Tiền bạc trong hôn nhân: Vợ hay chồng là “tay hòm chìa khoá thì tốt?

(lamchame.vn) - Từ vụ tranh chấp, chia tài sản nóng bỏng của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên khi đưa nhau ra toà. Vấn đề tiền bạc trong hôn nhân lần nữa được các bà vợ đưa ra thảo luận sôi nổi, xem chồng hay vợ “giữ tiền” thì hạnh phúc?. Còn bạn thì sao?

Không quan trọng tiền nằm trong tay vợ hay chồng

Nguyễn Thuý, giáo viên mầm non ở tỉnh Kiên Giang chia sẻ: “Vợ chồng em vẫn sống rất ổn, mặc dù tiền chẳng về mối vợ. Chi tiêu hàng tháng là cố định, đôi khi dao động chút chút thì tự cân đối. Các khoản ăn chơi và các thể loại xa xỉ phẩm đám hiếu, hỷ thì chồng tự giác chi thêm. Còn lại bao nhiêu thì tích lũy để lo việc lớn trong gia đình”.

Theo Nguyễn Thuý: “Vợ chồng em chỉ sợ không có tiền thôi, không sợ tiền nằm ở vợ hay chồng. Nếu đã xác định đi đến hôn nhân rồi thì không cần quá e dè khi đề cập tới vấn đề tiền bạc. Vợ chồng cứ thẳng thắn trao đổi với chồng hay bạn trai mình về kế hoạch tài chính trong tương lai. Em nghĩ, không nên để mỗi người giữ mỗi đường. Khi có mâu thuẫn xảy ra thì dễ đi đến việc tranh chấp, cãi vã không đáng có, nhất là khi gia đình không có quỹ chung để giải quyết những chi tiêu lớn hay đột xuất”.

Rất nhiều vấn đề tranh cãi của các cặp vợ chồng chuyện ai là người giữ tay hòm chìa khoá?

(Ảnh minh hoạ: Internet)

Chia sẻ về vấn đề này, bà mẹ 2 con Trần Thị Bảo (TP Vũng Tàu) tâm sự: “Mình thấy vấn đề này mỗi nhà một kiểu, cảm thấy nhà mình hợp với kiểu nào thì thi hành kiểu đó. Cuộc sống gia đình thì làm gì cần quy ra là vợ cầm tiền hoặc chồng cầm tiền đâu, cứ cách nào happy thì thực hiện”.

Theo Bảo, “nhà mình tiền chồng chồng tiêu, thích mua gì thì mua, nhưng trước khi mua thì bàn bạc với vợ. Dư ra bao nhiêu thì vẫn ở sổ tiết kiệm của chồng. Tiền lương của vợ thì ít hơn chồng, để chi tiêu ăn uống, điện nước các loại, dư ra thì để trong tài khoản của vợ. Khoảng 2,3 tháng mình ới chồng một tiếng. Anh còn dư nhiêu xiền, đưa em gộp vô đi gửi tiết kiệm nào. Kết cục là chồng có quyền tự do của chồng, không phải xin tiền vợ mỗi ngày, nên rất vui vẻ thoải mái”. Bí quyết của Bảo là: “Tháng nào mình phải đóng tiền lãi thì mặt mũi giả vờ hờn chồng: Anh nuôi em tháng này đi. Chàng rất vui vẻ. Bởi vậy mình nghĩ, chẳng cần quản lý lương tháng của chồng làm gì, mất tự do. Nhưng mình phải nắm được tổng thu nhập của chồng là bao nhiêu, chi tiêu các khoản lớn là bao nhiêu, dư khoảng bao nhiêu từng tháng thì vẫn thoải mái. Lâu lâu hãy thu về 1 mối”.

“Quan trọng nhất là do mình tin tưởng ông xã, nên cứ để tự do. Hồi mới lấy nhau, mẹ mình bảo con phải quản lý tiền lương chồng nhưng chồng không chịu, nên lại sinh ra cãi vã, vợ chồng căng thẳng” – Lê Thị Kim, cán bộ ngân hàng cho biết. Kiên chia sẻ: “Tiền ai nấy tiêu, nhưng nếu vợ cần thì vẫn lấy của chồng, hoặc khi laptop vợ hỏng chồng xì tiền ra mua, vợ thích mua điện thoại mới, kêu lên một tiếng thì chồng cũng mua cho. Đi ăn nhà hàng, chồng chi. Mua đồ chơi cho con, nếu vợ “nhờ” chồng, hoặc vợ tự lấy trong ví chồng mà mua cho con. Tiền ăn hàng tháng chồng đóng, chồng cho nhà nội hay gì đó, vợ không quan tâm. Còn vợ cho nhà ngoại thì đôi lúc nếu tiện thì chồng đưa hoặc vợ nói chồng đưa cho. Ví như mua TV cho nhà ngoại, biếu tiền Tết, lúc ông bà ngoại đau ốm…”.

Thuý Ngân, (Bình Dương) tâm sự: “Nhà em thì hàng tháng chồng chuyển 1 số tiền cố định vào tài khoản, còn lại ổng tự chi tiêu. Không nhất thiết phải gom về một mối, mà vợ chồng em vẫn đang sống tốt. Em không quan tâm tổng thu nhập hàng tháng của chồng là bao nhiêu, chỉ là hàng tháng ổng nói, ổng sẽ đưa cho vợ chừng đó. Vợ tự cân đối chi tiêu dành dụm cùng với lương của mình”.

Đã là vợ chồng thì mọi cái là của chung: Tiền bạc, con cái….

Thu Hoài, ở Q. Sơn Trà (Đà Nẵng) chia sẻ: “Trước khi cưới, 2 đứa mình cũng ngồi bàn bạc kỹ lưỡng rồi, lương của mỗi đứa chỉ giữ lại một khoản để chi tiêu vặt thôi, còn lại sung quỹ hết. Mình giữ quỹ, ai muốn chi tiêu gì cứ nói, sẽ rút quỹ ra xài. Vì đã thỏa thuận rõ ràng từ trước, nên mọi chuyện đi vào hôn nhân 3 năm nay vẫn thuận lợi”.

"Xưa nay các cụ vẫn nói: chồng là cái giỏ, vợ là cái hom. Tiền quy về mối vợ là hợp lẽ nhất

(Ảnh minh hoạ: Internet)

“Nhà mình thì tiền cho vào quỹ chung. Cả 2 vợ chồng bỏ chung vào quỹ góp lại, đóng tiền ăn, tiền điện, tiền nước, tiền sữa, bỉm sữa cho con…. Xong xuôi các khoản hàng tháng, còn bao nhiêu để đó, chồng định mua cái gì thì điện hỏi vợ: "em ơi anh mua cái này thấy sao?". "Hỏi cho có thôi, chứ mình thì không bao giờ ý kiến, chỉ nói anh thích thì anh cứ mua, cơ mà lúc nào ông ấy cũng thích hỏi vợ, mình thấy như vậy chồng cũng tôn trọng mình là được” – Nguyễn Hạ (Quảng Ninh cho biết.

Bùi Thị Hải (Hải Dương) bày tỏ quan điểm: “Hồi cưới xong mấy tháng, vợ chồng em cũng có băn khoăn về quỹ tiền của vợ chồng thì ai sẽ giữ? Em đẩy hết cho chồng giữ. Sau vài tháng hết tiền, vì thu từ lương 2 vợ chồng còn hạn hẹp, hỏi quỹ để tiêu là chồng cứ vò đầu, bứt tai…, có lúc thấy chồng toát mồ hôi trả lời “còn ít lắm” “sắp hết tiền…”, sau đó, chồng từ giác “đẩy "cục nợ" đó cho vợ, từ đó 2 đứa phấn đấu góp tiền vào quỹ tiêu chung”.

 “Nhà em, chồng mà tiêu riêng tiền chồng thì mẹ con em phải thắt lưng buộc bụng, em chỉ mặc áo rách ra đường thôi, đừng nói là shopping. Chưa kể chúng em còn phải quy về một mối để còn lo tích lũy mua đất, xây nhà, lo cho con lúc ốm đau, vào viện ... Cho nên tùy hoàn cảnh thu nhập của mỗi nhà mà áp dụng” – Thuý Ngân, Bắc Giang bày tỏ.

“Vợ chồng em thì không bao giờ có chuyện ai giữ tiền người nấy. Nhà em quan niệm, đã là vợ chồng thì mọi cái là của chung. Con chung, đến người còn chung, huống gì đến tiền. Xưa nay các cụ vẫn nói: chồng là cái giỏ, vợ là cái hom. Tiền quy về mối vợ là hợp lẽ nhất”.

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang