Thị trường rượu Tết: Hỗn loạn ma trận rượu thật giả

(lamchame.vn) - Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về tiêu thụ thức uống có cồn (bia, rượu…). Gần đến dịp Tết nguyên đán, nhu cầu sử dụng rượu càng tăng cao. Rượu nội lép vế, nhường chỗ cho rượu ngoại… giả (?!).

Rượu nội mất chỗ đứng

Ngành sản xuất rượu thủ công Việt Nam đã có lịch sử rất lâu đời, người Việt nói chung rất phổ biến tập quán uống rượu, nhất là trong các ngày lễ, tết với quan niệm “vô tửu bất thành lễ; nam vô tửu như kỳ vô phong”…

Thực tế, nhiều quốc gia Châu Á đã đưa tên tuổi của những thương hiệu rượu ngang tầm quốc tế. Nếu như Trung Quốc nổi tiếng với rượu Mao Đài, Hàn Quốc có rượu Soju, hay rượu Vodka đã trở thành một phần văn hóa nước Nga… thì Việt Nam chưa tìm ra được một thương hiệu đặc trưng cho dân tộc mình.

Rất khó phân biệt rượu thật giả.

Những thương hiệu truyền thống lâu đời như Nếp cái hoa vàng (Hà Nội), rượu làng Vân (Bắc Ninh), rượu Bầu Đá (Bình Định)… từng được tôn vinh như “mỹ tửu” của các vùng miền, nhưng vẫn chưa tìm được chỗ đứng trong thị trường tiêu dùng.

Bên cạnh đó, đồng hành với sự gia tăng về số lượng tiêu thụ, các sản phẩm rượu Việt lại đang tự đánh mất thương hiệu khi không kiểm soát được những nguồn rượu giả, rượu kém chất lượng đang xâm nhâp vào thị trường. Những thương hiệu đình đám truyền thống dần mất chỗ đứng, thay vào đó là những cái tên nhập ngoại với giá cả cạnh tranh.

Rượu giả tràn lan

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, thị trường đã khá sôi động và nhộn nhịp với nhiều loại rượu được bày bán. Nhu cầu sử dụng rượu cho các buổi liên hoan, biếu Tết trong dịp cuối năm tăng vọt, đặc biệt là rượu ngoại.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người tiêu dùng, thị trường rượu ngoại trở nên phong phú và đa dạng về chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng lẫn giá cả. Tuy nhiên, do tâm lý “sính ngoại” mà người tiêu dùng không biết rằng, đa số rượu ngoại được nhập về từ Trung Quốc và đến “90% rượu ngoại có mặt trên thị trường là hàng giả”. Khi bán ra thị trường, các loại rượu này đều dán mác, tem đầy đủ.

Một vụ tịch thu rượu giả.

Hiện nay thị trường rượu ngoại đang trở nên “hỗn loạn” khi lượng hàng giả, hàng nhái kém chất lượng trà trộn vào hàng thật ngày càng nhiều. Đặc biệt, thời điểm cận Tết như hiện nay thì rượu giả càng bùng phát, cả về chất lượng lẫn quy mô

Nguyên nhân chính do hàng hóa sản xuất tại Việt Nam tuy đa dạng, phong phú nhưng nhiều chủng loại chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng; trong khi đó, hàng hóa của nước ngoài với mẫu mã đẹp, giá rẻ tạo cơ hội cho việc tiêu thụ hàng lậu, hàng giả tồn tại.

Do lợi nhuận cao từ sản xuất, buôn bán rượu - bia - nước giải khát giả lậu, kém chất lượng mang lại. Thêm vào đó, thói quen khá dễ tính của người tiêu dùng như mua hàng không lấy hóa đơn, chứng từ, không kiểm tra tem, nhãn… Trong khi lực lượng quản lý thanh tra còn mỏng; công tác kiểm tra, xử lý về hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ của các lực lượng chức năng chưa nhận được sự phối hợp, cung cấp thông tin nhận biết hàng thật, hàng giả của các nhà sản xuất, chủ sở hữu; chi phí giám định cao, thời gian giám định dài nên ảnh hưởng đến hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm…

Rất khó nhận biết…

Trên thị trường, những loại rượu như Chivas, Hennessy, Remy Martin thường được làm giả nhiều, giá thật lên tới hàng triệu đồng nhưng nếu giả thì chỉ vài trăm.

Những kẻ buôn rượu giả còn áp dụng phương pháp đánh tráo nhãn hiệu của những chai rượu có giá rẻ, thay thế bằng nhãn hiệu của những loại rượu có giá cao hơn. Thậm chí, còn tự pha chế rượu giả và đóng chai, phần trăm rượu thật chưa đến 50%.

Hàng hóa cạnh tranh không lành mạnh, gây thất thu cho Nhà nước và điều đáng nói là ngộ độc xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng tới sức khỏe, gây bệnh tật, thậm chí tử vong… do rượu giả gây nên.

Thực tế, người tiêu dùng rất khó phân biệt vì nhiều loại rượu được làm giả tinh vi bằng cách dùng chai thật và thậm chí còn được đóng tem “chống hàng giả”.

Các đối tượng làm rượu giả chủ yếu tìm mua các loại hàng hóa, nguyên liệu bán thành phẩm giá rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ và bao bì, nhãn mác nhái các thương hiệu nổi tiếng, sau đó tổ chức đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, dán nhãn và cung cấp ra thị trường. Các sản phẩm này được bán trà trộn với hàng thật hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ.

Cần nhiều giải pháp

Vào dịp cuối năm, thị trường hàng hóa sôi động và sức mua tăng cao hơn, do các cơ sở kinh doanh thu mua dự trữ hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Do vậy, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Để ngăn chặn, hạn chế các hành vi vi phạm, gian lận thương mại đối với hoạt động kinh doanh rượu vào dịp cuối năm cần kết hợp nhiều giải pháp:

Chú trọng hành vi vi phạm về sản xuất rượu giả, rượu kém chất lượng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng; hành vi buôn bán, kinh doanh rượu nhập lậu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không dán tem rượu nhập khẩu, tem rượu sản xuất trong nước. Kiểm tra các DN, hộ kinh doanh, các điểm kinh doanh, dịch vụ như nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, quán bar, vũ trường…

Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn thực hiện cam kết không sản xuất bia, rượu, nước giải khát giả, kém chất lượng; không kinh doanh, buôn bán bia, rượu, nước giải khát nhập lậu; rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ; thực hiện dán tem rượu nhập khẩu, tem rượu sản xuất trong nước.

Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thông tin đầy đủ kịp thời về các trường hợp xử lý vi phạm trong kinh doanh bia, rượu, nước giải khát; cảnh báo cho người dân các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe từ việc sử dụng bia, rượu, nước giải khát nhập lậu, giả, kém chất lượng; rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đặc biệt, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo, triển khai kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm ngăn chặn việc buôn bán, kinh doanh bia, rượu, nước giải khát nhập lậu, giả, kém chất lượng; rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không dán tem rượu nhập khẩu, tem rượu sản xuất trong nước. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức bao che, tiếp tay hoặc làm ngơ cho các đối tượng vi phạm.

 

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang