Marie Kondo là mẫu phụ nữ lý tưởng không những cánh đàn ông mong đợi mà rất nhiều cô gái hướng đến: Mái tóc buông ngang vai, uốn xoăn nhẹ nhàng ở phần đuôi. Những bộ quần áo hơi hướng đơn giản và thanh lịch cùng lối trang điểm tự nhiên. Giọng nói thật nhẹ nhàng, thanh thoát.
Cô ấy chính là hiện thân của phong trào do chính mình khởi xướng: Dọn dẹp như một lối sống.
Kondo, hiện 32 tuổi, đã dành cả cuộc đời mình để đặt mọi thứ vào đúng vị trí. "Thánh nữ dọn nhà" chia sẻ cô say mê với việc dọn dẹp từ khi lên 5 tuổi. Khi còn là học sinh, trong những giờ ra chơi, cô thường nghiền ngẫm các cuốn tạp chí về lối sống và ở bên trong phòng để sắp xếp gọn gàng các kệ sách của trường thay vì chơi đùa cùng các bạn ở ngoài sân trường.
"Thánh nữ dọn nhà" Marie Kondo
Lên 19 tuổi, Kondo bắt đầu sự nghiệp một cách chính thức với tư cách là chuyên gia tư vấn về sắp xếp. Lần đầu tiên cô được trả tiền cho công việc của mình là khi cô đến nhà của một nữ CEO và giúp cô ấy sắp xếp lại tủ quần áo.
Niềm yêu thích cá nhân đã thúc đẩy cô bước chân vào lĩnh vực kinh doanh. Marie Kondo đã xuất bản tổng cộng 4 cuốn sách về dọn dẹp không gian sống và bán được hàng triệu bản trên thế giới. Bốn cuốn sách này có tên Ma thuật thay đổi cuộc sống từ dọn dẹp, Lan tỏa niềm vui, Ma thuật thay đổi cuộc sống: Cuốn tạp chí, Nghệ thuật bài trí của người Nhật: Phép màu thay đổi cuộc sống. Chúng được dịch sang hơn thứ tiếng như Hàn, Trung, Tây Ban Nha, Indonesia, Pháp, Đức, Thụy Điển, Anh,... Đặc biệt, cuốn Nghệ thuật bài trí của người Nhật: Phép màu thay đổi cuộc sống đã được xuất bản tại hơn 30 quốc gia, trở thành cuốn sách bán chạy nhất Nhật Bản và châu Âu.
Phương pháp sắp xếp đồ đạc KonMari do Marie Kondo sáng tạo ra đã giúp cô lọt vào danh sách 1 trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới của tạp chí Times. Theo phương pháp KonMari, Marie đã đưa ra cách thức sắp xếp không gian sống gọn gàng chỉ với một lần duy nhất nhưng thay đổi hoàn toàn cuộc sống theo hướng tích cực. Cô xem việc gọn gàng là quy trình thú vị, với đồ vật không mang lại niềm vui, cô sẽ cảm ơn chúng và gửi đi nơi khác.
Có một quy tắc chính để giải mã cách Kondo làm, mà cô gọi là phương pháp KonMari: Chỉ giữ các đồ vật xung quanh bạn mà chúng giúp lan tỏa niềm vui.
"Niềm vui" trong ngữ cảnh này đòi hỏi sự xem xét đầy đủ về vai trò của một đồ vật trong cuộc sống của bạn như tất, phụ kiện, quần áo. Nếu thay đổi quan điểm của mình, bạn sẽ hiểu rằng, tất giúp bạn đi giày mà không bị đau chân, do đó bạn sẽ có sự đánh giá mới – nó có thể không tạo ra niềm vui, nhưng chỉ cần một sự thay đổi quan điểm đơn giản, bạn sẽ thấy giá trị trong đó.
Marie chia sẻ, khi không gian văn phòng của bạn được sắp xếp gọn gàng, nó sẽ giúp bạn sử dụng thời gian hiệu quả hơn, từ đó làm việc năng suất hơn. Ngoài ra, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn trong không gian văn phòng của mình và đóng góp vào hiệu suất tổng thể và sự sáng tạo của bản thân. Nhân viên văn phòng nên vứt những tập giấy không còn cần thiết nữa, như các bản sao của tài liệu có thể được số hóa, vì chúng đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Hãy nhớ rằng niềm vui cá nhân có thể khác với sự vui vẻ trong công việc. Điều đó có nghĩa là bạn cần ý thức về giá trị của sự thay đổi khi làm việc. Dĩ nhiên, điều quan trọng là bạn phải cảm nhận từng vật dụng với câu hỏi: "Cái này có giúp bạn cảm thấy tích cực hơn và góp phần vào hiệu quả công việc không?". Bên cạnh đó, trước khi loại bỏ một vật thể, Marie khuyên bạn nên cảm ơn vật thể đó đã đóng vai trò nhất định trong cuộc đời của bạn.
Cuối cùng, việc dọn dẹp bàn làm việc bằng phương pháp KonMari đòi hỏi phải có sự đánh giá toàn diện về các ưu tiên của bạn. Bằng cách sắp xếp, bạn sẽ dần dần trở nên nhạy cảm với niềm vui và sẽ làm sáng tỏ những giá trị của bản thân.
Bạn có thể sử dụng kiến thức và khả năng của mình để nâng cao kỹ năng, đưa ra quyết định cho sự nghiệp, đồng thời tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi như: "Bạn đang tìm kiếm cái gì trong sự nghiệp? Điều gì khiến bạn cảm thấy thoải mái?". Theo cách đó, bạn sẽ tạo ra sự thay đổi thực sự trong sự nghiệp của chính mình.
Theo Tri Thức Trẻ
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.