Vừa qua, Khoa Nhi (BVĐK Cao Bằng) đã tiếp nhận một trường hợp trẻ sơ sinh 11 ngày tuổi vào viện trong tình trạng sốt cao liên tục, quấy khóc, khó thở, da toàn thân vàng đậm… Sau khi khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị viêm ruột, nhiễm khuẩn huyết và cho chuyển tuyến điều trị tiếp do tình trạng của bé nặng.
Theo chia sẻ của gia đình, khi bé được về nhà sau sinh đã được tắm nước lá cây đun sôi theo dân gian vài lần để trị bệnh vàng da. Khi thấy con quấy khóc nhiều, bụng chướng căng, da toàn thân vàng đậm màu, khó thở nên đưa vào viện.
Trước đó, BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cũng đã tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi sơ sinh 7 ngày tuổi bị vàng da nhân não tiên lượng nặng. Bệnh nhi sau 3 ngày sinh da hơi vàng nhưng gia đình chủ quan không cho tắm nắng, thăm khám kịp thời và áp dụng biện pháp tắm lá. Sau một tuần, da của bé vàng đậm hơn, quấy khóc, bỏ bú… gia đình mới đưa vào viện. Kết quả, bệnh nhi bị vàng da nhân não tiên lượng nặng, nồng độ bilirubin tăng cao. Để cấp cứu, bác sĩ đã chỉ định bệnh nhi phải thay máu.
(Ảnh minh họa)
PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, vàng da là hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh do tăng bilirubin trong máu. Hiện tượng này có vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý khi chỉ số bilirubin cao. Thường ở những trẻ sinh non, trẻ sinh ngạt … dễ bị vàng da bệnh lý.
Theo thống kê, tỷ lệ trẻ vàng da tại Việt Nam khoảng 30% trẻ sơ sinh nhưng tỷ lệ phải điều trị chỉ dưới 10%. Đa số vàng da sinh lý sẽ khởi phát từ ngày 3-4 sau sinh, chỉ cần theo dõi không cần điều trị mà tự khỏi sau khoảng 2 tuần. Trẻ vàng da sinh lý, da vàng nhẹ từ vùng mặt đến ngực, ăn bú bình thường.
Các bậc cha mẹ có thể cho trẻ tắm nắng ở nhà, cho trẻ bú nhiều lần trong ngày nhằm giúp đào thải nhanh chất bilirubin qua đường tiêu hoá. Ngoài ra, theo dõi vùng lan rộng của vàng da và các biểu hiện kèm theo liên tục trong tuần đầu sinh. Nếu có bất thường cần đưa trẻ đến viện.
Nếu tình trạng vàng da tăng nhanh quá vùng ngực, trẻ có thể bỏ bú, nhược cơ, sốt, khó thở cần đến cơ sở y tế ngay vì trẻ bị vàng da bệnh lý. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể bị biến chứng nhiễm độc thần kinh, mắc hội chứng vàng da nhân não. Việc điều trị lúc này rất khó khăn, hiệu quả kém. Bác sĩ sẽ phải thay truyền máu liên tục để đẩy lượng bilirubin ra ngoài nhưng trẻ vẫn có nguy cơ cao mắc các di chứng về thần kinh hết sức nghiêm trọng.
Về việc tắm lá để hết vàng da, theo lương y đa khoa Vũ Quốc Trung, đây là kinh nghiệm truyền miệng. Cho trẻ tắm bằng lá cây cần thận trọng vì da trẻ sơ sinh vốn mỏng, cấu trúc da chưa ổn định nên dễ bị dị ứng, tổn thương, nhiễm trùng. Phần lớn, trẻ vàng da bị nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài. Các loại lá cây mọc hoang dã bụi bẩn nếu không rửa sạch rất dễ nhiễm khuẩn. Vào mùa hè, việc tắm lá không đúng cách nguy hiểm hơn vì càng khiến trẻ dễ bội nhiễm, có thể nhiễm trùng máu nguy hiểm tới tính mạng.
Việc tắm lá thuốc cho trẻ phải dùng theo chỉ định của bác sĩ, cha mẹ không nên tự ý mua các loại lá về tắm cho con. Việc tắm các loại lá cũng tùy cơ địa của từng trẻ nhưng thực tế đã ghi nhận không ít trường hợp nhập viện vì nhiễm trùng da do tắm lá không đúng. Thậm chí, có những trường hợp trẻ bị nặng để lại di chứng suốt đời do không được cấp cứu kịp thời.
Các chuyên gia khuyến cáo, để nhận biết trẻ bị vàng da cha mẹ cần theo dõi sát màu da của con dưới ánh sáng mặt trời, không nên quan sát dưới ánh đèn neon hoặc đèn thường sẽ khó nhận ra. Các bà mẹ sau sinh nên tái khám cho trẻ tại cơ sở y tế 3-5 ngày sau đẻ hoặc phát hiện vàng da sớm. Đặc biệt là trẻ bị vàng da trong vòng 48 giờ sau sinh cần được đưa tới bệnh viện kịp thời. Việc cha mẹ không tái khám, bỏ lỡ thời gian điều trị phù hợp sẽ nguy hiểm cho trẻ. Càng nguy hiểm hơn khi áp dụng các biện pháp truyền miệng để trị vàng da cho trẻ.
Link gốc: https://giadinh.net.vn/song-khoe/tre-so-sinh-bi-vang-da-nguy-kich-tinh-mang-vi-cach-ma-nhieu-cha-me-van-dang-truyen-nhau-lam-20210527161343629.htm
Theo ttvn.vn
Gửi bình luận
(0) Bình luận
Xếp theo: Thời gian Số người thíchBài viết chưa có bình luận nào.