Vì sao trẻ em cũng cần tẩy giun?
|
Nhiễm giun ở đường ruột gây ra do người bệnh từng không giữ gìn vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn. Trứng giun từ môi trường bên ngoài sẽ xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng. Từ đó, chúng sinh sôi và phát triển ở trong đường ruột.
Khi bị nhiễm giun, người bệnh sẽ bị giun hấp thụ các chất dinh dưỡng khi thức ăn đi đến ruột non, ruột già. Chúng sẽ khiến cho người bệnh xanh xao, suy dinh dưỡng, mệt mỏi, đau bụng, tiêu chảy,…
Một số loại giun hay xuất hiện ở ruột người là: giun kim, giun đũa, giun tóc, giun móc,…
Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm giun nhất. Nguyên nhân của điều này là do trẻ nhỏ chưa có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh cá nhân. Trẻ em thường có thói quen nghịch đồ chơi, nghịch cát, bò trên nền đất,… sau đó lại đưa tay lên miệng. Trứng giun rất dễ dàng đi vào cơ thể và gây hại cho hệ tiêu hóa, đường ruột ở trẻ. Tẩy giun định kỳ giúp điều trị nhiễm giun và làm sạch các nguy cơ gây giun ở đường ruột như trứng giun, ấu trùng giun. Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo thêm, lịch tẩy giun trẻ em định kỳ nên duy trì 2 lần/năm. Mỗi lần tẩy giun sẽ cách nhau 6 tháng.
Phát hiện trẻ bị nhiễm giun bằng cách nào?
|
Đau bụng;
Buồn nôn, thậm chí có thể nôn ra giun;
Quấy khóc, khó ngủ;
Dễ đái dầm;
Ngứa hậu môn;
Trạng thái của phân không ổn định: phân lỏng, phân rắn;
Biếng ăn;
Xuất hiện máu trong phân;
Trẻ có dấu hiệu thiếu máu;
Cơ thể xanh xao, gầy yếu.
Khi nghi ngờ trẻ em bị nhiễm giun, người lớn cần đưa trẻ nhỏ đến gặp bác sĩ để được khám, xét nghiệm và điều trị bệnh. Trẻ nhiễm giun sẽ dẫn đến những hậu quả như: suy dinh dưỡng, cơ thể còi cọc, cơ thể chậm lớn, kém phát triển trí tuệ, suy giảm sức đề kháng, thiếu máu, tổn thương niêm mạc ruột, nhiễm trùng cơ quan sinh dục,… Đó là chưa kể những biến chứng như giun chui ống mật, tắc ruột và giun đi vào mạch máu, qua gan, phổi; hay ở các bé gái khi giun kim cái ra hậu môn đẻ trứng có thể bò sang bộ phận sinh dục gây viêm nhiễm.
Trẻ bị giun chui vào phổi làm cho bị ho kéo dài, gầy gò, mệt mỏi, có thể lầm với viêm phổi do nguyên nhân khác. Những trường hợp nhiễm giun móc trẻ có thể bị thiếu máu nặng vì mất máu mãn tính do tổn thương niêm mạc ruột làm chảy máu kéo dài, vì thế trẻ nhiễm giun thường biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng và chậm phát triển, thiếu máu… Cũng cần lưu ý rằng rất nhiều người bị nhiễm giun sán giai đoạn đầu, hoặc nhiễm ít, thường không có triệu chứng.
Trẻ bao nhiêu tháng tuổi được tẩy giun tại nhà?
Bộ Y tế khuyến cáo phụ huynh nên cho con uống thuốc xổ giun thường quy cho trẻ em từ 12 tháng trở lên. Trẻ từ 12 tháng – 24 tháng tuổi: xổ giun bằng thuốc Albendazole 200mg hoặc Mebendazole 500mg một liều duy nhất. Trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên và người lớn: xổ giun bằng thuốc Albendazole 400mg hoặc Mebendazole 500mg một liều duy nhất.
Các loại thuốc tẩy giun tại nhà cho trẻ thường được bào chế dưới dạng viên nén, thơm, ngọt, có thể nhai, nghiền trước khi uống hay dạng hỗn dịch, tùy theo lứa tuổi của bé để lựa chọn dạng thuốc cho thích hợp. Có thể uống thuốc vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, không cần phải nhịn đói. Tuy nhiên uống vào buổi tối trước khi đi ngủ là tốt nhất. Hiện nay, ở trường mầm non, các bé cũng được cho uống thuốc một lần trong năm, thường vào đầu năm học, các bậc phụ huynh nên lưu ý cho bé uống nhắc lại sau 6 tháng.
Khi cho trẻ uống thuốc giun, phụ huynh phải theo dõi xem phân có chứa giun không. Đặc biệt, theo dõi sát để phát hiện những bất thường của trẻ sau khi uống thuốc. Nếu có hiện tượng nôn, lả đi thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế. Trước khi tẩy giun cho trẻ nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Với trường hợp sống ở môi trường sạch sẽ thì không nên tự tiện tẩy giun.
Để tránh trẻ bị nhiễm giun, phụ huynh chú ý môi trường sạch sẽ, không cho trẻ tiếp xúc với đất cát, không để trẻ mút hay ngậm tay. Lưu ý rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Đồ chơi dành cho trẻ nếu rửa được cũng nên vệ sinh thường xuyên.
Theo Thành viên diễn đàn Lamchame tổng hợp
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.