Thai phụ sốc phản vệ sau khi ăn thịt ba ba và cách phòng ngừa

Sau khi cả gia đình ăn tối với món thịt ba ba, một lát sau thai phụ có biểu hiện mẩn ngứa, nổi ban đỏ vùng mặt, tai, họng, đau bụng vùng thượng vị, khó thở, triệu chứng tăng nhanh nên gia đình vội vàng đưa bệnh nhân đi cấp cứu.

Khoảng 20h ngày 14/5/2021, Trung tâm cấp cứu 115 Hùng Vương tiếp nhận nữ bệnh nhân 25 tuổi  bị sốc phản vệ sau ăn thịt ba ba.

Theo lời kể của người nhà, sau khi cả gia đình ăn tối với món thịt ba ba, một lát nữ bệnh nhân có biểu hiện mẩn ngứa, nổi ban đỏ vùng mặt, tai, họng, đau bụng vùng thượng vị, khó thở, triệu chứng tăng nhanh nên gia đình đưa bệnh nhân vào Bệnh viện đa khoa Hùng Vương cấp cứu.

Tại trung tâm cấp cứu 115 Hùng Vương với các triệu chứng lâm sàng các bác sỹ nhận định đây là trường hợp dị ứng thức ăn và bệnh nhân đã chuyển sang giai đoạn phản vệ nặng, nguy cơ sốc thường trực.

Tuy nhiên điều đáng ngại là bệnh nhân đang mang thai tương đương 37/38 tuần, tất cả các thuốc dị ứng, phản vệ và sốc đều đe dọa sự an toàn của em bé.

Sau khi hội chẩn, các bác sỹ đã có một quyết định táo bạo nhưng phù hợp nhất được đưa ra: Hai kíp cấp cứu cùng kích hoạt, phòng phẫu thuật và các bác sỹ sản, nhi khoa cũng có mặt để nếu khi dùng thuốc cho mẹ mà em bé có nguy cơ sẽ được phẫu thuật càng sớm càng tốt. Nhưng thật may mắn sau khi dùng các thuốc chống sốc mà chủ lực vẫn là Adrenalin mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát.

Hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định và có thể ra viện trong 1-2 ngày tới.

Thai phụ sốc phản vệ sau khi ăn thịt ba ba và cách phòng ngừa - Ảnh 1.

Thai phụ được cấp cứu kịp thời.(Ảnh Bệnh viện cung cấp)

Đây không phải là trường hợp đầu tiên bị sốc phản vệ được Trung tâm cấp cứu 115, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương tiếp nhận.

Trước đó, cũng tại bệnh viện này từng tiếp nhận bệnh nhân sốc phản vệ sau khi thái củ hành.

Và gần đây nhất đêm 11/5, TT cấp cứu 115 cũng đã phải tiến hành cấp cứu cho một bệnh nhi bị sốc phản vệ sau khi uống Cefadroxil 500 mg, Alphachoay, Medrol 4 mg, Paracetamol 250 mg.

Theo các bác sĩ Trung tâm cấp cứu 115 Hùng Vương, dị ứng, phản vệ, sốc có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả vô cùng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời.

ThS. BS. Phạm Đăng Hải, Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết thêm, triệu chứng của sốc phản vệ thường diễn ra ngay sau khi tiếp xúc với dị nguyên hoặc muộn hơn, xuất hiện. Cảm giác khác thường (bồn chồn, hốt hoảng, sợ hãi…), tiếp đó có các biểu hiện sau: Mẩn ngứa, ban đỏ, mày đay, phù Quincke, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt có khi không đo được, khó thở (kiểu hen, thanh quản), nghẹt thở, đau quặn bụng, ỉa đái không tự chủ, đau đầu, chóng mặt, đôi khi hôn mê, choáng váng, vật vã, giẫy giụa, co giật…

Riêng sốc phản vệ với thức ăn theo TS. BS Trần Quốc Cường, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch là một trong những biểu hiện nặng, nhanh (thường trong vòng vài phút) của dị ứng với thức ăn cần xử lý cấp cứu, nếu không có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, bệnh có tỉ lệ mắc cực kỳ hiếm.

Trong lĩnh vực dị ứng, dị ứng thức ăn được chia làm 2 loại, loại nhanh hay qua trung gian IgE (sốc phản vệ) và loại chậm không qua trung gian IgE.

Loại không qua trung gian IgE thường ít nguy hiểm hơn, khởi phát muộn hơn sau khi ăn, thường phải hơn 2 giờ và có thể xuất hiện muộn đến một vài ngày sau ăn. Biểu hiện của dị ứng muộn là ngứa, mề đay, chàm, trào ngược dạ dày thực quản, tiêu chảy, táo bón, đau bụng, có đàm nhầy, máu trong phân, biếng ăn, khóc dạ đề ở trẻ em.

TS. BS Trần Quốc Cường nhấn mạnh, dị ứng thức ăn nói chung thường gặp ở trẻ em, nhưng vẫn không loại trừ ở người lớn. Các thực phẩm thường gây dị ứng bao gồm: protein sữa bò, trứng, hải sản, thịt các loại, đậu hạt, đậu nành.

Ở các nước phương Tây thường dị ứng với đậu phộng và đậu hạt, còn ở các nước châu Á thường dị ứng với protein sữa bò, các loại hản sản có vỏ và cá. Một số dị ứng ở trẻ em có thể hết khi trẻ lên 3-6 tuổi, nhưng một số loại dị ứng kéo dài cả đời.

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, những người có cơ địa dị ứng nên hạn chế thử nghiệm các thực phẩm lạ chưa từng ăn bao giờ như một số loại hản sản biển, ốc, nhộng, tầm, dế, ve, cóc, rắn, thịt chuột, thịt chó, các loại trái cây, đậu hạt lạ tại địa phương…

Nếu gặp tình huống bị sốc phản vệ, người thân cần ngừng ngay đường tiếp xúc với dị nguyên (thuốc đang dùng tiêm, uống, bôi, nhỏ mắt, mũi…). Cho bệnh nhân nằm tại chỗ và khẩn trương gọi trợ giúp của lực lượng y tế.

 

Link gốc: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/soc-phan-ve-sau-an-thit-ba-ba-va-cach-phong-ngua-284573.html

Theo ttvn.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang