Thai phụ 6 tháng ở Hà Nội tử vong sau 2 ngày cấp cứu: Những điều cần biết về hội chứng HELLP - cơn ác mộng trong thai kỳ đối với bất cứ ai

Mới đây, thông tin thai phụ 6 tháng ở Hà Nội tử vong dù đã được cấp cứu 2 ngày tại Bệnh viện Thanh Nhàn đã khiến không ít người cảm thấy thương xót. Nguyên nhân cụ thể được các bác sĩ chỉ ra là do bệnh nhân đã mắc hội chứng HELLP nhưng không được điều trị kịp thời.

Theo đó, sau khi thông tin trên được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, đại diện Bệnh viện Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết nguyên nhân chính gây ra sự việc đau lòng này là do bệnh nhân mắc hội chứng HELLP nhưng không được điều trị kịp thời. 

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết sản phụ mang thai lần 5, hai lần gần nhất thai lưu nhưng không đi khám, không tầm soát ngay từ đầu khi mang thai. "Qua họp hội đồng chuyên môn chúng tôi xác định bệnh nhân bị chứng rối loạn đông máu, hội chứng HELLP - rối loạn liên quan tới tiền sản giật, nếu không chữa trị kịp thời, có thể gây tử vong".

  

Chị H. cùng đứa con trong bụng qua đời sau khi thăm khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Ảnh: NVCC)

HELLP đe dọa nghiêm trọng sức khỏe 2 mẹ con, thậm chí gây tử vong

HELLP là tên viết tắt của các từ Hemolytic Anemia (thiếu máu tán huyết), Elevated Liver enzymes (tăng men gan) và Low Platelet Count (giảm tiểu cầu). Tức nó là hội chứng thiếu máu tán huyết, tăng men gan và giảm tiểu cầu ở thai phụ, thường xảy ra ở 3 tháng cuối của thai kỳ (chủ yếu được chẩn đoán từ tuần 28 đến tuần 36 thai kỳ) hoặc đôi lúc sau sinh với tỷ lệ khoảng 5-8% thai phụ mắc. HELLP thường gắn liền với tiền sản giật, khoảng 2-12% thai phụ bị tiền sản giật mắc hội chứng HELLP (theo Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec).

Thai phụ 6 tháng ở Hà Nội tử vong sau 2 ngày cấp cứu: Những điều cần biết về hội chứng HELLP - cơn ác mộng trong thai kỳ đối với bất cứ ai - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Health

Các triệu chứng của hội chứng HELLP bao gồm: Nhức đầu nhiều và tăng dần; Mờ mắt, khó chịu; Buồn nôn và nôn; Đau ngang vùng thượng vị; Dị cảm tê tay chân; Có thể bị phù; Tăng huyết áp; Qua khám phát hiện vỡ bao gan kèm máu tụ, đông máu nội mạch lan tỏa.

Hội chứng HELLP có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho người mẹ như tổn thương gan, thận, dẫn đến suy đa cơ quan khiến bệnh nhân bị rối loạn đông máu, xuất huyết não, men gan tăng. Nếu bệnh không được xử trí nhanh chóng, kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng bệnh ngày càng nặng, nguy cơ tử vong cả mẹ lẫn con rất cao.

Phát hiện bệnh sớm, con khỏe, mẹ an toàn

Cách điều trị duy nhất và bắt buộc đối với hội chứng này là chấm dứt thai kỳ, tức lấy thai nhi ra khỏi người mẹ. Sau khi thai nhi được lấy ra, sức khỏe bà mẹ sẽ được cải thiện rất nhanh. Một trong những bằng chứng rõ nhất cho điều này là trước đó, cuối tháng 3/2020, một sản phụ mắc hội chứng HELLP đã may mắn được cứu sống tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang vì được phát hiện và điều trị bệnh sớm. Sau cuộc giải cứu, người mẹ thoát khỏi cơn nguy kịch và đón bé gái nặng 1,5 kg chào đời.

Thai phụ 6 tháng ở Hà Nội tử vong sau 2 ngày cấp cứu: Những điều cần biết về hội chứng HELLP - cơn ác mộng trong thai kỳ đối với bất cứ ai - Ảnh 3.

Sản phụ mắc hội chứng HELLP tại Bắc Giang may mắn được cứu sống nhờ phát hiện bệnh sớm (Ảnh: Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang)

Vì vậy, phụ nữ mang thai nên đi khám thai định kỳ thường xuyên, nhất là trong 3 tháng cuối thai kỳ. Không chỉ là siêu âm đơn thuần mà sản phụ phải được khám toàn diện, theo dõi huyết áp, xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu khi cần thiết, cũng như tư vấn về dinh dưỡng… để có một thai kỳ khoẻ mạnh nhất. Nếu phát hiện bị tiền sản giật, hội chứng HELLP hay bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác thì sẽ được nhập viện điều trị kịp thời, đảm bảo an toàn sức khoẻ của mẹ và thai nhi (theo bác sĩ CKII Lê Công Tước, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang).

 

Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/thai-phu-6-thang-o-ha-noi-tu-vong-sau-2-ngay-cap-cuu-nhung-dieu-can-biet-ve-hoi-chung-hellp-con-ac-mong-trong-thai-ky-doi-voi-bat-cu-ai-162212511120243620.htm

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang