngoại hơn 1.000km còn nhà nội gần 1.400km, thế nên nếu về ngoại và muốn ra nội cũng mất gần 1 ngày, trong khi Tết chỉ vỏn vẹn sum họp được những ngày đầu năm. Tối 30 làm bánh cùng mẹ chuẩn bị cúng cho đêm giao thừa, sau cúng bái cả nhà sum họp ăn uống và vào nhờ thờ thắp nhang. Giây phút thích nhất là ngày mùng 1, được ở cạnh mẹ, phụ mẹ nấu cơm cúng ông bà tổ tiên, được đi chúc Tết anh em họ hàng gần nhà. Nhưng có lẽ những khoảnh khắc ấy sẽ ít đi khi bắt đầu mình có 1 gia đình mới, có con cái, có chồng và hơn thế nữa ăn Tết phải san sẻ từ hai gia đình, hai dòng họ khác Năm nay hai vợ chồng cũng mong muốn được về quê ăn Tết. Trước khi xác định về quê ăn Tết, mình cũng đã thỏa thuận hẳn với ông xã, Tết nay về ngoại ăn Tết tới mùng 2 ra nhà nội, năm sau ra nhà nội ăn Tết mùng 2 về nhà ngoại, cứ thế mà xoay vòng. Thực ra nói là xoay vòng và sẽ chia đều nội ngoại, bởi cũng nghĩ hai vợ chồng nên san sẻ cho nhau, không thể ăn Tết bên ngoại hay bên nội mãi. Nói thì nói vậy và điều đó phải như thế, nhưng thực chất thì mình vẫn chỉ muốn ngày mùng 1 có mặt nhà ngoại hơn, vì mọi thứ đều quen thuộc là bố mẹ mình, cùng nhau nấu nướng, chúc Tết, thật đầm ấm và vui biết bao. Còn nhắc đến về nhà nội ăn Tết mùng 1, cứ tưởng tượng sáng dậy lo chuẩn bị đồ cho nhà nội, loay hoay chúc Tết anh em bên nội, toàn những người xa lạ, không quen thuộc, mình cảm thấy trống trải vô cùng, cho dù miệng cười tươi đi chăng nữa thì lòng vẫn buồn vô hạn. Thế nên nhiều khi đọc những bài báo nói về việc chồng không cho về nhà ngoại ăn Tết mà thấy buồn cho chị em phụ nữ. Ai cũng có bố mẹ sinh ra và nuôi nấng, không ai tự nhiên mà có mặt trên thế giới này, ai cũng mong muốn ở bên người thân của mình, vậy sao không hiểu nhau, hãy đặt vào vị trí của nhau để hiểu nhau hơn? (Nguyễn Thị Hoan - 31 Tuổi178/92, tổ 59, kp7, p.Phú Lợi, Thủ Dầu Một, Bình Dương) |
Tết năm nay là tròn 10 năm con gái mẹ đi lấy chồng. 10 năm không được chuẩn bị Tết và đón giao thừa cùng bố mẹ. Dù nhà nội và ngoại cách nhau chẳng bao xa. Chỉ 30 phút xe máy là con có thể về ngay bên mẹ. Nhưng với quan niệm “xuất giá tòng phu”, con chưa bao giờ dám thổ lộ với chồng và ông bà nội về mong ước cháy bỏng nơi đáy lòng mình. Đó là được một lần trở về đón Tết cùng bố mẹ. Con vẫn nhớ như in cảnh tất bật của nhà ta những ngày giáp Tết. Nhà đông anh chị em nên năm nào mẹ cũng chuẩn bị Tết thật to với bao nhiêu là đồ ăn. Ngoài 20 Tết là mẹ làm kẹo nhãn, hết mẻ này đến mẻ khác. Mẹ cứ cặm cụi ngồi dán. Mấy chị em con chỉ có thể giúp mẹ được công đoạn 1 là ngồi vê kẹo. Bởi chúng con biết, chẳng ai có thể làm ngon được như mẹ. Trời mùa đông rét căm căm mà đôi má mẹ lúc nào cũng ửng hồng bên ánh sáng bập bùng của bếp lửa. Ngày 28 Tết. Cả nhà ngồi quây quần gói bánh chưng. Bố mẹ và các anh chị lớn ngồi gói, còn con ngồi xâu lạt. Chẳng giúp được gì nhiều nhưng con vẫn thấy vui lắm. Vui nhất là đêm luộc bánh. Cả nhà thay ca nhau thức. Đêm tối, trời rét, nhưng nhìn nồi bánh đang sôi sùng sục và nghi ngút khói, con tưởng như cả mùa Xuân đã ùa vào nhà mình. Đêm 30. Sau khi hoàn tất các công việc cuối cùng của năm cũ. Cả nhà ngồi lại bên nhau để cùng đón xem các chương trình Tết. Thời đó nhà mình có cái tivi đen trắng là oách lắm, và chỗ nhà mình cũng chưa có điện lưới. Bố mua chiếc máy phát điện đặt ở dưới suối, dùng sức nước để tạo ra ánh sáng. Con vẫn nhớ bố gọi nó là máy tua-bin. Nhiều khi, cả nhà đang ngồi xem say sưa, bỗng dưng màn hình tivi tối sầm lại. Bố biết ngay là có một búi rác lớn đã trôi vào khiến máy không quay được. Thế là vèo một cái, bố chạy ngay xuống suối, lội ra giữa dòng nước lạnh cóng, nhấc bổng chiếc máy nặng trĩu lên để gỡ búi rác rồi lại nhẹ nhàng đặt vào vị trí cũ. Đường xuống suối thì gập ghềnh, lởm chởm đá mà cả đi và về, bố mất không đến 5 phút đồng hồ. Rất kịp thời để mẹ con có thể xem tiếp chương trình. Thế rồi, mỗi một mùa Xuân trôi qua. Các con của bố mẹ lớn dần lên và lần lượt theo chồng về nhà người. Mỗi năm đón Tết lại vắng đi một đứa. Nồi bánh chưng của mẹ cứ vơi dần đi. Nhà ít tiếng nói tiếng cười hơn, và mẹ lặng lẽ hơn trong thời khắc giao thừa. Cha ngồi trầm ngâm bên mâm cơm tất niên. Tuy chẳng ai nói với ai câu nào nhưng cả hai ông bà đều hiểu rất rõ trong lòng của người kia đang nghĩ gì và nhớ mong điều gì. Tết năm nay, mẹ bước sang tuổi 69, cha tròn 74 tuổi, cái tuổi gần đất xa trời. Căn bệnh Gout quái ác thường xuyên hành hạ khiến cha không còn đi lại nhanh nhẹn được nữa, và con cũng chẳng biết còn được mấy cái Tết chúng con về có đầy đủ cả cha lẫn mẹ. Để mẹ lại chạy ra tận cổng đón với nụ cười rạng rỡ trên môi, và cha giọng run run: “Út Huệ về rồi đấy ah con!”… (Phan Thị Huệ - 32 TuổiThanh Hóa) |
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.