Thầy giáo Hà Nội viết về ngày 20/11: "Phụ huynh đừng nói trăm sự nhờ thầy cô nữa"

Có yêu thương thì bố mẹ mới thấu hiểu những vất vả, áp lực của thầy cô để cùng chung tay dạy các con. Đừng có 'trăm sự nhờ thầy' nữa”, thầy Lực bày tỏ.

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không thuộc về tòa soạn. 

Sau ngày Tết nhà giáo đầy hoa, giáo viên sẽ trở về với cuộc sống thường ngày cùng những nỗi niềm không phải ai cũng thấu hiểu được. Chúng tôi xin được chia sẻ ý kiến của thầy Hà Đình Lực, giáo viên Toán, trường TH&THCS Maya, Hà Nội, như một cách nhìn khác, đồng cảm và yêu thương từ người trong nghề về những khó khăn của các thế hệ làm "nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý".

Viết về ngày 20/11

Tuần này, đến trường học bạn sẽ thấy bạt ngàn những lẵng hoa, xối xả những lời tôn vinh: nghề cao quý nhất, sứ mệnh thiêng liêng nhất, đưa đò chèo thuyền ....

Sang ngày 21 xin mời thầy cô quay lại với hiện thực:

- Mỗi lớp 40 - 60 học sinh. Mỗi giáo viên cấp 2, cấp 3 dạy ít nhất 3 - 4 lớp. Không ít cháu "ngoan ngoãn", ở nhà có một cháu mà cả bố mẹ ông bà nhiều khi còn không dạy được.

- Vô vàn giấy tờ, sổ sách, giáo án, bài kiểm tra phải làm theo yêu cầu chuẩn hóa, phòng sở thường xuyên kiểm tra ...

- Phải không ngừng đổi mới sáng tạo, khơi gợi sự hào hứng học tập của học sinh, dạy học bằng phương pháp hiện đại: Bàn tay nặn bột, STEM, STEAM..., thi sáng kiến kinh nghiệm, giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp thành phố...

Nhất là phải gương mẫu về lối sống, đạo đức để học sinh, xã hội nhìn vào.

Cuối tháng bồi hồi nhận mức lương vài triệu sau mấy năm học cao đẳng, đại học, thi trầy da tróc vẩy để vào được biên chế.

Thầy giáo Hà Nội nói về ngày 20/11: Phụ huynh đừng nói trăm sự nhờ thầy cô nữa - Ảnh 2.

Nếu có điều gì đó gọi là mong ước cho ngày này thì đó là giáo viên cần được đồng cảm, yêu thương. (Ảnh minh họa)

Quê mình Mê Linh, học sinh tốt nghiệp lớp 12 làm công nhân cũng được 6 - 8 triệu, mức mơ ước của không ít thầy cô mới ra trường. Bạn không tin? Hãy hỏi người thân làm giáo viên trường công xem sự thực thế nào. Trong khi giáo viên cũng phải ốm, cũng phải đi ăn cưới, mua sữa, bỉm, nộp học phí cho con...

Ngoại trừ số ít thầy cô dạy Tiếng Anh, Toán, Văn... có thể dạy thêm có đời sống chấp nhận được (nhiều nơi còn cấm giáo viên dạy thêm), còn giáo viên phải làm nhiều việc khác để kiếm sống. Khá nhiều bạn bè, người thân là giáo viên của mình bán hàng online...

Sơ sơ như vậy để các bạn thấy giáo viên làm gì còn tâm trí mà dạy với truyền cảm hứng. Nói vậy không phải biện minh cho những thầy cô giáo yếu kém, vi phạm đạo đức cần xử lý nghiêm. Việc gì ra việc đó.

Thầy giáo Hà Nội giãi bày về ngày 20/11:
 

Nếu có điều gì đó gọi là mong ước cho ngày này thì đó là giáo viên cần được đồng cảm, yêu thương. Có đồng cảm thì sẽ nhiều người/nhiều nơi thôi dùng từ ngữ sáo rỗng để nói về người thầy mà có chế độ đãi ngộ xứng đáng để giáo viên có thể yên tâm sống bằng nghề. Các cấp quản lý mới mạnh dạn hủy bỏ các hồ sơ sổ sách, kì thi, chứng chỉ vô bổ để thầy cô có thời gian chuyên tâm cho việc chính là dạy học.

Có yêu thương thì bố mẹ mới thấu hiểu những vất vả, áp lực của thầy cô để cùng chung tay dạy các con. Đừng có "trăm sự nhờ thầy" nữa.

Trong cỗ xe giáo dục hiện nay, không ai quan tâm đến người tài xế còm cõi (giáo viên) mà chỉ tập trung lập đề án mua động cơ Đức, nội thất Mỹ, âm thanh Nhật… Bảo sao xe suốt ngày trục trặc, sửa chỗ này lại hỏng chỗ khác.

Chỉ có yêu thương, đồng cảm mới là giải pháp cho hiện thực giáo dục hiện nay.

Nếu bạn có ý kiến khác xoay quanh chủ đề về Ngày 20/11, hãy gửi bài viết cho chúng tôi theo địa chỉ: giaoduc@afamily.vn hoặc nhắn tin cho fanpage tại đây.

Chúng tôi luôn hoan nghênh các ý kiến của quý độc giả.

 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang