Toàn cảnh Gold Mark City vừa gặp "thảm họa bồn cầu": Dự án chung cư cao cấp mới sử dụng 4 năm nhưng nhiều tai tiếng

Mới đưa vào hoạt động từ năm 2017, nhưng chỉ sau hơn 4 năm, người dân tại dự án chung cư cao cấp Gold Mark City đã trải qua rất nhiều rắc rối.

Gold Mark City là dự án được cấp phép đầu tư từ tháng 4/2011, với tên gọi ban đầu là Castle Plaza. Tuy nhiên, dự án này lại nằm bất động hơn 3 năm, cỏ dại mọc hoang. Đến tháng 9/2014, theo Kết luận thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Castle Plaza nằm trong danh sách 49 dự án vi phạm có khả năng bị thu hồi trên địa bàn thành phố vì các lý do "chậm tiến độ, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định".

Từ đó, Sở TN&MT đã đề nghị Chủ đầu tư phối hợp với cơ quan nhà nước hoàn thành GPMB, thực hiện nghĩa vụ tài chính. Tiếp đó, Dự án này được các cơ quan quản lý nhà nước đưa vào danh sách dự án được gia hạn đến quý 4/2015.

Đang căng thẳng trước nguy cơ bị thu hồi đất, tháng 12/2014, Castle Plaza bất ngờ thay tên đổi họ, biến thành Dự án Gold Mark City. Đây là dự án do Công ty CP Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân làm chủ đầu tư, TNG Holdings Việt Nam là đơn vị quản lý và phát triển dự án.

Trong hơn 4 năm kể từ khi đưa vào sử dụng, Gold Mark City đã gặp rất nhiều rắc rối.

Vừa bàn giao đã dùng tay bóc được từng mảng tường

Tháng 5/2017, người dân tại Gold Mark City phản ánh chất lượng công trình quá kém cho dù mới được nhận bàn giao, khiến nhiều người cảm thấy nguy hiểm không dám chuyển đến ở.

Cụ thể, một người mua nhà cho biết, ông đã bỏ gần 2 tỷ để mua căn hộ và được mời đến làm thủ tục bàn giao. Tuy nhiên, khi chuẩn bị sửa chữa cho đầy đủ tiện nghi, ông phát hiện ra chất lượng vôi áo có vấn đề. "Họ xây toàn bằng cát với vữa, độ kết dính rất kém, có thể dùng tay cạy, từng phần vữa rơi xuống như mẩu bánh mỳ", vị khách hàng này chia sẻ. Lo lắng việc này có thể khiến tai nạn xảy ra khi lắp tivi, điều hòa, quạt trần, ông đã tìm người lột hết vôi áo ra để làm lại.

Vừa bàn giao đã dùng tay bóc được từng mảng tường

Tương tự, một khách hàng khác nhận căn hộ tại tầng 32 khi nhận bàn giao phát hiện ra từng mảng vữa trên đầu có thể dùng tay cậy được, có những chỗ chỉ cần dùng que gỗ đẩy thì vôi áo cũng bong tróc, rụng từng mảng.

Tranh chấp lối đi với "hàng xóm" Vinaconex

Đầu năm 2018, tức chưa đầy 1 năm sau khi bàn giao nhà cho người dân, Gold Mark City tiếp tục vướng tranh chấp với "hàng xóm", là dự án Vinaconex 7 nơi hàng trăm cư dân đã sinh sống nhiều năm. Nguyên nhân vì 2 khu đô thị này sát gần nhau, nhưng không có tường rào ngăn cách nên dẫn đến xô xát bởi lối đi chung giữa 2 khu nhà ở chung cư này.

Toàn cảnh Gold Mark City vừa gặp thảm họa bồn cầu: Dự án chung cư cao cấp mới sử dụng 4 năm nhưng nhiều tai tiếng - Ảnh 2.

Cư dân Gold Mark City rào chắn lối đi

Theo đại diện cư dân Gold Mark City thì đây là con đường được xây dựng dành cho cư dân chung cư này. Do đó, khi thấy cư dân Vinaconex 7 đi vào làn đường bao quanh khu Gold Mark City để ra đường Hồ Tùng Mậu, người dân Gold Mark City đã dùng rào sắt, ghế đá, bê tông, ô tô ngăn cản. Nhiều cuộc xô xát đã xảy ra giữa người dân hai chung cư.

Toàn cảnh Gold Mark City vừa gặp thảm họa bồn cầu: Dự án chung cư cao cấp mới sử dụng 4 năm nhưng nhiều tai tiếng - Ảnh 3.

Con đường tranh chấp (màu vàng) giữa Gold Mark City và Vinaconex 7 hồi năm 2018

Phải đến cuối tháng 4/2018, vụ việc mới được giải quyết dứt điểm. UBND quận Bắc Từ Liêm và thành phố đã vào cuộc. Thành phố khẳng định, theo quyết định của UBND Hà Nội phê duyệt quy hoạch xây dựng khu nhà ở - văn phòng - dịch vụ tại số 136 Hồ Tùng Mậu (phường Phú Diễn), Gold Mark City là dự án mở. Toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án sau khi hoàn thành sẽ được khớp nối với các dự án và khu dân cư lân cận.

Thu phí dịch vụ cao, không bàn giao sổ hồng

Tháng 8/2019, nhiều hộ dân tại Gold Mark City bức xúc khi bị chủ đầu tư là Công ty Việt Hân cắt điện, nước sinh hoạt với lý do đưa ra là các hộ dân này chưa đóng phí dịch vụ, nên ban quản lý phải dùng biện pháp tạm ngừng cung cấp điện, nước.

Tuy nhiên, theo người dân sinh sống tại đây nguyên nhân họ không đóng phí dịch vụ là do phía chủ đầu tư đã đơn phương đưa ra phí lên tới 12.688 đồng/m2 (giai đoạn trước 9.900 đồng/m2) trong khi chưa có sự thống nhất của cư dân và đặc biệt là chất lượng dịch vụ chưa tương xứng.

Theo phản ánh của các hộ dân tại đây, không dừng lại ở việc cắt điện, nước, Công ty Việt Hân còn "giữ sổ đỏ" và "không trả tiền chênh lệch diện tích căn hộ" cho cư dân để ép người dân phải đóng phí dịch vụ.

Toàn cảnh Gold Mark City vừa gặp thảm họa bồn cầu: Dự án chung cư cao cấp mới sử dụng 4 năm nhưng nhiều tai tiếng - Ảnh 4.

Cư dân TNR Gold Mark City xuống đường căng băng rôn phản đối chủ đầu tư thu phí dịch vụ quá cao

Hầm bể phốt rò rỉ, bốc mùi hôi thối

Cũng theo phản ánh của cư dân Gold Mark City, trong năm 2019 hầm bể phốt của tòa nhà gặp sự cố rò rỉ đến 3 lần chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, mùi bốc lên đến tận tầng 17 khiến cuộc sống bị đảo lộn.

Đại diện phía tòa nhà cho biết, sự cố xảy ra tại bức tường ngăn cách giữa khu vực bể phốt với khu để xe hầm B1 tòa S4. Nguyên nhân được bộ phận kỹ thuật của Ban quản lý tòa xác định là do phao kiểm soát mức nước của bể phốt bị trục trặc gây chảy tràn và thoát qua vị trí thứ yếu của tường ngăn cách bể phốt với khu vực gửi xe (cách bể phốt 50cm).

Cũng theo vị đại diện Ban QLTN này, ngay khi phát hiện đã cho hút sạch và vệ sinh khu vực hầm. Tuy nhiên, để tìm ra vị trí ngấm và xử lý dứt điểm, bộ phận kỹ thuật cùng nhà thầu buộc phải đục một khoảng lớn trên bức tường ngăn cách giữa bể phốt và khu vực hầm xe.

Toàn cảnh Gold Mark City vừa gặp thảm họa bồn cầu: Dự án chung cư cao cấp mới sử dụng 4 năm nhưng nhiều tai tiếng - Ảnh 5.

Hầm bể phốt gặp sự cố rò rỉ, nước thải ngập khu vực để xe của cư dân

Bồn cầu "phun trào như núi lửa"

Đỉnh điểm "thảm họa" của Gold Mark City vừa xảy ra cách đây 2 ngày, khi chiều ngày 29/11 vừa qua, tại một căn hộ tầng 4 thuộc tòa nhà S4 đã xảy ra sự cố tắc ở trục thoát xí bệt phòng vệ sinh Master. Những hình ảnh được ghi lại cho thấy chất thải đã trào ngược lên căn hộ tầng 4 và tràn ra khắp nhà, từ nhà vệ sinh cho tới phòng khách, phòng ngủ.

Theo đó, hình ảnh đăng tải là chiếc bồn cầu bị tắc, rác thải từ trong bồn cầu ngập ngụa, tràn ra khắp nhà, từ nhà vệ sinh cho tới phòng khách, phòng ngủ. Thoạt nhìn, ai cũng đoán định được thứ uế tạp kia là gì. Nhiều người còn rùng mình sợ hãi vì không thể tưởng tượng nổi chuyện này lại xảy ra tại một chung cư cao cấp giữa Hà Nội.

Ngay sau khi nhận được thông tin, bộ phận kiểm tra của tòa nhà đã xác định được điểm tắc tại căn hộ tầng 2 và gọi cho nhà thầu thông tắc đến để xử lý.

Cùng với đó, bộ phận chăm sóc khách hàng của dự án đã gọi điện cho các căn hộ phía trên thông báo không sử dụng phòng vệ sinh Master (cùng trục) để tiến hành thông tắc. Bộ phận vệ sinh tiến hành dọn dẹp cho căn hộ, đến 20h cùng ngày thì hoàn tất.

Đại diện chủ đầu tư cho biết: "Do tắc trục căn 13, khả năng do căn hộ nào đó sửa chữa WC bị rơi vật gì đó vào trục 13 gây tắc từ tầng dưới làm trào ngược lên căn tầng 4".

Toàn cảnh Gold Mark City vừa gặp thảm họa bồn cầu: Dự án chung cư cao cấp mới sử dụng 4 năm nhưng nhiều tai tiếng - Ảnh 6.

"Thảm họa" bồn cầu tại Gold Mark City

Theo Doanh nghiệp và tiếp thị

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang