Nghỉ tránh dịch dài ngày, trẻ có nguy cơ ăn nhiều kẹo bánh, uống nước ngọt vô tội vạ, vậy hàm lượng đường bao nhiêu là đủ?
Đường là gia vị rất quen thuộc trong các gia đình. Bánh kẹo ngọt, đồ ăn nhanh hằng ngày là "thủ phạm" chứa rất nhiều đường. Đường cũng được tìm thấy trong trái cây, quả mọng và mật ong, cũng như các nguồn thực phẩm chính có chứa tinh bột như: ngũ cốc, bánh mì, khoai tây... Thực phẩm chứa đường tự nhiên như hoa quả, rau xanh cũng chứa nhiều nước, chất xơ, vitamin và khoáng chất cao, hàm lượng đường thấp rất có lợi cho sức khỏe của trẻ. Ngược lại, nhiều món bánh kẹo ngọt, socola hay nước giải khát chứa nhiều đường lại thường là món yêu thích và có thể gây nguy hại tới sức khỏe của trẻ nhỏ.
Theo Tổ chức y tế thế giới WHO, lượng đường sử dụng hàng ngày không nên quá 10% lượng năng lượng (calo) mỗi ngày, hoặc tốt hơn là không quá 5%. Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Circulation của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, trẻ em không nên tiêu thụ quá 6 muỗng cà phê đường mỗi ngày. Lượng đường này tương đương với một thanh socola nhỏ và ít hơn một lon nước ngọt. Còn đối với trẻ dưới 2 tuổi, khẩu phần dinh dưỡng của bé không nên bổ sung thêm đường, kể cả là đồ uống có đường vì điều này có thể gây nguy hại cho sức khỏe của trẻ.
Tiến sĩ Miriam Vos, tác giả chính của nghiên cứu, nhà khoa học dinh dưỡng và phó giáo sư nhi khoa tại Đại học Y Emory (Mỹ) cho hay: "Nhiều bậc cha mẹ chưa hiểu rõ việc nên cho trẻ dùng bao nhiều đường là phù hợp. Nghiên cứu này sẽ góp phần giúp cha mẹ nắm được hàm lượng đường dùng cho trẻ và tạo nền tảng sức khỏe tốt hơn cho con em mình sau này".
Bác sĩ Vos cũng nhấn mạnh thêm rằng bổ sung nhiều hơn lượng đường cho phép mỗi ngày là một nguyên nhân khiến tình trạng trẻ em bị béo phì, thừa cân, cholesterol cao bất thường, gan nhiễm mỡ ở trẻ em. Tất cả những hệ quả này làm tăng nguy cơ trẻ bị mắc các bệnh tim mạch trong tương lai. Ăn nhiều đường gây sâu răng và chi phí điều trị sâu răng cũng khá tốn kém, chiếm 10% ngân sách chi cho ngành y tế tại các nước công nghiệp.
Dựa trên hàng trăm nghiên cứu và các cuộc khảo sát dinh dưỡng được thực hiện trên nước Mỹ, các chuyên gia kết luận trẻ em hiện đang tiêu thụ đường nhiều hơn hoặc ít hơn so với khuyến nghị là trung bình 6 muỗng cà phê mỗi ngày.
Trẻ em dưới 2 tuổi càng không cần thêm đường trong chế độ ăn vì nhu cầu calo thấp hơn so với trẻ lớn và người lớn. Đặc biệt trong dịp nghỉ dài ngày để tránh dịch bệnh hiện nay, việc trẻ ăn uống vô tội vạ nhất là các loại kẹo bánh sẽ càng làm gia tăng nguy cơ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ.
Mẹ cần làm gì để kiểm soát lượng đường con tiêu thụ mỗi ngày?
Trẻ em sử dụng thực phẩm chứa nhiều đường có xu hướng ăn ít thực phẩm tốt cho sức khỏe hơn như trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm sữa ít chất béo tốt cho tim mạch. Để hạn chế lượng đường trong khẩu phần ăn của cả bé và gia đình, mẹ có thể sử dụng gia vị thay thế để thay cho đường như quế, hạnh nhân, vani.
Khi cho trẻ uống các loại nước giải khát như trà, nước cũng không nên cho thêm nhiều đường, đây cũng là cách để tạo khẩu vị cũng như thói quen ăn uống lành mạnh, ít đường tốt cho sức khỏe của trẻ.
Ngoài ra, cha mẹ cũng cần lưu ý hạn chế một số thực phẩm nhiều đường như:
- Nước giải khát: Đa phần mỗi lon, mỗi chai nước giải khát đều có lượng đường vượt quá mức lượng đường nên ăn mỗi ngày. Uống nhiều nước giải khát, đặc biệt nước có gas sẽ tạo thành thói quen xấu cho trẻ, nếu uống kèm trong lúc ăn còn có thể làm trẻ ngang bụng, chán ăn các món khác.
- Kẹo, bánh ngọt: Các món kẹo bánh ngọt đều là món yêu thích của trẻ nhưng kẹo bánh lại chứa nhiều đường và carbonhydrat, không tốt cho cơ thể và sự phát triển của trẻ.
- Nước ép trái cây: Nước ép là thực phẩm tốt cho sức khỏe, nhưng thường chứa một lượng đường lớn. Hơn nữa, nhiều bậc cha mẹ có thói quen pha thêm thường để tăng vị thơm ngon ngọt rồi cho bé uống, điều này sẽ làm vượt mức đường cho phép ăn hằng ngày của trẻ.
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.