TP.HCM: Ngủ gục trên đầu xe máy của cha lúc đi chơi, bé trai 3 tuổi ngã xuống đường lâm nguy vì vỡ lách

Bé trai ngồi trước đầu xe của cha ngủ gục nhưng không có đai an toàn. Bất ngờ bé tỉnh giấc, đứng bật dậy khiến người cha không xử lý kịp, té xuống đường dẫn đến tai nạn đau lòng.

Ngày 29/9, đại diện Bệnh viện (BV) quận Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, vừa qua nơi đây đã phẫu thuật cứu thành công trường hợp bé trái bị tai nạn vỡ lách rất nặng.

Trước đó vào chiều ngày 19/9, bé N.Đ.T. (3 tuổi) được bố chở đi dạo chơi bằng xe gắn máy. 

Bé được ngồi trước đầu xe của bố nhưng lại không có đai thắt an toàn. Trong lúc đi chơi, gió mát khiến bé ngủ gục. Sau đó bé T. bỗng nhiên mớ ngủ đã đứng bật dậy khiến bố không thể kiểm soát tay lái. Xe nghiêng làm hai bố con ngã ra đường.

TP.HCM: Bé trai 3 tuổi ngủ gục trên đầu xe máy của cha, té xuống đường vỡ lách lâm nguy - Ảnh 1.

Bé N.Đ.T. (3 tuổi).

Sau khi té ngã, bé T. kêu đau bụng bên trái nên lập tức bé được bố chở vào BV để thăm khám và cấp cứu. Nhận thấy bé quấy khóc nhiều, bác sĩ trực cấp cứu đã tiến hành chỉ định chụp CT cho bé để xác định nguyên nhân gây đau bụng.

Kết quả cho thấy bé bị chấn thương vỡ lách độ 3 nhưng không có dấu hiệu chảy máu, dịch ở bụng.

Thời điểm khám tại khoa Cấp cứu bé tỉnh táo, chỉ số sinh tồn ổn định. Đồng thời kết quả xét nghiệm cho thấy bé không bị thiếu máu nên bé được nhập lên khoa Ngoại Tổng quát để theo dõi và điều trị tiếp.

Tại đây bác sĩ điều trị tiêm thuốc cầm máu, thuốc giảm đau, kháng sinh chống nhiễm trùng. Bố mẹ được căn dặn phải giám sát chặt chẽ, không cho bé vận động để tránh gây chảy máu trong ổ bụng.

TP.HCM: Bé trai 3 tuổi ngủ gục trên đầu xe máy của cha, té xuống đường vỡ lách lâm nguy - Ảnh 2.

Sau tai nạn trên xe của cha, bé trai bị vỡ lách độ 3.

Sau 3 ngày điều trị, bác sĩ đánh giá thấy bé đáp ứng tốt với phác đồ điều trị tuy nhiên vẫn phải theo dõi sát tình trạng của bé đề phòng chảy máu ổ bụng thứ phát có thể xảy ra.

Bác sĩ Mai Hóa, Trưởng khoa Ngoại Tổng quát cho biết, vỡ lá lách rất nguy hiểm vì nếu bệnh nhân chảy máu nhiều sẽ dẫn đến sốc mất máu, không điều trị kịp thời sẽ đe dọa đến tính mạng.

Lá lách còn là một bộ phận quan trọng trong việc hỗ trợ hệ thống miễn dịch, là kho lưu trữ các tế bào bạch cầu và tiểu cầu để cung cấp bất cứ khi nào hệ miễn dịch cần.

"Nếu thấy có dấu hiệu chảy máu diễn tiến hoặc thứ phát, chúng tôi buộc lòng phải mổ để khâu lại lá lách hoặc cắt bỏ lá lách bị tổn thương của bé để cầm máu" - bác sĩ cho biết thêm.

Bác sĩ Lư Quí Trang, khoa Ngoại Tổng quát khuyến cáo bố mẹ cần phải lưu ý mang dây đai an toàn khi chở trẻ nhỏ trên xe máy, vì bé chưa ý thức được những nguy hiểm. Khi bị té xe có thể bị như chấn thương bụng, gãy chân tay, chấn thương sọ não... thậm chí tử vong.

 

 

Theo afamily.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang