Thánh tiết kiệm tuổi 71: Ăn cơm với nước trà, giấy vệ sinh chỉ lấy 20cm mỗi lần, học được 9 bí quyết này bạn sẽ sớm có của ăn của để

Nếu bạn cảm thấy rằng mình không thể tiết kiệm tiền thì thử xem mình có học hỏi được bí quyết nào từ bà Ogasawara không nhé!

Trong 2 năm qua, đại dịch đã khiến nhiều người trở thành thất nghiệp, thu nhập giảm đáng kể. Mọi người bắt đầu tìm cách để giảm chi tiêu trong giai đoạn khó khăn này và cũng vì vậy mà từ khóa "tiết kiệm" trở thành từ được tìm kiếm rất nhiều trên Internet.

Ở Nhật Bản, có một "thánh tiết kiệm". Bà năm nay đã 71 tuổi, sống ở thủ đô Tokyo, tên Yoko Ogasawara, người khẳng định rằng mình chỉ xài có 1.000 yên/ngày (hơn 200.000 đồng) trong suốt 40 năm qua. Chúng ta đều biết rõ giá cả ở Nhật Bản đắt đỏ như thế nào. Chỉ một tô mì ramen bình thường thôi đã có giá 600 yên rồi (khoảng 123.000 đồng). Vậy nên bà có lối sống vô cùng tiết kiệm.

Ngoại trừ như chi phí cơ bản như tiền thuê nhà, tiền điện nước… mỗi tháng bà chỉ tiêu 31.000 yên (hơn 6,3 triệu đồng). Trong khi đó một người bình thường sẽ cần khoảng 73.705 yên mỗi tháng (hơn 15 triệu đồng). 

Thế nên chẳng có gì là lạ khi bà rất nổi tiếng ở Nhật Bản trong vấn đề tiết kiệm chi tiêu. Bà có những bí kíp tiết kiệm tiền rất độc đáo và dù nhiều người bảo rằng bà keo kiệt nhưng bà lại cảm thấy thoải mái với cách này của mình.

Thánh tiết kiệm tuổi 71: Ăn cơm với nước trà, giấy vệ sinh chỉ lấy 20cm mỗi lần, học được 9 bí quyết này bạn sẽ sớm có của ăn của để - Ảnh 1.

Bà Yoko Ogasawara

Bà không chỉ chia sẻ bí quyết của mình trong những cuộc phỏng vấn trên tạp chí mà thậm chí, bà còn xuất bản sách dạy mọi người cách tiết kiệm tiền. 

Gần đây, lần đầu bà xuất hiện trên truyền hình để chia sẻ về 9 bí kíp tiết kiệm trong suốt những năm vừa qua. Nếu bạn cảm thấy rằng mình không thể tiết kiệm tiền thì thử xem mình có học hỏi được bí quyết nào từ bà Ogasawara không nhé.

1. Pha trà trong tách và ăn cơm với nước trà

Chúng ta thường sử dụng ấm pha trà và sau đó rót vào tách để uống. Nhưng bà Ogasawara lại pha trà trực tiếp trong tách để tiết kiệm chi phí rửa ấm. Không chỉ vậy, với lượng trà còn trong tách, bà lại tận dụng để ăn cơm. Đó là món chazuke truyền thống của Nhật Bản, giúp bà tiết kiệm được chi phí mua thức ăn.

2. Chỉ dùng giấy vệ sinh cuộn

Ở Nhật bản, khăn giấy cuộn thường chỉ dùng trong nhà vệ sinh. Nhưng với bà Ogasawara, bà chỉ dụng giấy vệ sinh cuộn trong mọi trường hợp. Theo bà, một cuộn giấy vệ sinh có thể sử dụng 300 lần, giá thành không những rẻ hơn mà còn có thể kiểm soát số lượng sử dụng. Mỗi lần dùng, bà chỉ lấy đúng 1 đoạn được cắt sẵn, tương đương với 20cm giấy. Như vậy tiết kiệm hơn nhiều so với giấy ăn thông thường.

Thánh tiết kiệm tuổi 71: Ăn cơm với nước trà, giấy vệ sinh chỉ lấy 20cm mỗi lần, học được 9 bí quyết này bạn sẽ sớm có của ăn của để - Ảnh 2.

Bà chỉ dùng 20cm giấy mỗi lần.

3. Dùng hóa đơn để ghi chú thay cho tờ giấy note

Bà không bao giờ vứt đi những tờ hóa đơn sau khi mua sắm mà luôn gom góp lại. Mặt giấy trắng sẽ được sử dụng để ghi chú những điều cần thiết. Vậy là bà cũng tiết kiệm được một khoản không cần thiết.

4. Cắt đôi vỏ đựng sản phẩm để tiếp tục sử dụng

Những sản phẩm được chứa trong ống như sữa rửa mặt, kem đánh răng, kem dưỡng da tay… khi đã dùng hết thì bà sẽ cắt đôi ra để tận dùng phần còn sót lại trong đó. Nhiều người trên thế giới cũng áp dụng cách này, nhưng bạn đừng để quá lâu mà sau khi cắt rồi, cố gắng dùng nhanh nhất có thể nhé.

5. Sử dụng tờ rơi quảng cáo thức ăn thay cho tấm trải bàn

Thay vì dùng khăn trải bàn sẽ tốn chi phí để mua và vệ sinh, bà sẽ dùng tờ rơi quảng cáo thức ăn để thay thế. Như vậy sẽ tiết kiệm tiền nước, xà phòng để vệ sinh khăn trải bàn. Bà Ogasawara cho rằng việc vừa ăn và vừa xem quảng cáo thức ăn như vậy thì dù là ăn một bữa ăn đơn giản, bà cũng sẽ thấy như mình đang dùng bữa rất thịnh soạn.

Thánh tiết kiệm tuổi 71: Ăn cơm với nước trà, giấy vệ sinh chỉ lấy 20cm mỗi lần, học được 9 bí quyết này bạn sẽ sớm có của ăn của để - Ảnh 3.
 

6. Lên kế hoạch mua sắm và "lướt" đi thật nhanh

Khi cần mua sắm, bà sẽ ghi trước danh sách những món cần mua, sau đó đến đúng quầy lấy sản phẩm đó rồi nhanh chóng quay ra tính tiền. Nhiều người có thói quen đến trung tâm mua sắm, siêu thị để chơi chứ không có mục đích mua, nhưng rồi cuối cùng họ cũng ra về với nhiều hàng hóa trên tay. Do đó, theo bà, có kế hoạch mua và đi thật nhanh lúc trong siêu thị sẽ giúp mình lướt qua những quầy hàng không cần thiết một cách hiệu quả.

Đây là một mẹo rất thiết thực bởi vì lý do khiến nhiều người không tiết kiệm được tiền là do họ không lên kế hoạch trước, món cần thì không mua, món không cần lại mang về. Như vậy là lãng phí tiền bạc.

Ngoài ra, bà cũng kẹp sẵn một khoản tiền được phép sử dụng khi mua sắm để nhắc nhở bản thân không được tiêu xài bừa bãi. Những ai không dùng tiền mặt mà chỉ dùng thẻ ngân hàng khi mua sắm vẫn có thể áp dụng cách này. Bạn có thể chuyển số tiền được sử dụng vào 1 thẻ và dùng thẻ đó để mua sắm.

7. Trả lại 1 món trước khi thanh toán

Trước khi thanh toán ở quầy thu ngân, bà Ogasawara sẽ buộc bản thân phải trả lại 1 món trong giỏ hàng của mình. Nhờ vậy mà bà có thể tiết kiệm được thêm 1 khoản.

8. Không tốn tiền mua gia vị

Thánh tiết kiệm tuổi 71: Ăn cơm với nước trà, giấy vệ sinh chỉ lấy 20cm mỗi lần, học được 9 bí quyết này bạn sẽ sớm có của ăn của để - Ảnh 4.
 

Bà Ogasawara tiết lộ mình không tốn tiền mua gia vị vì bà tận dụng gói gia vị có sẵn khi ăn mì gói, natto hoặc những gói sốt miễn phí của nhà hàng.

9. Tái sử dụng

Ngoài ra, bà cũng tận dụng những thứ đã bỏ đi, tái sử dụng chúng để tạo ra những đồ dùng trong gia đình. Ví dụ như dùng quần áo cũ để làm vỏ bọc ghế, hộp đựng thức ăn từ quán ăn để thay thế cho túi đựng thực phẩm… Như vậy bà cũng tiết kiệm được kha khá.

Nhiều người cho rằng bà Ogasawara có thể sống như thế này là bởi bà có quan niệm sống đơn giản, không câu nệ hình thức. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng sống là phải vui, không cần phải tằn tiện đến thế. 

Tất nhiên, không phải các bí quyết tiết kiệm tiền của bà đều phù hợp với tất cả mọi người. Bạn có thể chọn một cách nào đó thích hợp để rèn luyện tính tiết kiệm, không tiêu tiền phung phí.

Bà tin rằng, 1.000 yên cũng có thể tạo ra sự khác biệt nếu ta cố gắng mỗi ngày. Khi ta tối đa hoá giá trị của đồng tiền nhỏ thì sẽ tạo ra được khác biệt lớn.

(Nguồn: INF)

 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang